Đại học Đức tổ chức Ngày Việt Nam

Đại học Đức tổ chức Ngày Việt Nam
Ngày Việt Nam, diễn ra vào 20/5 và 21/5, được phân khoa tiếng Việt của Đại học Hamburg phối hợp tổ chức cùng Viện Bảo Tàng Dân Tộc học Hamburg và Hội Việt học Hamburg.
Đại học Đức tổ chức Ngày Việt Nam ảnh 1

Ngày Việt Nam ở Đại học Hamburg nhằm giới thiệu và phổ biến văn hóa Việt

Nhiều nhà nghiên cứu cùng văn nghệ sĩ người Đức và Việt Nam sẽ tham dự hai ngày này, với các tiết mục như tọa đàm về văn chương di dân Việt Nam, thuyết trình về âm nhạc truyền thống...

Theo ban tổ chức, mục đích của Ngày Việt Nam là giới thiệu văn hóa Việt đến công chúng người bản xứ và tạo cơ hội để người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ sinh ra ở Đức, có dịp tìm hiểu văn hóa cội nguồn.

Giới thiệu văn hóa

Một trong những tâm điểm chương trình sẽ là buổi tọa đàm ngày 20/5 về "Văn học di dân Việt Nam."

Tham dự buổi tọa đàm có nhiều văn nghệ sĩ trong cộng đồng người Việt ở châu Âu như nhà phê bình Đặng Tiến, nhà văn Mai Ninh, nhà văn Lê Minh Hà, nhà văn Ngô Nguyên Dũng.

Nhà giáo Phạm Thúy Hoan từ Việt Nam sẽ có thuyết trình về âm nhạc truyền thống, mở đầu cho một chương trình văn nghệ gồm cả nhạc truyền thống và tân nhạc.

Hướng đến đối tượng khán giả là những người trẻ, chương trình âm nhạc của tối đầu tiên sẽ hoàn toàn mang tính chất "pop". Và sang hôm thứ hai, sẽ là buổi dạy làm món ăn Việt Nam và dạy "Tiếng Việt trong 60 phút."

Một buổi tọa đàm khác, mang chủ đề "Một đất nước đang chuyển mình: Cơ hội, thách thức và viễn cảnh tương lai" tập hợp ba tiến sĩ người Đức chuyên về Việt Nam: Gerhard Will, Oskar Weggel và Martin Grosheim.

Bên cạnh đó, ban tổ chức Ngày Việt Nam cho biết sẽ có bốn bài thuyết trình về các khía cạnh khác nhau trong văn hóa Việt Nam.

Tiến sĩ Peter Rodenberg và tiến sĩ Thomas Engelbert, cùng ở đại học Hamburg, sẽ lần lượt nói chuyện về "Dự án phim ở Việt Nam" và "Huế - Cố đô của vương triều Nguyễn."

Hai bài thuyết trình còn lại tập trung cho đề tài tôn giáo. Tiến sĩ Vladimr Kolotov từ Đại học St. Petersburg, tác giả một cuốn sách năm 2001 về tôn giáo và chính trị ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1945-1963, đến hội thảo với bài nói chuyện về đạo Cao Đài và Hòa Hảo.

Ông Vũ Chí Thiện sẽ có bài thuyết trình về "Truyền giáo và hội nhập văn hóa theo Alexander de Rhodes trong thế kỷ 17".

MỚI - NÓNG