Tiến bộ mới trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Tiến bộ mới trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm
Bệnh viện Việt – Pháp (Hà Nội) đã ứng dụng công nghệ mới trong việc phẫu thuật  thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống cổ và TVĐĐ thắt lưng.

Cột sống được ví như cái khung của tòa nhà. Nó có nhiệm vụ mang trên mình cơ thể nặng hàng chục cân của một con người.

Khi cột sống gặp vấn đề bất ổn, ngay lập tức con người trở nên nặng nề và khó chịu hơn. Một trong những bệnh thường gặp nhất của cột sống là chứng thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra khi nhân keo của đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống.

Những chấn thương như ngã ngồi, trượt chân, cố sức nâng vật nặng đều có thể là tác nhân gây bệnh. Phương pháp xác định bệnh hiệu quả nhất là chụp cộng hưởng từ MRI. Nếu chụp phim sẽ khó phát hiện do nhân keo đĩa đệm không cản quang, hoặc chỉ nhận ra qua những dấu hiệu như cột sống lệch trục, hẹp khoảng liên đốt sống.

Chúng tôi có cuộc hẹn với bác sĩ Fédéric Hor – một GS chuyên về phẫu thuật thần kinh để tìm hiểu kỹ thuật vi phẫu chữa TVĐĐ đốt sống cổ và kỹ thuật hiện đại chữa TVĐĐ  thắt lưng.

GS Fédéric Hor cho biết, tủy cổ chi phối vận động và cảm giác cho toàn bộ cơ thể nhưng nhiều nhất là chi trên. Khi một người bị TVĐĐ, bác sĩ sẽ lấy đi khối thoát vị để không gây chèn ép vào tủy hoặc rễ thần kinh.

Muốn đến được nơi có khối thoát vị, GS Fédéric Hor áp dụng kỹ thuật vi phẫu. Đây là kỹ thuật có độ xâm lấn ít nhất, hạn chế tối đa vùng da bị rạch. Và vì thế, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cũng giảm theo. Thời gian phẫu thuật phụ thuộc vào trình độ tay nghề mỗi bác sĩ, trang thiết bị phòng mổ và mức độ phức tạp của ca bệnh.

Với GS Fédéric Hor – người có 20 năm kinh nghiệm trong việc phẫu thuật thần kinh, mỗi ca mổ phẫu thuật TVĐĐ cột sống cổ kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi để tiến hành quá trình vi phẫu lấy đĩa đệm ra khỏi cơ thể bệnh nhân rồi cố định phần vừa được phẫu thuật lại.

Phẫu thuật TVĐĐ cột sống cổ khó khăn hơn rất nhiều so với TVĐĐ thắt lưng vì tủy cổ là nơi tập trung nhiều dây thần kinh và cơ quan quan trọng như khí quản, thực quản, động mạch cảnh.

GS Fédéric Hor cho biết, nhờ có kính hiển vi mà các thao tác trong vi phẫu điều trị TVĐĐ diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn so với mổ bằng mắt thường. Nói như GS Fédéric Hor, trong phẫu thuật thần kinh, kính hiển vi đóng vai trò quan trọng như kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn vì vết mổ rất nhỏ, hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ.

Ông cũng nhấn mạnh, thời gian mổ lâu hay mau không quan trọng bằng kết quả sau mổ. Tuy nhiên, nếu mổ lâu quá thì lượng thuốc mê bệnh nhân hít vào sẽ nhiều hơn và khả năng xảy ra biến chứng, đặc biệt là nhiễm trùng cũng cao hơn.

Vì vậy  bác sĩ thường phải giúp bệnh nhân vận động sớm sau mổ nhằm tăng cường sự lưu thông máu, vết mổ mau lành hơn và người bệnh có thể tập phục hồi chức năng sớm, tránh xơ hóa, huyết khối. Sau mổ bệnh nhân phải thường xuyên tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Đối với căn bệnh TVĐĐ cột sống thắt lưng, đĩa đệm được lấy ra khỏi cơ thể bằng kỹ thuật hiện đại trong nhóm “Phẫu thuật thần kinh ít xâm phạm”. Nghĩa là bác sĩ sẽ thực hiện đường rạch mở da, cơ và xương nhỏ nhất. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng vết mổ – biến chứng thường gặp nhất đối với phương pháp mổ mở thông thường.

TVĐĐ cột sống thắt lưng là hiện tượng đứt, rách hoàn toàn các líp vòng sợi, khiến nhân nhầy và các tổ chức khác của đĩa đệm thoát ra khỏi khoang liên đốt sống. Bệnh có thể gây vẹo cột sống thắt lưng.

Khi bị TVĐĐ cột sống thắt lưng, người bệnh sẽ có cảm giác đau giảm khi nằm nghiêng và tăng khi ho hoặc đại tiện, đau khi gõ hoặc ấn vào khoảng liên đốt, đau tự nhiên vùng xung quanh gai sau. Nếu bệnh nặng có thể cảm giác đau lan xuống vùng mông và đùi.

Đặc biệt, khi bệnh đã nặng bệnh nhân không còn khả năng ưỡn của thắt lưng, không cúi được sâu. Giảm vận động chân và giảm cảm giác vùng da chân. Trường hợp nặng có thể bị liệt. Nguyên nhân gây TVĐĐ cột sống thắt lưng là do tác động của các yếu tố bên ngoài như nghề nghiệp, tải trọng quá mức, chấn thương.

GS Fédéric Hor cho biết, từ năm 2001, khi ông bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Việt – Pháp đến nay có khoảng 50% số ca phẫu thuật thần kinh do chính tay ông thực hiện rơi vào các trường hợp bệnh nhân bị TVĐĐ cột sống cổ và TVĐĐ thắt lưng.

Từng làm việc tại bệnh viện Val de Grâce (Paris, Pháp) và đã tiến hành hàng trăm ca phẫu thuật thần kinh, GS Fédéric Hor cho biết tại Pháp cũng như nhiều nước có nền y học tiên tiến trên thế giới đều đã áp dụng phương pháp điều trị vi phẫu nhờ kính hiển vi hiện đại trong điều trị chứng TVĐĐ.

Đối với những ca phẫu thuật thông thường không sử dụng phuơng pháp này thì thời gian nằm viện kéo dài khoảng nửa tháng. Tuy nhiên với kính hiển vi hiện đại dùng trong vi phẫu, thời gian lưu viện của bệnh nhân được rút ngắn lại còn khoảng 4 đến 5 ngày.

Các thông tin trên được cung cấp bởi khoa phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Việt Pháp Hà nội, số 1 đường Phương Mai, Đống Đa, Hà nội. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ phòng dịch vụ khách hàng của Bệnh viện theo số: 5 77 11 00.

Website: www.hfh.com.vn

MỚI - NÓNG