Dominic Scriven - ông Tây thất tình

Dominic Scriven - ông Tây thất tình
"Thông tin ban đầu về anh nghe thật ly kỳ hấp dẫn: qua Việt Nam, thất tình, đi tu, rồi "xuống núi' học tiếng Việt, làm tài chính và dần dần trở thành nhà đầu tư chứng khoán số 1 tại Việt Nam..."
Dominic Scriven - ông Tây thất tình ảnh 1
Dominic Scriven. Ảnh: M. Q

Nghe thế, Dominic Scriven chỉ cười trừ: "Thất tình thì có, nhưng đi tu thì không..."

Chuyến đi định mệnh

Bằng một cái giọng trầm trầm, chậm chậm, nói thứ tiếng Việt khá chuẩn, Giám đốc công ty Dragon Capital bồi hồi kể lại:

"Lúc đó, mình quen với một cô hoạ sỹ người Anh, khoảng 3- 4 năm, có kết hôn. Nhưng rồi sau một thời gian, mình dành hết nỗ lực phát triển công ty, cô ta không hài lòng lắm, đòi quay về nước Anh, thế là buộc phải chia tay..."

Thời điểm đó cũng chính là thời điểm khó khăn nhất của công ty anh.

Dominic đến châu Á vào năm 1987, làm cho một công ty tài chính của Anh, có trụ sở tại Hồng Kông. Nhiệm vụ của anh lúc đó là nghiên cứu thị trường các nước thuộc nhóm NIC (những nước công nghiệp mới của châu Á) và những nước thuộc nhóm NEC (những nước có nền kinh tế đang công nghiệp hoá ở châu Á).

Vì muốn biết thêm về các nước thuộc "tầng thác" mới này,  năm 1990, Domimic đến Việt Nam khảo sát thị trường. Trong đoàn khảo sát lúc bấy giờ có John Shrimpton, người sau này đồng sáng lập viên của Dragon Capital.

Một chuyến đi thú vị đến mức anh quyết định một năm sau đó, quay trở lại Hà Nội học tiếng Việt. Ngày càng bị thu hút bởi cuộc sống ở xứ sở này, nên hơn hai năm sau, khi đã có chút ít "lưng vốn" tiếng Việt và phần nào am hiểu văn hoá Việt, một phần cũng vì đã hết tiền, anh vào thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm.

Một năm sau nữa, năm 1994, cùng với John và hai người bạn Việt Nam, anh lập công ty đầu tư tài chính Dragon Capital...

Vạn sự khởi đầu nan

Liên tiếp suốt bảy năm trời sau đó, quỹ đầu tư của Dominic và các người bạn cứ "âm" dần. Thị trường tài chính, lúc bấy giờ còn chưa có khái niệm huống gì có được sự hiện hữu.

Anh muốn đầu tư trực tiếp sản xuất kinh doanh thì xin mời, còn đầu tư gián tiếp thông qua thị trường tài chính thì không "có cửa", vì môi trường pháp lý chưa có, thị thường vốn cũng không, nên rât khó huy động vốn từ nước ngoài.

Một phần, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, tưởng chẳng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng thực chất ảnh hưởng lại âm ỉ, dai dẳng hơn các nước láng giềng.

Chỉ sáu năm sau ngày Việt Nam thành lập thị trường chứng khoán, hiện nay công ty Dragon Capital của anh đã quản lý khối lượng tài sản ngót nghét một tỉ USD bao gồm lượng cổ phiếu của hơn một nửa số công ty có niêm yết trên sàn giao dịch...

Xin chọn làm quê hương

Để "khoe" cái trình độ được "Việt hoá" của mình, Dominic bảo rằng, anh đang tiến tới trình độ ăn được... mắm tôm.

"Đã là một người Tây yêu Việt Nam thì bắt buộc phải thích các món ăn Việt Nam, đi từ đơn giản nhất là bát phở đến phức tạp nhất là mắm tôm", anh nói.

Anh chàng lãng tử đào hoa này có vẻ rất khéo "nịnh", khi bảo rằng "món ăn Việt Nam vừa tươi, vừa đa dạng, lại có lợi cho sức khoẻ, cho nên đang hướng dẫn cho thế giới đấy!"

Tuy nhiên, với món "thịt cầy bảy món" thì anh đành chịu, bảo mình chưa thể đạt đến mức "thượng thừa" này...

Có một cô bạn người Việt đã 4 - 5 năm nay, nhưng khi nghe hỏi có muốn chính thức trở thành một "ông rể" xứ sở này, anh chỉ cười cười: "Chuyện tình cảm rất khó nói, vì đó là vấn đề chiến lược riêng..."

Theo Đoàn Đạt
Sài gòn tiếp thị

MỚI - NÓNG