Trẻ sốt, điều trị thế nào?

Trẻ sốt, điều trị thế nào?
TP - Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên cần dùng thuốc hạ nhiệt thường xuyên. Sau 6 tiếng kể từ khi bắt đầu dùng thuốc hạ nhiệt, nếu nhiệt độ bệnh nhân vẫn trên 38,5 độ C, cần dùng nhắc lại thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ sốt, điều trị thế nào? ảnh 1
Bệnh nhân nhi ở khoa hô hấp Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Hồng Vĩnh

Những ngày qua, tại Hà Nội và những tỉnh lân cận, số bệnh nhi bị sốt và tiêu chảy do virus vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều bác sĩ tư chuyên khám bệnh cho trẻ em những ngày này luôn bận rộn đến các nhà có trẻ nhỏ ốm để khám bệnh.

Phòng khám bệnh trẻ em của Bệnh viện Saint Pault và Khoa Khám bệnh BV Nhi T.Ư cũng ở trong tình trạng quá tải bệnh nhân sốt.

Theo TS Bùi Vũ Huy - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi T.Ư, sốt do virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi trẻ mới mắc bệnh là chăm sóc trẻ tại nhà thật tốt.

Theo đó, khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên cần dùng thuốc hạ nhiệt thường xuyên. Sau 6 tiếng kể từ khi bắt đầu dùng thuốc hạ nhiệt, nếu nhiệt độ bệnh nhân vẫn ở mức trên 38,5 độ C, cần dùng nhắc lại thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ.

Khi trẻ đang sốt, nên cho trẻ mặc quần áo vừa đủ và tạo môi trường xung quanh thoáng đãng giúp trẻ tỏa bớt thân nhiệt, hạ sốt. Khi sốt trẻ chán ăn, mệt mỏi, nên chú ý cho trẻ uống đủ nước (sữa, nước hoa quả, nước đun sôi để nguội), ăn nhiều bữa trong ngày với thức ăn dễ tiêu hóa, dễ hấp thu để đảm bảo chất dinh dưỡng giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Bác sĩ Minh Thu - Trưởng khoa Khám nhi BV Saint - Pault cho biết khi trẻ sốt do virus, bệnh thường kéo dài từ 2-7 ngày với các biểu hiện như sốt, ho, hoặc đi ngoài phân lỏng. Nhưng nếu các biểu hiện trên kéo dài hơn thời gian nói trên cần đưa trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để theo dõi.

Sốt do virus thường diễn biến lành tính và sẽ khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, với trẻ em, virus có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc thuận lợi gây nên các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm xoang...

Theo TS Huy, ở bệnh nhân sốt do virus, thuốc kháng sinh không có ý nghĩa trong điều trị mà chỉ có tác dụng để điều trị các biến chứng nhiễm trùng sau nhiễm virus. Trong khi đó vẫn có sự lạm dụng truyền dịch đối với bệnh nhân sốt.

Hiện nay, trên thế giới chưa có một nghiên cứu nào cho thấy truyền dịch có tác dụng điều trị đối với người bị sốt do virus. Việc truyền dịch nên thay thế bằng cách cho trẻ uống đủ nước, tốt nhất là nước hoa quả. 

Khi thân nhiệt bệnh nhân cao trên 38,5 độ C, dùng một số thuốc hạ sốt như paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng, mỗi lần cách nhau 6 giờ. Không nên dùng quá liều vì dễ gây ngộ độc. Không nên chườm đá, nước lạnh cho trẻ.

Khi trẻ xuất tiết đờm dãi nhiều có thể dùng kháng sinh như amoxilin, eryth romycin theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng natriclorid 0,9% nhằm làm sạch mũi họng cho trẻ, hạn chế nguy cơ bội nhiễm mũi họng do vi khuẩn. Dùng thuốc giảm ho, long đờm hoặc một số thuốc ho có nguồn gốc thảo dược.

MỚI - NÓNG