Ung thư: Bệnh theo miệng vào!

Ung thư: Bệnh theo miệng vào!
Lạm dụng các chất phụ gia trong thực phẩm chế biến, thói quen bảo quản thực phẩm tươi sống bằng muối nitrat, nitrit, ăn quá nhiều mỡ... là một trong những nguyên nhân làm tăng số người mắc ung thư ở nước ta.

Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM, nhiều người không hay biết về thói quen ăn các loại thực phẩm được làm bằng phương pháp muối mặn, để dành như: các loại mắm, khô, thịt muối, thịt – cá xông khói … hay ăn các loại thực phẩm bị nấm mốc như: đậu phộng mốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư với nguy cơ cao, đặc biệt là gây ung thư bao tử.

Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh được rằng, những thức ăn được làm theo phương pháp muối mặn, để dành đã bị mất đi những chất kháng oxit hóa và có chứa các gốc hóa học nitrat, nitrit. Các chất này khi vào bao tử sẽ hợp với một vài axit amin tạo thành chất gây u mạch – ung thư gọi là nitroxamine.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Ung thư Việt Nam, hiện nay, ung thư bao tử được xem là ung thư thường gặp nhất hiện nay ở người Việt Nam, được phát hiện với tỷ lệ khá cao, khoảng 70/100.000 người. Đây là loại ung thư khó phát hiện và khó điều trị.

Theo PGS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung Bướu TPHCM, ngoài việc lạm dụng các chất phụ gia trong thực phẩm chế biến và thói quen bảo quản thực phẩm tươi sống bằng muối nitrat, nitrit, thói quen lên men các loại thực phẩm… thì việc ăn uống với khẩu phần ăn quá nhiều mỡ cũng là một trong những nguyên nhân đang làm gia tăng số người mắc ung thư ở nước ta.

Số liệu từ Hội Ung thư Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước có trên 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó có khoảng 50.000 người mắc bệnh do ăn phải nguồn thực phẩm ô nhiễm và có thói quen ăn uống không tốt.

Một kết quả điều tra khác của các chuyên gia y tế cũng cho biết: 80% nguyên nhân gây ung thư là do ý thức chủ quan của con người gây ra, như thói quen ăn uống, sinh hoạt; sự thiếu ý thức của các nhà sản xuất chăn nuôi và kiến thức người dân.

Công bố mới nhất của Hội Ung thư TPHCM vào tháng 12-2006 cho thấy xuất độ ung thư đại - trực tràng đang gia tăng một cách rõ rệt và đứng hàng thứ 3 trong 5 loại ung thư thường gặp nhất hiện nay.

Đây là loại ung thư có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống với các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, thiếu chất xơ … dễ gây táo bón. Theo các bác sĩ, trong chất thải đường ruột có một số chất gây ung thư, nếu bị táo bón lâu ngày, các chất đó sẽ bám vào thành ruột già và gây ra ung thư ruột.

Theo Hội Ung thư TPHCM, trong khi tỷ lệ ung thư gan và ung thư dạ dày không thay đổi thì ung thư đại - trực tràng (ruột già và ruột cùng) lại gia tăng, do người dân ngày càng tiếp cận với kiểu ăn uống phương Tây.

Hàng năm, tại các nước Âu - Mỹ có hàng chục ngàn người chết vì bệnh này và người ta đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh với thói quen ăn các món nướng, sử dụng thức ăn nhanh, ăn nhiều chất béo và thịt đỏ, ít chất xơ. Tại BV Ung Bướu, phần lớn bệnh nhân ung thư đại - trực tràng đến vào giai đoạn trễ, ung thư đã di căn, khó điều trị triệt để.

Theo các chuyên gia về ung thư, muốn giảm bớt tỷ lệ ung thư đang ngày càng gia tăng như hiện nay, bên cạnh việc cải thiện môi trường, kiểm soát chặt tỷ lệ các chất gây ung thư trong thực phẩm, còn cần phải hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân dần thay đổi thói quen ăn uống.

ThS-BS Đào Thị Yến Phi, giảng viên Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM, cho biết chất xơ có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư đại - trực tràng. Để giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, người dân nên chọn ăn thức ăn tươi sống, hạn chế dùng các loại thức ăn nhanh và cả các món ăn truyền thống được làm theo phương pháp muối mặn, để dành.

Theo Kim Liên
SGGP

MỚI - NÓNG