Thêm 41 trường hợp mắc bệnh tả

Thêm 41 trường hợp mắc bệnh tả
TP - Ngày 10/11, đã có thêm 41 trường hợp mắc tả, nâng tổng số ca mắc tả cả nước lên 201 ca. Đây là kết quả xét nghiệm mới nhất do Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư thực hiện.
Thêm 41 trường hợp mắc bệnh tả ảnh 1

Nếu bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp tự ý về sớm, sẽ không đảm bảo được việc quản lý chất thải, gây nguy cơ lây lan. Ảnh: MH

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trong ngày 10/11 số ca tiêu chảy cấp do các địa phương báo cáo về vẫn tiếp tục tăng. Đã có thêm 100 ca mắc mới, trong đó riêng Hà Tây phát hiện thêm 31 trường hợp, trở thành địa phương có số người mắc mới cao nhất.

Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp và tả không có chiều hướng giảm ở các địa phương, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế của các tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn sự lây lan dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Theo đó, các địa phương phải có biện pháp giám sát các cửa khẩu, bến xe, bến tàu nhằm phát hiện sớm các ca tiêu chảy. Cụ thể, phải tổ chức lực lượng để quan sát, nếu phát hiện người có dấu hiệu tiêu chảy cấp thì thuyết phục họ ngừng di chuyển và đến bệnh viện.

Điều khó khăn của công tác này là việc có làm theo khuyến cáo hay không còn tùy thuộc vào ý muốn của hành khách do hiện nay không có quy định nào cho phép cấm đi lại hay cưỡng chế điều trị đối với bệnh nhân tiêu chảy.

Việc đặt các bàn giám sát ở các địa điểm bến tàu, bến xe, chủ yếu để người bệnh chủ động tìm đến khi có nhu cầu được giúp đỡ, chứ không mấy hiệu quả trong việc giám sát nguồn lây và ngăn mầm bệnh lan ra các tỉnh. 

Theo TS Nga, để theo dõi được sự di chuyển của các hành khách nghi nhiễm tả, hiện chỉ có thể dựa vào hệ thống y tế dự phòng. Khi ngành y tế phát hiện một ca tả trong cộng đồng, người bệnh và những người liên quan có nguy cơ cao (như cùng ăn thực phẩm nghi là thủ phạm, có tiếp xúc với chất thải...) sẽ được lập danh sách theo dõi.

Khi người đó di chuyển, y tế nơi đến sẽ nhận được tin để “đón đầu” nhằm giám sát môi trường và đưa bệnh nhân đi cách ly điều trị.

Trong sáng 10/11, Ban Chỉ đạo Vệ sinh An toàn Thực phẩm TP Hà Nội đã tiến hành thanh kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm tại một số tuyến phố và chợ trên địa bàn.

Qua kiểm tra phố Mai Hắc Đế, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Mơ, chợ Trương Định, đoàn phát hiện nhiều cửa hàng, ki ốt kinh doanh thực phẩm vẫn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Rất nhiều hàng không có phương tiện bảo quản thực phẩm, để bụi, ruồi muỗi bám vào. Đây là nguy cơ lớn làm ô nhiễm thực phẩm, tạo điều kiện cho các vi sinh vật, vi khuẩn có hại phát triển.

Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo thành phố đã giao cho Ban Chỉ đạo các quận, huyện, xã, phường tịch thu, tiêu huỷ và đình chỉ ngay gần 10 cơ sở kinh doanh thực phẩm ở chợ Mơ do không đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần.

TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định, Hà Nội sẽ làm triệt để trong việc quản lý thức ăn đường phố: Tuyệt đối cấm bán hàng rong; Kiên quyết đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện, kể cả những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn vi phạm.

Nếu ở các chợ, tuyến phố vẫn còn những cơ sở vi phạm chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Mỹ Hằng

MỚI - NÓNG