Đi lễ Rằm tháng Giêng ở Washington

Đi lễ Rằm tháng Giêng ở Washington
TP - “Cúng lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng…”. Tôi vẫn nhớ rõ lời khuyên của ông bà, cha mẹ khi xưa, cho dù đang phải ở xa quê hương.
Đi lễ Rằm tháng Giêng ở Washington ảnh 1
Bà con người Việt đi lễ Rằm tháng Giêng tại chùa Giác Hoàng ở Thủ đô Washington (Mỹ)  
Đi lễ Rằm tháng Giêng ở Washington ảnh 2
Cùng nguyện cầu cho quốc thái dân an, cộng đồng hạnh phúc tại chùa Giác Hoàng ở Thủ đô Washington (Mỹ) trong ngày Rằm tháng Giêng  
Đi lễ Rằm tháng Giêng ở Washington ảnh 3
Nồi cháo chay nóng hổi và những đĩa xôi đỗ dẻo thơm làm ấm lòng Phật tử sau khóa lễ - Ảnh: Hà Lộc

Theo chỉ dẫn của một người bạn, tôi tìm đến chùa Giác Hoàng ở ngay Thủ đô Washington vào sáng ngày Rằm tháng Giêng, trước là để lễ Phật đầu năm, sau là để hiểu thêm về ngôi chùa Việt nổi tiếng trong vùng này.

Chùa Giác Hoàng nằm kề bên đường số 16 - con đường chạy suốt dọc chiều dài thủ đô của nước Mỹ này-  từ xa đã dễ nhận ra bởi kiến trúc rất Việt Nam của nó.

Mái ngói đỏ tươi, đầu đao cong vút. Theo tấm biển ghi trước cổng chùa, chùa Giác Hoàng được mở cửa từ đầu năm 1976.   

Đến chùa lúc gần 12 giờ trưa, tôi thấy hai dãy xe đậu san sát bên lề trước cổng. Khách đến lễ chùa tấp nập vào ra, nhiều người chào hỏi và chúc Tết nhau.

Rõ ràng, ở đây đi lễ Rằm tháng Giêng cũng chính là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhân dịp đầu Năm Mới.

Có thể cùng ở ngay Thủ đô Washington, nhưng mọi người sống cách xa nhau và không phải có nhiều dịp để gặp gỡ hàn huyên.

Vì vậy những lời chúc mừng tốt lành đầu năm về sức khỏe, về gia đình, bè bạn được mọi người niềm nở trao nhau trong khi chờ đến giờ khóa lễ Rằm đầu tiên của năm được tiến hành vào đúng giờ Ngọ.

Trong gian điện thờ chính ấm cúng thoang thoảng mùi hương trầm có khoảng gần 400 người là những Phật tử ở Thủ đô Washington và các bang lân cận.

Nhiều cụ ông, cụ bà tóc bạc phơ được các con trai, con gái dìu bước, tiếp sau là lũ cháu trai, cháu gái.

Có cụ bà dắt theo đứa cháu gái trạc 3-4 tuổi xinh xắn trong chiếc áo dài gấm hồng, trên đầu có vòng khăn vấn mầu hồng, cùng quì lạy trước ban chính điện thờ Phật bà Quan âm. Cô bé bắt chước bà, cũng cúi rạp đầu khấn lạy rất thành kính.

Đứng cạnh tôi là một cụ bà trạc ngoài 70, trong bộ áo đi lễ chùa. Hỏi chuyện, cụ cho biết mình sống ở cách xa chùa gần một giờ xe hơi. Theo cụ, chùa Giác Hoàng là ngôi chùa Việt lớn nhất không chỉ ở Thủ đô Washington mà còn ở các bang lân cận.

Bà con trong cộng đồng người Việt thường đến chùa lễ vào dịp cuối tuần, chứ không nhằm ngày Rằm hoặc mùng Một, vì ngày thường con cháu bận đi làm không thể đưa các cụ đến chùa lễ được. Ngày Rằm năm nay nhằm ngày nghỉ cuối tuần nên khóa lễ đầu năm cũng đông hơn các năm trước.

Nét dễ nhận thấy sự khác biệt giữa bà con đi lễ ở đây so với ở trong nước ở chỗ phần lớn mọi người đi theo từng gia đình với ba, bốn thế hệ khác nhau - ông bà, bố mẹ, các con và các cháu. 

“Chúng tôi thường đi lễ đầu năm cầu sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình và cho mọi người trong cộng đồng, cầu cho đất nước quê nhà luôn trong cảnh thái bình, an khang, thịnh vượng, ai cũng có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Chúng tôi luôn tìm được sự bằng an trong tâm trí nơi cửa Phật” - Cụ bà đứng cạnh tôi nói. Cụ cho biết cụ sinh ra ở Hà Nội, quê bố mẹ ở Hải Phòng. Cụ vào Nam sinh sống từ khi còn trẻ, sau đó gia đình sang Mỹ định cư.

Nay các con của cụ đã lớn, có gia đình riêng, cụ vẫn còn đủ sức khỏe lái xe gần một giờ để đi lễ chùa, trước là để cho tâm hồn mình thêm thanh thản, sau nữa được gặp bạn bè, bà con cộng đồng trong không khí phụng thờ Phật tôn nghiêm giúp làm dịu đi nỗi nhớ quê hương trong cụ.

Tôi càng hiểu thêm tình cảm của cụ khi nghe mọi người trong gian chính điện cùng hòa giọng trong bài kinh bày tỏ ước nguyện được gột bỏ mọi tội lỗi, sai lầm đã mắc phải và thành tâm mong ước làm điều thiện có ích cho gia đình, cho cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nơi xa quê hương này.

Phượng Linh
Từ Washington

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.