Đi cả đời người, mong một cái Tết quê nhà

Đi cả đời người, mong một cái Tết quê nhà
TPCN - Với những người con đất Việt ở xa Tổ quốc, để đón một cái Tết giản dị và trọn vẹn nơi quê nhà, họ phải trải qua hành trình của cả cuộc đời.
Đi cả đời người, mong một cái Tết quê nhà ảnh 1
TS. Đỗ Văn Dũng đoàn tụ cùng gia đình và bạn bè ở Việt Nam

Dường như đã trở thành nét đẹp của thời kỳ hiện đại, số người hồi hương năm sau lại đông hơn năm trước. Năm nay, quê mẹ Việt Nam sẽ lại đón hàng trăm ngàn Việt kiều về đón Tết.

Và rồi, hai tiếng Quê hương tha thiết đã gọi những cánh chim nhớ bầy ở lại xây tổ trên mảnh đất lành Việt Nam.

65 năm quay về mùi hương trầm quê mẹ

Với cụ Nguyễn Xuân Hồi, Việt kiều Pháp, mùa Xuân đầu tiên hồi hương là mùa Xuân phải vùi mặt vào chăn khóc giấu. 35 năm đằng đẵng bặt tin gia đình đi làm lính đánh thuê nơi xứ người, bao nhiêu nhớ thương dồn nén trong lòng.

Nhớ lắm! Nhớ bà mẹ nghèo đi ở, phải giấu nắm cơm vào túi áo mang về cho con, nhớ những đứa em còn chưa biết hết mặt, nhớ cả bờ  rào trước nhà có con chó nhỏ hay chui ra chui vào…

Vậy mà khi cụ trở về, cha mẹ với hai người anh em ruột chỉ còn trong mùi hương trầm khắc khoải đêm giao thừa.

Ở tuổi 90, tai cụ đã nghễnh ngãng, chuyện xưa lúc quên lúc nhớ. Cuộc nói chuyện giữa cụ và tôi rất khó khăn, phải nhờ tới những người thân và tập hồ sơ lý lịch của cụ. Nhưng khi nhắc tới những bài thơ của anh em thợ thuyền người Việt ở Pháp truyền miệng nhau, cụ có trí nhớ sáng láng kỳ lạ.

Dù đa số anh em thợ thuyền chẳng được học hành, chỉ có ít vốn chữ Quốc ngữ học lỏm từ quê nhà. Nhưng có đến hàng trăm bài thơ họ tự sáng tác và đọc cho nhau nghe để khuây khỏa một nỗi nhớ ám ảnh khôn nguôi. ấy là Quê hương:

Đi đâu cũng nhớ quê mình

ở đâu cũng nặng tâm tình

quê hương

Giờ ngồi kể chuyện quê hương

Thấm dòng nước mắt nhớ thương

xóm làng

Năm 1938, 24 tuổi, anh tá điền Nguyễn Xuân Hồi, quê ở Thái Bình bị bắt đi làm lính khố đỏ cho Pháp. Quân Pháp bại trận, cụ thành tù binh. Trốn khỏi nhà tù phát – xít phải nhảy tàu tới 5 lần rồi trốn chui lủi trong rừng.

Năm 1945, vừa ra khỏi rừng, tình cờ nghe tin Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam tuyên bố độc lập, anh sung sướng vô cùng.

Lúc ra đi, ai cũng mang tâm trạng nặng nề của người dân mất nước, giờ đây, tuy ở đất Pháp, làm công nhân cho Nhà máy ô tô Renault, nhưng anh đã có một quê hương để hướng về.

Anh đi vận động bà con Việt kiều góp tiền ủng hộ quê hương. Không có trình độ tổ chức phong trào nhưng anh có sức khoẻ, làm thư ký cho Hội Liên hiệp Công thương Việt Nam, rồi Hội Phụ lão Việt Nam tại Pháp.

Vận động bà con Việt kiều quyên góp tiền, vận động binh lính Việt trả lại lon, quân hàm cho Pháp… làm gì cũng xông xáo, nhiệt thành. Các phái đoàn do Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hay đồng chí Xuân Thủy sang Pháp anh cũng xăng xái làm nhiệm vụ bảo vệ.

Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp mới đầu còn ngổn ngang, anh xắn tay áo vào quét vôi, lau dọn nhà cửa. Có bao nhiêu lương công nhân, đem ủng hộ về quê nhà, phần anh chỉ mua chiếc bánh mì cho qua bữa.

Anh quyên góp nhiệt tình đến nỗi anh em trong Đại sứ quán phải “can” anh giữ lại chút tiền để ngày thống nhất mang về giúp gia đình.

Không một dòng tin tức từ gia đình, mãi tới năm 1975, qua dòng tin tìm người nhà trên báo, cụ mới liên lạc được với người em trai. Và rồi, phải mất 5 năm nữa, người lính từng bị ép buộc ở bên kia chiến tuyến mới được về quê hương.

Tết ở Pháp, cụ cũng được quây quần ở Đại sứ quán với đông đủ bà con Việt kiều, có cả bánh chưng, chả giò, cành đào. Nhưng gặp nhau vẫn khóc vì nhớ quê.

Ngày về, cụ đã ngoài 65 tuổi, nhưng niềm hân hoan đã đưa cụ đạp xe thênh thênh từ Hà Nội về Thái Bình thăm họ hàng. Chỉ đi Bắc vào Nam để ngắm đất nước mình, chỉ dạo quanh Hà Nội để trò chuyện với bà con người Việt mình thôi đã khiến cụ bận rộn cả ngày.

Cụ chỉ còn tâm nguyện được nằm lại trên quê hương Thái Bình. Một đời người, như thế là mãn nguyện!

Chẳng ở đâu làm giàu bằng quê cha đất tổ

“Chẳng ở đâu làm giàu bằng quê cha đất tổ. Tôi nói thế là bằng cái đầu lạnh của doanh nhân và bằng trái tim nóng của một Việt kiều”. TS Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Cty Cổ phần Môi trường Thái Bình Dương (COCOMO) đã nói như thế về con đường kinh doanh của mình.

Tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế quốc tế ở Nhật Bản, anh là một trong số những Việt kiều đầu tiên chuyển hẳn về kinh doanh ở Việt Nam, cho dù điều đó có nghĩa là anh phải đối mặt với rất nhiều biến động của nền kinh tế vừa ra khỏi chiến tranh.

Với tấm bằng tiến sĩ của trường đại học danh tiếng KEIO, nếu chọn con đường nghiên cứu và giảng dạy như đa số bạn bè, anh đã có cuộc sống êm đềm và đủ đầy.

Thẳng thắn và không muốn tô hồng những gì mình đã làm, anh đã chọn con đường kinh doanh vừa vì tâm nguyện muốn đóng góp điều gì đó – dù nhỏ bé cho đất nước, vừa vì anh đã nhìn thấy những cơ hội kinh doanh ở Việt Nam.

Ngay từ năm 1981, anh đã xin về nước làm chuyên viên Sở Ngoại thương TP.HCM. Nhưng trước tình thế Mỹ áp dụng chính sách cấm vận kinh tế với Việt Nam, anh quay trở lại Nhật và bắt tay vào gây dựng Cty xuất nhập khẩu VELK. VELK là Cty đầu tiên xuất khẩu dầu thô Việt Nam, chuyên xuất các loại nông sản, hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ, than đá trong nước và nhập các loại máy đông lạnh, thiết bị cơ khí.

Năm 1990, khi Mỹ bỏ cấm vận, anh chuyển hướng sang Công ty INCHI CORP chuyên tư vấn cho các đối tác Nhật đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù anh là người con Sài Gòn, phía Nhật dường như chuộng làm ăn với thị trường miền Nam hơn, nhưng anh hướng các nhà đầu tư ra Bắc và đưa cả gia đình về hẳn Hà Nội sống.

Hàng chục liên doanh Nhật – Việt từ đầu thời kỳ mở cửa kinh tế có sự tham gia của INCHI CORP. Giờ đây, Cty COCOMO do anh làm giám đốc chuyên xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các nhà máy, bệnh viện.

Trải qua các thời kỳ từ kinh tế bao cấp sang “mở cửa”, từ Mỹ cấm vận tới bỏ cấm vận, rồi cuộc khủng hoảng tài chính châu á, đã có lúc khó khăn tới mức, “ông” TS kinh tế phải kiếm sống bằng Cơ sở xử lý nước Thanh Thủy, nhận cả gia công nhỏ lẻ cho các gia đình.

Nếu chẳng phải vì tấm lòng với quê hương, anh đã có nhiều cách “thoát thân” cho mình và gia đình. Dù phải thú nhận là con đường kinh doanh đã làm cho anh già nhanh hơn nhiều so với bạn bè ở Nhật, nhưng anh chưa bao giờ hối tiếc.

Đối với anh, tiền không đủ cho cuộc sống hạnh phúc, bởi chữ Doanh nhân còn phải có Nhân văn trong đó.

Đón Xuân Bính Tuất này, niềm vui của anh là CLB Khoa học kỹ thuật Việt kiều bắt đầu hoạt động thử nghiệm từ đầu năm 2006, đã thu hút 100 thành viên đăng ký, chủ yếu là các GS, TS và doanh nhân.

Trong đó, có hơn 10 người đã về định cư trong nước và hơn 80 người có ước nguyện về Việt Nam trong nay mai. Anh bảo, “Nước mình còn nghèo, nhưng bao nhiêu năm nay, Việt kiều vẫn “đòi” về nước chính vì những điều không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới”.

MỚI - NÓNG