Buộc phải thuê người Nga bán hàng

Buộc phải thuê người Nga bán hàng
Sau hai tuần Luật về chợ bán lẻ ở Nga có hiệu lực, một cánh cửa hẹp đã hé mở cho người nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực “lưu thông hàng hóa”.
Buộc phải thuê người Nga bán hàng ảnh 1

Người nước ngoài ở các chợ tại Matxcơva đang bị kiểm tra giấy tờ gắt gao hơn. Ảnh: Reuters 

>> Người Việt ở Nga: Lại phập phồng tia hy vọng?

>>Chợ Việt ở Nga : Đã có những mô hình thích hợp

>> Người Việt tại Nga: "Bão xa, bão gần"

Ban lãnh đạo của Cơ quan Di trú liên bang (FMS) mới đây khẳng định: sau ngày 1/4/2007 người nước ngoài không được bán lẻ nhưng có thể bán buôn hoặc mua điểm kinh doanh và thuê người Nga bán hàng.

Ngày 26/1, một số công ty kinh doanh mặt bằng ở chợ Vòm đã thông báo cho các chủ “công”  (container) và chủ quầy có quốc tịch nước ngoài rằng họ sẽ phải thuê người địa phương chứ không được trực tiếp bán hàng, nếu không tự tìm được thì công ty sẽ giúp.

Chị Hiền, một người giàu kinh nghiệm làm ăn tại các chợ Nga, tâm sự : “Các chủ chợ thường không vội vàng thông báo những tin tức gây bất ổn cho việc kinh doanh. Một khi họ đã nói như vậy tức là không còn cách nào khác. Bà con mình nên nhanh chóng thực hiện, vì tìm được một người Nga bán hàng theo đúng nghĩa rất khó”.

Theo chị Hiền, người Nga đứng sau quầy hàng có ưu thế lớn nhất là giỏi... tiếng Nga. Họ có thể tham vấn với khách hàng nhiều điều về mặt hàng đang bày bán... Thứ nữa, người địa phương rất yên tâm mua hàng của người đồng hương, không sợ bị hớ về giá, biết rõ về chất lượng.

Tuy nhiên, người nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng không đánh giá cao năng khiếu bán hàng của người Nga. Nguyên nhân là bán hàng ở chợ không giống như bán hàng “mậu dịch”, phải mở hàng thật sớm, dọn hàng thật muộn, không tính giờ và không tính ngày, tính tháng miễn là bán được.

Người Nga không vậy. Các cửa hàng ở Matxcơva mở cửa muộn, thường là 9g sáng, chủ nhật, thứ bảy và các ngày lễ không làm việc. Dù ở chợ thì người Nga vẫn “đóng đinh” giá cả, không tùy mặt khách mà nâng hay giảm, mua nhiều cũng như mua ít, khách quen cũng như khách lạ.

Nhiều khi họ quên mất vai trò của người bán hàng, để cho tình đồng hương chi phối nên đã “tư vấn ngược”: “Vải nilông mặc mùa hè có mà chết ngốt” hoặc: “Cháu nhà chị là con trai mà mặc áo này thì quê lắm, đừng!”.

Thật sự một bài toán nan giải đang đặt ra trước cộng đồng. Làm sao tuyển được hàng chục nghìn Natasa (cái tên chung mà cánh nam giới người Việt ở Nga đặt cho mọi phụ nữ Nga) cho riêng người Việt trong một thời gian ngắn như vậy?

Phải trả lương thật cao (mức lương trung bình ở Matxcơva là 1.000 USD/tháng) trong khi làm ăn ngày càng khó khăn. Điều chỉnh như thế nào giữa qui định của Bộ luật lao động về giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ, đảm bảo quyền lợi của người làm công với đòi hỏi của nghiệp kinh doanh là “còn khách còn bán”, “thiên hạ nghỉ, ta kiếm tiền”?

Và điều quan trọng, khi quyền lợi chính đáng của các ông chủ, bà chủ nước ngoài bị người làm công địa phương xâm hại thì ai đứng ra giải quyết và giải quyết theo hướng nào?

Anh Toàn - quê ở Hòa Bình, chủ một quầy bán quần áo phụ nữ ở chợ ACT - trầm ngâm: “Tôi không thuê người Nga bán hàng. Đồng tiền liền khúc ruột, sao lại giao tài sản cho người khác. Không bị đuổi mà kinh doanh không có lãi nữa cũng về”. Nhiều người Việt ở Nga cùng chung ý kiến đó.

Theo Trần Quang Vinh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.