Người Việt ở quận Cam lo lắng cho thân nhân bị bão

Người Việt ở quận Cam lo lắng cho thân nhân bị bão
Suốt một tuần qua, Dinh Mai Han và cha mẹ ở khu Garden Grove (California) theo dõi tin tức về bão Katrina với nỗi lo lắng ngày một tăng đến mức hoảng sợ.

Mẹ của cô có mấy người anh em họ làm nghề nuôi tôm và đánh bắt cá ở vịnh Mexico. Gia đình Han không liên lạc được với ai cả.

Tại quận Cam (Orange County), nơi có cộng đồng người Việt đông đảo nhất trên toàn nước Mỹ, rất nhiều trong số 150.000 người Việt ở đây có họ hàng và bạn bè ở vùng vịnh, nơi có khoảng 30.000 Việt kiều đang chống chọi hậu quả của bão Katrina.

Tại những tiệm cắt tóc ở đại lộ Bolsa thuộc Little Saigon, các đài đều được vặn sang kênh phát thanh tiếng Việt, đang phát các bản tin trực tiếp về tình hình của người Việt ở các bang miền nam. Nhiều báo của người Việt ở California đã điều phóng viên đến các bang đông nam. Tất cả đều nóng lòng nghe tin tức, nóng lòng tìm cách giúp đồng bào, bởi sẽ có rất nhiều người phải gây dựng lại cuộc sống sau khi trắng tay vì bão.

Abramson Nguyen 37 tuổi có chị là Tam làm nghề trợ giảng. Đầu tuần trước, cô đã đưa 3 đứa con của người chị từ Cali đi Dallas, còn hai đứa nữa ở Texas với bạn. Trong khi đó thì ông anh rể Bao Vu lái xe lòng vòng vô định quanh Louisiana, hy vọng vợ sẽ gọi điện cầm tay cho anh.

Abramson cho biết cô và 3 đứa cháu gái tuổi từ 13 đến 24 vừa theo dõi truyền hình và radio vừa không ngừng cầu nguyện.

Gia đình nhà Han cũng vậy, nhưng họ không chỉ xem mà còn phát cáu. "Tôi không hề nhìn thấy một người Việt nào trên màn hình", Han nói, "vậy thì họ đã kịp đi sơ tán trước hay chết cả rồi? Tôi mong là họ đã kịp đi thoát".

Suốt từ thứ hai, Han đã cố tìm cách liên lạc với các bạn ở trường trung học Long Beach, Mississippi. Cô cũng cố bắt liên lạc với các sơ ở tu viện Thánh mẫu ở Long Beach. Ở vùng Vịnh Mexico, cộng đồng Việt kiều thường theo đạo và rất nhiều trong số các sơ là phụ nữ Việt lớn tuổi. Nhưng cô vẫn chưa liên hệ được với ai.

Trong khi đó, tin tức lan truyền quanh Little Saigon về số phận một nhà thờ ở thị trấn Versailles có đông người Việt, cách New Orleans chừng 13 m về phía đông. Theo đó, suốt cả tuần rồi, hàng trăm người bị kẹt trong nhà thờ, gọi điện đến các nơi và chờ người đến cứu.

Abramson hy vọng chị của cô đã đến được nhà thờ để chờ giúp đỡ. "Chúng tôi đã cố liên lạc, nhưng điện thoại của nhà thờ không làm việc".

Cha Dominic Luong từng ở nhà thờ nói trên (hiện ở quận Cam) cho hay ông đã nhận 700 cuộc gọi của người Mỹ gốc Việt tìm kiếm thân nhân, nhưng ông chỉ có thể liên lạc được với một người ở New Orleans. Người này cho ông hay về tình trạng của các dân sơ tán trong nhà thờ, và sau đó ông gọi cho Lực lượng tuần duyên Mỹ đến giúp. Luong cho biết khoảng 350 người đã được cứu nạn.

Một thành viên ban lãnh đạo cộng đồng người Việt ở California cho biết hàng nghìn người đã gọi điện đến các đài phát thanh đề nghị được đóng góp giúp đỡ nạn nhân bão. Các tổ chức xã hội của người Việt, như Hội sinh viên Nam Cali, cũng phát động quyên góp vật chất, tiền và người tình nguyện để giúp đỡ những người đang tránh bão ở Houston và các nơi khác.

Các anh họ của mẹ Han sống rải rác ở Mississippi. Cô đoán rằng đám phụ nữ và trẻ em đã kịp đi sơ tán trước khi bão đến, nhưng những người đàn ông sẽ trụ lại trên những con tàu. "Tôi nghĩ họ đã đánh giá thấp mức độ tàn phá của bão. Tôi sợ rằng họ đã bị sóng cuốn đi rồi".

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.