Cô dâu Mỹ dịch văn học Việt

Cô dâu Mỹ dịch văn học Việt
Chắc hẳn những người có may mắn tham dự Gala 90 - đại nhạc hội lớn nhất thời bấy giờ tại Cung văn hóa Hữu nghị không thể quên một cô gái nước ngoài mảnh mai xinh đẹp đong đưa trên sân khấu hát bài "Bèo dạt mây trôi".
Cô dâu Mỹ dịch văn học Việt ảnh 1
"Tôi dịch văn như một cái lẽ tự nhiên. Đó là một công việc vui..." - Rosemary. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những tràng pháo tay tưởng như không dứt đã cổ vũ cô. Còn cô thì cứ "run bắn lên - đến nỗi khán giả cũng nhìn thấy được". Cô được giới thiệu là "Ca sĩ Mỹ"...

Bây giờ cô "ca sĩ" ấy đã trở thành một dịch giả chuyên dịch văn học Việt Nam cho một nhà xuất bản ở Mỹ - Curbstone Press và là một cô dâu "chính hiệu". Nói như vậy bởi ngay cả khi chưa kết hôn, tất cả những người Việt ở một trại tị nạn tận Hong Kong - nơi chị làm việc đã thường gọi chị là "Cô Dâu".

Cô dâu bất đắc dĩ

Ngày đó chị đến Hong Kong như là một giải pháp tình thế sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật. Ước mơ của chị là sang châu Âu một năm, đặc biệt là Ba Lan, quê nội.

Với một cô gái mới rời khỏi trường học, không tiền bạc, không người thân bảo lãnh, ước mơ đó quả là xa vời. Tới Ba Lan khi đó càng là điều không thể với một người được sinh ra và lớn lên ở một nước tư bản.

Một người bạn của chị là quản lý các chương trình xã hội và giáo dục cho người tị nạn rủ chị sang Hong Kong dạy tiếng Anh. Mặc dù đến châu Á lúc đó không phải là mục đích của chị nhưng chương trình mà người bạn đưa ra khá hấp dẫn: vừa được đi ra nước ngoài vừa có công việc làm có thể kiếm tiền. Chị gật đầu OK mà không ngờ rằng cái kế hoạch ra nước ngoài chỉ 1 năm kia lại kéo dài tới... 6 năm.

"Tôi ấn tượng nhất là người VN rất tháo vát, kiên cường. Bất cứ tình huống nào cũng đều có thể thoát ra được. Ở đó cuộc sống rất kham khổ nhưng người ta vẫn tổ chức các sinh hoạt vui vẻ, các chương trình văn nghệ, giáo dục... Thỉnh thoảng được ra biển chơi, mọi người có thể kiếm được những món ăn rất ngon mặc dù chỉ có dụng cụ chế biến thô sơ..."

Lòng mến phục những người bạn Việt Nam cùng với ấn tượng sâu sắc về "một nước duy nhất trên thế giới thắng được Mỹ" đã thôi thúc chị học tiếng Việt. Thầy giáo tiếng Việt chính là những học viên của chị.

Bắt đầu học tiếng Việt với cách phát âm Hà Lội - Việt Lam

"Tôi rất thắc mắc là tại sao l và n viết khác nhau mà đọc lại giống nhau. "Thầy giáo" của tôi mới viết ra hai cái tên Linh - Ninh. Chỉ vào cái tên thứ nhất, anh ấy nói: cái này này, phát âm là Linh, tôi ngoan ngoãn phát âm theo: Linh.

Thầy chỉ cái tên thứ 2: Cái này nhá, nghe kỹ nhá: Linh. A, hiểu rồi thế này nghĩa là l và n phát âm giống nhau phải không? - Không. Không. Không phải. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là tại mình không nghe được". Phải đến 3 năm sau, khi sang Hà Nội học tiếng Việt, nghe tiếng Việt của Hà Nội chị mới sửa được đúng: Hà Nội - Việt Nam.

Báo hại, cái tên của chị cũng thành "nạn nhân". Tất cả học viên của chị đều gọi chị là CÔ DÂU. Cô giáo cố gắng cách mấy cũng không uốn được trò gọi đúng tên mình, Rosemary, hay đơn giản là Rose.

Nói tiếng Việt như người Hà Lội, chưa hề có bạn trai mà bị gọi là "cô dâu" hoài thì quả là... bất tiện.

Không chịu bó tay, Rosemary quyết định tra từ điển và nhất quyết... dịch tên của mình ra tiếng Việt. Từ đó chị có thêm một tên mới: Hương Thảo (Rosemary = một loại cỏ thơm).

Nhưng sự nhầm lẫn đáng yêu ấy cuối cùng cũng thành sự thật. Rosemary gặp Hiếu – chồng chị tại Seattle năm 1991 và rồi họ cưới nhau. Cô con gái bé bỏng của anh chị mang một nửa dòng máu Việt và một cái tên hoàn toàn Việt Nam: Nguyễn Hồng Ly.

Dịch: Khó nhất là chuyển tải văn hoá

Cô dâu Mỹ dịch văn học Việt ảnh 2
Gia đình chị Rosemary Nguyễn tại Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hiện Rosemary đang làm cho Curbstone Press, một nhà xuất bản phi lợi nhuận ở Mỹ. Các ấn bản của họ hướng đến các nước đang phát triển. NXB này đã phát hành khoảng 4 ấn phẩm dịch từ tiếng Việt.

Học tiếng Việt ở Hong Kong được 3 năm, "vốn liếng" đã kha khá, "Cô Dâu" liền quyết định trở thành thông dịch viên. Được một người bạn giới thiệu, Rosemary sang Việt Nam học tiếng Việt chính thống tại Khoa Tiếng Việt, ĐH KHXH&NV.

Trở về Hong Kong tiếp tục công việc dạy tiếng Anh một năm nữa, sau đó chị trở lại Việt Nam để học giọng miền Nam bởi người Việt nơi tiểu bang Washington của chị chủ yếu là người miền Nam nên chị phải thích ứng trước.

Để trở thành một thông dịch viên ở Mỹ, trước hết phải có chứng chỉ. Qua một kỳ sát hạch với những kiến thức về xã hội và luật, tên Rosemary được đưa vào danh sách "làng" thông dịch viên của tiểu bang.

Lúc đó cả tiểu bang chỉ có khoảng 6,7 thông dịch viên có chứng chỉ hành nghề về luật nên người ta nhanh chóng biết đến chị.

"Công việc của tôi là tự chủ, nghĩa là đăng ký hành nghề với Chính phủ (quyền) và đóng thuế. Tên được cập nhật lên mạng. Ai cần chỉ việc vào Internet kiếm. Tôi chỉ cần ngồi ở nhà, có người gọi thì đi làm".

Ngày ấy chị nhận dịch nhiều thứ, từ những phiên tòa có bị cáo là người Việt, tài liệu thương mại, tài liệu liên quan đến luật pháp, bảo hiểm, y tế và cả một số truyện ngắn. Những truyện ngắn chị dịch trong thời gian này thường là những tác phẩm mà chị tâm đắc. Bởi theo chị, ở Mỹ mà chỉ dịch văn thì không thể đủ sống. 

Mới đây, cùng với gia đình,  chị đã sang Việt Nam sống và chỉ dịch văn học hợp đồng với Curbstone Press.

Đang dịch về Luật và thương mại tại sao chị lại quyết định chuyển sang dịch Văn học?

- Tôi dịch văn như một cái lẽ tự nhiên. Tôi thích đọc từ bé. Đọc nhiều truyện Việt Nam thấy hay nên cứ dịch ra. Dịch văn học cũng thích hơn là dịch bảo hiểm, y tế... thì cũng hơn 10 năm rồi, cũng thấy chán chán rồi.

Vậy thu nhập của chị tăng lên hay giảm đi?

- Giảm đi nhiều. Vì thích thì mới làm được như thế. Đối với tôi, có quần áo để mặc, có đồ ăn và có một ít tiền dành dụm để sau này về hưu. Giải quyết được những nhu cầu cơ bản ấy thì không cần nhiều hơn. Tôi thấy thế là đủ rồi. Vả lại đó là một công việc vui.

Suốt thời gian dịch văn học điều gì chị thấy khó nhất?

- Điều khó nhất là chuyển văn hóa, chuyển ngữ thì đã khó rồi nhưng chuyển văn hóa còn khó hơn.

Ví dụ trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn nhà văn Dạ Ngân viết đậm văn hóa miền Nam. Mỗi câu thì chi chít những chi tiết về xã hội đó, rất xa lạ với xã hội Mỹ nên rất là khó mà dịch từng chi tiết để làm sao người Mỹ có thể hiểu được.

Ví dụ: nhân vật chính bị vây quanh bởi toàn những bà góa: mẹ góa, cô góa, chị gái góa, em gái góa... thì bên Mỹ, khi đọc người ta sẽ nói: Trời làm sao như vậy được! và họ sẽ cho là phi lý nhưng bên này chuyện đó rất dễ hiểu: vì chiến tranh.

Tôi phải giải thích thêm vào đó để độc giả Mỹ hiểu đó là chuyện thật chứ không phải là chuyện người ta thổi phồng lên. Hoặc có một chi tiết rất đơn giản: một nhân vật từ con thuyền đi lên bờ bằng tấm ván gỗ ép.

Bên Mỹ, từ thuyền lên bờ là phải có cầu đàng hoàng, nếu tôi dịch là cầu thì không đúng rồi, nếu dịch là tấm ván ép, chắc chắn độc giả sẽ thắc mắc là: Ủa, tại sao lại có miếng ván ép ở đó. Thế thì phải dịch là miếng ván ép người ta dùng làm cái cầu.

Cách xưng hô của người Việt khi dịch sang tiếng Anh cũng là một vấn đề. Bản thân cách xưng hô của người Việt đã nói nhiều về quan hệ giữa 2 người rồi. Dịch khoa học, thương mại hoặc luật thì không cần nhiều tính chất văn hóa trong đó. Nhưng dịch văn học thì phải làm sao chuyển tải được cái văn hóa trong đó. Khó là ở chỗ đó. Vì thế mà cuốn tiểu thuyết tôi đang dịch có 300 trang, khi hoàn thành chắc phải tới 400 trang.

Khi chị dịch xong một tác phẩm, ai là người đọc đầu tiên?

- Có lẽ là chồng (cười). Tất nhiên không phải lúc nào anh ấy cũng rảnh để đọc được hết nhưng nhưng sẵn sàng giúp đỡ khi hỏi cái này cái kia.

Tôi thích thách thức đầu óc của mình

Rosemary đã dịch rất nhiều truyện ngắn. Chị cũng không nhớ là bao nhiêu. Ngoài tập "Nine stories from the Vietnam Writer's Union Newspaper" (9 truyện ngắn chọn lọc từ báo Văn Nghệ), theo đơn đặt hàng của trường ĐH Yale và mới đây là tập "Cemetery of Chua Village" (Nghĩa địa xóm Chùa) của nữ sĩ Đoàn Lê, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh...

Hiện, chị đang miệt mài với tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, một tác phẩm được Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2005.

Những tác phẩm chị đọc/dịch, chị thường kiếm ở đâu?

- Của những người nổi tiếng. Có khi là tự tìm ở các hiệu sách, cũng có khi do bạn bè giới thiệu.

Tiêu chí chọn truyện để dịch của chị?

- Đó là những truyện ngắn đương đại. Tôi chưa dịch truyện nào của thời tiền chiến hoặc thời chiến tranh. Những tác phẩm thời đó người Mỹ khó tiếp cận được.

Ví dụ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, tôi rất thích nhưng không chắc là độc giả ở Mỹ thích. Dù sao thì Việt Nam và Mỹ cũng có lịch sử chung nhưng văn học thời của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... thì đã quá lâu. Người Mỹ khó mà hiểu được bởi không hình dung được bởi bối cảnh XH thời đó. Nó quá xa xôi với bối cảnh XH Mỹ.

Thời đoạn trước 75 là văn học chiến tranh. Theo tôi, văn học thời đoạn này quá phiến diện. Người tốt là tốt 100%, còn người xấu là quái vật luôn. Người tốt là phải đẹp, người xấu là phải xấu xí, mà ngoài đời không phải như thế. Đối với người Mỹ thì đó là một khuyết điểm.

Tất nhiên tác phẩm phải hay tôi mới nhận dịch. Từng có người gửi tiểu thuyết nhờ dịch nhưng tôi đã từ chối vì không hay.

Chị có nghĩ là văn học Việt Nam đương đại đang xích gần lại với văn học đương đại thế giới không? Nếu coi văn học có những tiêu chuẩn nhất định?

- VHVN bây giờ đang phát triển mạnh, các nhà văn VN được tự do sáng tác nhiều hơn, được tự do phản ánh hiện thực nhiều hơn, người tốt cũng có cái xấu mà người xấu cũng có cái tốt. Tôi nghĩ là nó đang xích lại gần, còn gần đến mức độ nào thì không thể nhận xét được.

Chị sẽ tìm đọc tác phẩm thứ 2 của một tác giả nếu...

- ... Có cái gì đó mới lạ, cái gì đó thách thức đầu óc của tôi. Và độc giả Mỹ nói chung cũng vậy, thích tác phẩm có khuynh hướng nhiều khía cạnh, nhiều chiều.

Theo Thu Thuỷ - Tiến Hồng

Vietnamnet

Chính thức làm dâu Việt Nam từ năm 1995. Tên chị được đổi từ Rosemary Kacoroski thành Rosemary Nguyễn. Chồng chị, anh Nguyễn Ngọc Hiếu, hiện đang học chương trình cao học về quản trị kinh doanh tại ĐHQGHN. Nhất cử lưỡng tiện. Về Việt Nam, chị có thể sống hoàn toàn thoải mái với việc dịch văn, cô con gái nhỏ cũng được học tiếng Việt và văn hoá Việt - điều mà vợ chồng chị rất coi trọng.

Mặc dù là người có tính tự lập từ bé và dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới nhưng suốt bao năm sống ở Mỹ anh vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống của người Việt. Và mặc dù tưởng như chị đã hiểu khá nhuần nhuyễn nét văn hoá Việt nhưng thỉnh thoảng giữa hai anh chị cũng có những "xung đột" nho nhỏ, nhất là trong cách dạy con.

Ở Mỹ trẻ em và người lớn hầu như là bình đẳng với nhau. Bé Ly, con gái của anh chị có thể gọi tên bạn bè của mẹ mà không cần phải gọi cô (Mrs) nhưng anh Hiếu lại không thích như thế bởi với người Việt thì như vậy là không tôn trọng người lớn. Hoặc chào hỏi cũng là một vấn đề. Ở Mỹ không có thói quen chào hỏi những người không "liên quan" đến mình nên chị chẳng để ý dạy con. Anh phải nhắc chị hoài. Khi chị bắt đầu quen thì cháu bé chống lại: "tại sao con phải chào khi các bạn con không phải làm như thế".

Vậy mà sống ở Việt Nam mấy tháng cháu bé đã tiến bộ hẳn: "Hồi trước phải chào bác, chào cô, chào chú là khóc luôn, giờ thì không khóc nữa rồi" - Chị khoe rồi cười vang: "Vấn đề dạy con tôn trọng người lớn thì Việt Nam hơn hẳn Mỹ. Bên đó bình đẳng quá nên các cháu hư. Chị cũng hư rồi. Ông xã phải dạy cả chị nữa..."

MỚI - NÓNG