Người Việt ở Nga - Dừng lại tức là… lùi

Người Việt ở Nga - Dừng lại tức là… lùi
Người Việt kinh doanh tại Nga từng đạt những thành công nhất định. Thời hoàng kim đó dường như đã qua khi các chợ của người Việt thường xuyên bị chính quyền địa phương cho khám xét. Cộng đồng người Việt đang rốt ráo tìm hướng đi mới.
Người Việt ở Nga - Dừng lại tức là… lùi ảnh 1

"Ốp" Sài Gòn ở Matxcơva

Chúng tôi đến tầng hầm “ốp” (thương xá) Xaliut-3 ở vùng đông - bắc Matxcơva khi cảnh sát Nga vừa rút quân.

Vắng vẻ, im ắng khác thường. Hầu hết các quầy đóng cửa im ỉm. Ban quản trị “ốp” mời các chủ quầy đến dự cuộc họp bàn về cách khắc phục hậu quả cuộc kiểm tra của cảnh sát kinh tế địa phương.

Anh H., quê Hà Tĩnh, không dự họp vì “còn chi mà họp”. Quả thật, gia đình anh đã trắng tay. Hơn 4.000 “con” đồng hồ bị tịch thu. Hàng trăm vỏ hộp đồng hồ nằm ngổn ngang trong căn phòng rộng chừng 8m2. 

Bài học Xaliut-3 

Loa phóng thanh dõng dạc truyền đi quyết định tức thời của ban quản trị Xaliut-3 (thuộc Công ty Dinavico, Tổng công ty Bến Thành): “...Từ hôm nay (11/8) không cho phép các hộ tiếp tục kinh doanh đồng hồ và để đồng hồ trên địa phận của công ty”.

Thế là xong việc đối với công ty, không có mặt hàng “nhạy cảm” thì không lo đối phó với các cuộc kiểm tra nữa.  Nhưng với những người buôn bán thì không đơn giản như vậy.

Hơn 10 năm kinh doanh ở Xaliut-3, tất cả vốn liếng và các mối quan hệ dồn vào đồng hồ, bây giờ chuyển đổi mặt hàng thì coi như quay lại từ đầu. Với lại vốn liếng của anh H. gồm hơn 20.000 USD giờ đã nằm gọn trong chiếc vali người ta xách đi mất rồi.

Một số hộ kinh doanh đồng hồ khác ở Xaliut-3 ít bị thiệt hại hơn sau cuộc kiểm tra thì tính chuyện chuyển ra chợ Vòm để tiếp tục kinh doanh.

Việc buôn bán đang “đuội” (ế ẩm). Thỉnh thoảng cảnh sát kinh tế địa phương lại đến kiểm tra các “ốp”, các chợ.

Người Việt ở Nga - Dừng lại tức là… lùi ảnh 2
Các cửa hàng bị cảnh sát lục tung

Những mặt hàng “chiến lược” của người Việt - đồng hồ, quần bò, áo da, quần áo và giày thể thao... - đều đã bị “sờ” đến rồi. Mỗi lần như thế đều thiệt hại nặng nề.

Rất nhiều lý do để phạt, để tịch thu hàng, niêm phong phòng và “công” (container) như thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, hóa đơn mua hàng, lưu kho, thuế quan.

Rồi thì vi phạm nhãn mác, thương hiệu, bản quyền, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Những nơi đã bị kiểm tra rồi cũng không có gì đảm bảo sẽ không bị kiểm tra lại. Xaliut-3 cuối tháng 6-2006 đã bị kiểm tra một lần rồi và thiệt hại của bà con cũng khá nặng.

Đổi mới hay là thất bại?

Cuộc hội thảo do Đại sứ quán VN và Hội Doanh nghiệp VN phối hợp tổ chức ngày 12-8 là nhằm tìm hướng đi cho cộng đồng trong tình hình mới.

Tình hình rõ ràng là rất khác với những năm 1991-1992, khi Liên Xô mới tan vỡ và người VN đi “tiên phong” trong lĩnh vực buôn bán hàng tiêu dùng giá rẻ, chất lượng “tàm tạm”.

Giờ tình hình chính trị - xã hội của nước Nga đã ổn định, kinh tế phát triển nhanh, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Ở Nga đang bùng nổ nhu cầu mua sắm. Nước này là một trong năm quốc gia có nhu cầu tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tuy vẫn còn người thu nhập thấp cần đến hàng giá rẻ ở chợ và “ốp” của người Việt. Nhưng xu hướng ngày càng rõ nét của người Nga, nhất là người Matxcơva, là mua sắm hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có nguồn gốc từ các nước phát triển hoặc có nghề truyền thống, do các hãng có uy tín, có thương hiệu lâu năm và phổ biến toàn cầu.

Các trung tâm thương mại, siêu thị của các tập đoàn kinh tế lớn mọc lên nhan nhản ở các thành phố lớn, thu hút khách hàng từ bình dân đến thượng lưu.

Đối tượng khách hàng mà người Việt nhắm tới mỗi năm một thu hẹp. Và chúng ta không cạnh tranh được ngay trong lĩnh vực mà mình đi tiên phong. Cộng đồng VN ở Nga phải nhường những thị phần ngon lành còn lại cho cộng đồng người Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Trung Đông…

Người Việt trở thành đội quân đi “bán hàng hộ” cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Phần thu của người Việt rất ít tính theo giá một mặt hàng tiêu thụ được nhưng mọi rủi ro thì người Việt hứng chịu.

Cảnh sát kinh tế tịch thu hàng hay phạt tiền người bán cũng không ảnh hưởng đến cơ sở sản xuất ở Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ vì hàng đã được “mua đứt bán đoạn”.

Đến nay vẫn có 80% trong số nhiều vạn người Việt ở Nga đang bán lẻ hàng rẻ tiền ở chợ. Quá nửa cộng đồng thuộc loại nghèo, buôn bán chỉ mong đủ trang trải chi phí, dư ra không đáng kể.

Xu hướng giảm lãi suất lộ rõ trong sáu năm nay, mỗi năm một mạnh hơn. Triển vọng càng không sáng sủa. Khiếm khuyết lớn nhất là chậm đổi mới, không theo kịp đòi hỏi của thị trường.

Vốn của cộng đồng không được tập trung đầu tư vào một trung tâm thương mại tầm cỡ ở nước sở tại (theo một cách tính toán, tổng vốn tối thiểu quay vòng của cộng đồng người Việt trong một năm là 1,5 tỉ USD). Việc xây dựng thương hiệu chưa được chú ý và sự hỗ trợ từ trong nước còn yếu.

Nước Nga đang siết chặt các qui định về hải quan, thuế, chất lượng, xuất xứ hàng hóa và bản quyền về thương hiệu, mẫu mã. Nhưng với nhiều bà con người Việt thì chỉ kinh doanh những mặt hàng “không được xịn lắm” mới có lãi.

Anh H. nung nấu trở lại kinh doanh chính những loại đồng hồ đã bị tịch thu.  Vẫn chưa sợ ư? Anh nói: “Biết mần răng. Cứ tiếp tục thôi. Trời kêu ai nấy dạ”...

Theo Trần Quang Vinh ( từ Matxcơva)
Tuổi trẻ

Bốn phương hướng phát triển của Hội Doanh nghiệp VN tại Liên bang Nga

Thứ nhất, ở các thành phố lớn chuyển từ bán lẻ hàng tiêu dùng sang kinh doanh dịch vụ văn minh - khách sạn, nhà hàng, xúc tiến đầu tư, y tế, hoặc xây dựng một trung tâm thương mại lớn của cộng đồng làm nơi tiêu thụ những mặt hàng chất lượng cao của VN.

Thứ hai, chuyển hướng sang sản xuất hàng công nghiệp nhẹ, chế biến nông sản, thủy sản.

Thứ ba, sản xuất nông nghiệp, một lĩnh vực đang bị bỏ trống và Nga rất khuyến khích.

Thứ tư, đầu tư công nghệ, đi vào các sản phẩm công nghệ cao. Và hướng chung là nên tỏa đi các địa phương vì ở thủ đô sự cạnh tranh quá gay gắt trong khi ở một số tỉnh chính quyền khuyến khích người Việt đến kinh doanh.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.