Bà con ở nước ngoài đều là máu thịt của Việt Nam

Bà con ở nước ngoài đều là máu thịt của Việt Nam
Hôm qua (30/1) tại Dinh Thống Nhất, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp gỡ, trò chuyện với 600 kiều bào, đại diện cho 46.000 kiều bào về quê ăn Tết Ất Dậu.

Thủ tướng gặp gỡ kiều bào về quê ăn Tết:

Bà con ở nước ngoài đều là máu thịt của Việt Nam

Hôm qua (30/1) tại Dinh Thống Nhất, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp gỡ, trò chuyện với 600 kiều bào, đại diện cho 46.000 kiều bào về quê ăn Tết Ất Dậu.

Thanh niên tình nguyện gây “sốc”

Ông Trương Quang Trí – Việt kiều Mỹ - nói: “Đã 19 năm xa quê, tôi cứ hình dung cảnh tượng vùng quê nghèo khó vẫn như xưa, nhưng thực sự mình đã lầm. Từ trên lầu 1 của nhà ga quốc tế, làm thủ tục xong là được các TNTN mặc áo xanh đến giúp đỡ. Những người già yếu sức, các chị tay bồng con tay kéo vali đồ đều được các bạn trẻ giúp đỡ nhiệt tình như bồng em bé, xách đồ, đẩy xe”.

Ông Trần Ngọc - Quê ở Cần Thơ, một người lính chế độ cũ - tâm sự: “Trước khi về nước, bạn bè tôi nói rằng đừng nên về vì người Việt còn nhìn những người lính chế độ cũ bằng con mắt ác cảm. Họ nói làm thủ tục hay bất kỳ cái gì đó đều phải tốn tiền “lót tay”. Tôi cũng lo lắm. Khi gặp các bạn trẻ mặc áo xanh tình nguyện tận tình giúp đỡ, tôi đã lấy ra 100 USD bồi dưỡng và nghĩ đó là chuyện bình thường nhưng họ đã từ tốn: bác cất tiền đi. TNTN giúp những ai cần giúp mà không nhận tiền bồi dưỡng. Tôi thật sự sững sờ. Đây là tình cảm rất thật của đồng bào mình mà lâu nay tôi không có được khi xa quê nhà”.

Còn ông bà John Pham - Việt kiều Mỹ - cười vui: “Các TNTN thực sự gây “sốc” với tôi vì sự niềm nở, nhiệt tình của họ. Thú thực lúc đầu tôi không tin các em làm tự nguyện. Nhưng đến khi quan sát xung quanh, với mọi người, tôi đã tin họ tình nguyện thật sự. Vợ tôi là người Mỹ cũng không thể tin được là ở Việt Nam lại có sự thân thiện đến thế.

Ấm cúng ngày trở về

Hơn 10 năm qua, cuộc gặp mặt tất niên với bà con Việt kiều về quê ăn Tết hầu như chỉ diễn ra ở khuôn viên của ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh vốn nhỏ hẹp, số lượng người tham dự ít. Năm nay, 600 kiều bào đã đăng ký tham gia gặp mặt tại Dinh Thống Nhất. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải với bà con Việt kiều, từ sau khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành”.

Giáo sư Trần Văn Khê - Việt kiều Pháp - tâm sự: “Chúng tôi thực sự vui mừng khi được trở về quê trong một khung cảnh thân tình như vậy. Thật sự bỡ ngỡ khi thấy bao nhiêu TNTN dang tay ra đón. Nếu trước đây ai đã mua cùng một món hàng mà người  Việt trong nước trả một nhưng Việt kiều trả 2 mới càng thấy ấm lòng”.

Gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ được Ban quản lý Dinh Thống Nhất và chị Phạm Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh - dẫn đi thăm lại nơi làm việc cũ của mình. Ông Kỳ tâm sự: “30 năm rồi mới được quay trở về nơi này. Cảnh vật vẫn như xưa, cả từ những bức tranh treo tường hay thảm dưới sàn nhà. Tôi thực sự xúc động và cảm ơn tất cả. Những ngày sắp tới còn lại sẽ về đây đóng góp với anh em với cương vị một người dân Việt bình thường. Sắp sửa 76 tuổi rồi, tôi ước vọng còn chút sức lực nào sẽ đóng góp cho đất nước, bởi cuối cùng vẫn là Tổ quốc. Tôi xin cám ơn Chính phủ, cảm ơn những người khuyến khích tôi về nước”.

Năm 2004 đã có 402.000 lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tết Giáp Thân có 100.000 lượt Việt kiều về quê ăn Tết, trong đó có 40.000 người đón Xuân tại TP Hồ Chí Minh. Đến ngày 30/1 có 46.000 lượt Việt kiều nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất  và dự báo có khoảng 120.000 người sẽ ăn tết Ất Dậu tại Việt Nam. Năm 2004, lượng kiều hối do Việt kiều chuyển về quê lên tới 3,8 tỷ USD.

Năm 2005, dự báo số Việt kiều về quê sẽ  hơn con số 500.000 người  do có những chính sách mới của Đảng, của Chính phủ tạo thuận lợi cho Việt kiều về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phan Văn Khải thông báo: “Trong 15 năm trở lại đây nước Việt Nam ta đã có những bước tiến quan trọng, từ một nước thiếu lương thực nay chúng ta đã trở thành một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu lương thực. Nếu như năm 1990 giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD thì năm 2004 đã thu về 26 tỷ USD”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong trận chiến đấu mới nhằm rửa sạch nỗi nhục của một nước nghèo nàn, lạc hậu rất cần sự góp công, góp của, góp trí của mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay là nước ngoài, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc, xuất thân, quá khứ, địa vị xã hội để đạt mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Và những bước tiếp theo chúng ta sẽ sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu như trước đây, nỗi nhục của dân tộc ta là mất nước, bị đô hộ của nước ngoài thì nỗi nhục hiện nay là nước ta nghèo nàn, lạc hậu. Vì thế, tôi mong muốn rằng bà con ở trong nước hay ngoài nước hãy góp sức, góp công, góp trí  phát triển đất nước. Một dân tộc cả thế giới đánh giá là cần cù, hiếu học, thông minh, năng động sáng tạo trong chiến đấu và xây dựng chắc chắn sẽ phát triển ngang tầm các nước trong khu vực. Bà con ở nước ngoài, dù đi vì lý do gì đều là máu thịt của Việt Nam. Quan điểm của Đảng và nhà nước ta mong mỏi bà con luôn hướng về quê hương, đất Tổ, gắn bó với đồng bào, với Tổ quốc trong khối Đại đoàn kết toàn dân”. 

MỚI - NÓNG