Vải lọc cũ chống lại vi khuẩn tả

Vải lọc cũ chống lại vi khuẩn tả
TPO - Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy vi khuẩn tả và các loại vi khuẩn gây chết người khác có thể được loại bỏ ra khỏi nước uống bằng những miếng vải lọc đơn giản.
Vải lọc cũ chống lại vi khuẩn tả ảnh 1

Vi khuẩn Vibrio Cholerae gây bệnh tả. Ảnh: http://www.nature.com

Khi rót nước được lấy từ sông, hồ qua một vài tấm vải dày có thể lọc ra các vi khuẩn rất nhỏ bao gồm cả vi khuẩn tả.

Các nhà khoa học nhận thấy được điều này trong 3 năm nghiên cứu tại Bangladesh. Các nhà khoa học người Mỹ và Bangladesh đã nghiên cứu tại 65 ngôi làng nhỏ ở một vùng quê nơi bệnh tả có tác động mạnh mẽ tới sức khoẻ của những người dân sinh sống tại vùng này.

Họ đã thử nghiệm bằng cách dùng những miếng vải sari như những màng lọc. Vải sari là trang phục truyền thống của hầu hết phụ nữ Bangladesh.

Một nhóm người trong làng đã dùng vải sari từ quần áo cũ, gấp thành 8 lớp để lọc nước uống của họ. Một nhóm khác dùng những miếng lọc nylon. Nhóm còn lại vẫn tiếp tục uống nước không qua màng lọc. Có khoảng 40.000 người đã được thử nghiệm tại các làng khác nhau.

Giáo sư Rita Colwell của trường đại học Maryland đứng đầu nhóm nghiên cứu nhận thấy nhóm người sử dụng vải sari cũ để lọc nước bị nhiễm vi khuẩn tả thấp nhất. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy 99% vi khuẩn tả được lọc bởi vải sari. Bà Colwell cho rằng những miếng lọc bằng vải sari lọc tốt nhất vì đã được giặt đi giặt lại nhiều lần làm cho các kẽ chỉ hẹp khít lại, có thể cản lại các phần tử rất nhỏ.

Bệnh tả là một bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. Vi khuẩn tả phát triển rất nhanh trong cơ thể (từ 2 giờ đến 5 ngày). Bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy nặng, nôn mửa và mất nước trầm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh nhất.

Tổ chức Y tế Thế giới đã thông báo: Trong năm 2006 có 236.896 ca nhiễm bệnh tại 52 nước, có 6311 ca tử vong, tăng 79% so với năm 2005. Bệnh tả lan truyền rất nhanh tại các nước đang phát triển. Những người bị bệnh thường do ăn, uống phải thức ăn, nước uống mang mầm bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Phúc
Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng
Tổng hợp từ VOA, CBC NEWS và WHO

MỚI - NÓNG