Thuốc bệnh viện: Vitamin giảm, kháng sinh tăng

Thuốc bệnh viện: Vitamin giảm, kháng sinh tăng
Kiểm điểm tình hình sử dụng thuốc mới đây tại hơn 600 bệnh viện toàn quốc, quan chức Bộ Y tế cho biết tỷ lệ tiền mua thuốc vitamin có xu hướng giảm trong khi tiền mua thuốc kháng sinh vẫn tăng.
Thuốc bệnh viện: Vitamin giảm, kháng sinh tăng ảnh 1

“Tiền mua thuốc kháng sinh giảm nhiều phải chăng là biểu hiện của việc sử dụng vitamin trong bệnh viện hợp lý hơn, giảm tình trạng lạm dụng vitamin so với trước”, TS Đỗ Kháng Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ điều trị, Bộ Y tế, nói tại hội nghị tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước tổ chức cuối tháng 3/2005 tại Hà Nội, “Ngược lại, tiền thuốc kháng sinh tăng cho thấy nhiễm khuẩn vẫn là bệnh chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam”.

Qua báo cáo của 661 bệnh viện về tình hình sử dụng thuốc bệnh viện trong hai năm 2003-2004, nhận thấy tỷ lệ tiền mua thuốc vitamin đứng ở mức 2% trong tổng số tiền mua thuốc mỗi năm. Tỷ lệ đó cho thấy có sự giảm mạnh tiêu dùng vitamin trong bệnh viện nếu biết trong các năm từ 2000- 2002, tỷ lệ tiền thuốc vitamin chiếm 5-7% tổng tiền thuốc.

Ngược lại, tiền thuốc kháng sinh năm sau tiếp tục cao hơn năm trước. Vẫn theo thống kê từ 25 bệnh viện trung ương, 162 bệnh viện tỉnh, 445 bệnh viện huyện, và 30 bệnh viện ngành, năm 2003, tiền kháng sinh là trên 737 tỷ đồng (chiếm 54% tổng tiền thuốc). Năm 2004, tiền kháng sinh của 661 bệnh viện lên hơn 931 tỷ đồng, chiếm 56% tổng tiền thuốc.

Tại ta là chính

“Do môi trường tiếp tục xuống cấp, các bệnh viện chậm được đầu tư đổi mới, trình độ dân trí trong việc phòng bệnh chậm được nâng lên, tình trạng các bệnh nhiễm khuẩn ở Việt Nam có dấu hiệu tồi tệ hơn trước bất chấp nỗ lực to lớn của ngành y tế”, một quan chức Bộ Y tế nói. Nghiêm trọng hơn, do lạm dụng thuốc, ngày càng nhiều người sớm nhờn với kháng sinh, khiến chi phí cho kháng sinh ngày càng thành gánh nặng.

Tại Viện Bỏng Quốc gia, bất chấp hàng loạt chiến dịch tuyên truyền về phòng chống cháy nổ, mấy tháng đầu năm 2005 gia tăng đột biến bệnh nhân bỏng trẻ em. BS Phạm Văn Gia, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, cho biết, mỗi bệnh nhân bỏng nhập viện, để chống nhiễm khuẩn, giờ phải dùng kháng sinh mạnh nhất như Chianam loại 300.000đ/lọ. Mỗi ngày, bệnh nhân bình thường dùng không dưới hai lọ như vậy.

Lý giải nguyên nhân của việc giảm tiêu dùng vitamin trong bệnh viện hay, nói cách khác, giảm kê đơn vitamin cho bệnh nhân, các quan chức y tế đều phấn khởi cho đó là do hiệu lực của Chỉ thị số 05/2004/CT-BYT của Bộ trưởng Y tế về việc chấn chỉnh công tác cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc trong bệnh viện.

Báo cáo của Bộ Y tế đưa ra những con số cho thấy có chuyển biến tích cực trong hoạt động kê đơn thuốc. 95% hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện triển khai giám sát sử dụng thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chỉ tính từ tháng 5-12/2004, gần 8000 bệnh án được bình, tức được đưa ra tập thể xét xem có tình trạng bác sỹ kê đơn “quá tay” hay không. Bệnh viện Nhi đồng I (TP Hồ Chí Minh) được nêu gương cho các bệnh viện khác “soi chung” với những thành tích đại loại thường xuyên bình bệnh án, tích cực can thiệp, chấn chỉnh sử dụng thuốc, tăng cường sử dụng thuốc trong bệnh viện, v.v...

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho tiêu thụ vitamin trong bệnh viện không giảm và, nếu giảm, chưa hẳn chỉ do “uy” của Chỉ thị 05. Bằng chứng là, mãi đến ngày 16/4/2005, Chỉ thị 05 của Bộ trưởng Y tế mới được ban hành và hơn một tháng sau, ngày 19/5/2004, Bộ Y tế mới ban hành công văn hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 05.

Thế mà tổng tiền vitamin năm 2003 tại 661 bệnh viện chỉ 26 tỷ đồng trong khi của năm 2004 lên hơn 31 tỷ đồng. Vitamin lại nằm trong nhóm thuốc tăng giá rất ít nếu không muốn nói hầu như không tăng trong các đợt sốt giá.

Liên quan đến tiền chi cho vitamin năm 2004 tăng so với năm 2003, có ý kiến cho có phần của chủ quan. Có bệnh viện giá thuốc nhập vào bệnh viện vẫn tăng nhiều so với giá gốc. TS Chiến lý giải do “phần lớn bệnh viện chưa thực hiện đấu thầu mua thuốc mà chỉ định công ty dược phẩm tỉnh cung ứng cho bệnh viện và mua thuốc của các công ty TNHH”.

Đặc biệt, kinh phí bệnh viện hạn chế không đủ nguồn kinh phí trang trải cho bệnh nhân nhi dưới 6 tuổi hoặc trả nợ tiền thuốc, v.v..., cho công ty dược, cũng khiến nhiều bệnh viện không tổ chức được đấu thầu và lâm vào tình trạng nợ tiền thuốc triền miên.

“Không đấu thầu và nợ thường xuyên, làm sao chúng tôi mua được thuốc với giá hợp lý”, lãnh đạo một bệnh viện nhi phía Bắc nói. Tốn kém do đội giá kia không phải là nhỏ nếu biết vấn đề không chỉ rơi vào vitamin mà còn nhiều loại thuốc, hoá chất, dụng cụ y tế khác nữa.  

MỚI - NÓNG