Người Việt ở Úc chế tạo các thiết bị điện tử siêu việt

Người Việt ở Úc chế tạo các thiết bị điện tử siêu việt
Một nhóm các giáo sư người Việt tại Sydney, Australia đang nghiên cứu và chế tạo ra những chiếc máy hữu ích như chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật, tim nhân tạo, các loại máy tự hành...

Chiếc xe lăn có thể nhận được mệnh lệnh điều khiển bằng cử chỉ, hành động, thậm chí là suy nghĩ của người ngồi trên xe.

Đó là hướng nghiên cứu lý thú đang được thực hiện tại khoa kỹ thuật thuộc Đại học Công nghệ Sydney (Úc), do một giáo sư người Việt chủ trì.

Anh Nguyễn Thanh Sơn - nghiên cứu sinh ngành cơ điện tử tại khoa kỹ thuật thuộc ĐH Công nghệ Sydney (Úc) - ngồi trên chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật, đầu cứ nghiêng qua phải rồi qua trái... liên tục hàng giờ liền.

Những động tác anh Sơn làm  trông giống như những hành động, cử chỉ của những người khuyết tật mà khả năng vận động và nhận thức của họ bị suy yếu hoặc hạn chế.

Giáo sư Nguyễn Tấn Hùng - phó trưởng khoa kỹ thuật thuộc ĐH Công nghệ Sydney - cho biết một hướng nghiên cứu khác cũng đang được triển khai song song, đó là nghiên cứu thiết kế hệ thống điều khiển xe lăn theo suy nghĩ và mong muốn của người ngồi trên xe.

Hiện GS Hùng đang chủ trì triển khai mạnh mẽ hướng nghiên cứu rất triển vọng và có ý nghĩa này, trong đó có sự tham gia của một số người VN (nghiên cứu sinh và cán bộ nghiên cứu).

Trong lúc làm “nhiệm vụ”, anh Sơn luôn đội chiếc mũ có gắn một con chíp bé xíu. Con chíp này được nối với bộ điều khiển trung tâm. Theo giải thích của nhóm nghiên cứu, con chíp điện tử ấy giữ vai trò nhận tín hiệu hành động của con người và lập tức chuyển những tín hiệu ấy đến bộ điều khiển trung tâm, từ đó lệnh sẽ được phát ra để điều khiển chiếc xe lăn.

Nhóm nghiên cứu nói rằng hướng nghiên cứu này xuất phát từ thực tế việc điều khiển xe lăn vẫn là một công việc khó khăn và căng thẳng đối với những người khuyết tật.

Kết quả nghiên cứu nói trên sẽ mở ra triển vọng mới trong việc sản xuất những chiếc xe lăn với bộ điều khiển thông minh, tăng thêm tiện ích cho người khuyết tật phải ngồi xe lăn, đặc biệt là sẽ rất ý nghĩa đối với những người bị suy yếu hệ thần kinh vận động hoặc khả năng nhận thức kém.

GS Hùng cũng phấn khởi cho biết một nhóm nghiên cứu do ông chủ trì đã nghiên cứu thành công chiếc máy có khả năng phát hiện nhanh và sớm hiện tượng mức đường trong máu bị tụt thấp một cách bất thường mà không cần phải lấy máu xét nghiệm (hay còn gọi là phương pháp không xâm lấn).

Ngoài ra, các ứng dụng tiềm năng khác của thiết bị này giúp cảnh báo sớm hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ em (gọi tắt là SIDS) cũng như đo độ mệt mỏi ở người.

Sản phẩm nghiên cứu được đặt tên là HYPOMON. Để phát triển sản phẩm triển vọng này, một công ty vệ tinh của ĐH Công nghệ Sydney - Công ty AlMedics Pty Ltd - được thành lập, do GS Hùng làm giám đốc. AlMedics Pty Ltd là một trong số 27 công ty về công nghệ sinh học được Quĩ sáng tạo công nghệ sinh học của Chính phủ Úc (BIF) cấp vốn nghiên cứu (đợt 2).

Ngoài ra, gần đây nhóm nghiên cứu của GS Hùng đã nhận được tài trợ kinh phí từ Quĩ tài trợ nghiên cứu quốc tế về bệnh tiểu đường Vurenile để thực hiện nghiên cứu lâm sàng liên quan đến chiếc máy HYPOMON.

GS Hùng hi vọng thiết bị tiện dụng này sẽ được bán rộng rãi trong hai năm tới.

Đến quả tim nhân tạo và hơn thế nữa

Nhưng chưa dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu của GS Hùng còn công bố đã giúp một công ty ở Úc chế tạo thành công một loại thiết bị điện tử gần giống như một quả tim nhân tạo.

Loại thiết bị công nghệ cao này đã được thử nghiệm trên hơn 50 người, hầu hết là tại Úc và một vài người ở châu Âu.

Theo GS Hùng, thiết bị này có thể hỗ trợ một số người mắc bệnh liên quan đến tim duy trì sự sống trong 5-10 năm và sau thời gian này có thể gắn lại cái mới.

Ngoài ra một hướng nghiên cứu khác cũng đang được triển khai là phát triển kỹ thuật mammograms, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến như biểu đồ phân tán và mạng nơron thần kinh.

Hướng nghiên cứu này mở ra triển vọng chế tạo loại thiết bị có khả năng phát hiện sớm bệnh ung thư vú ở phụ nữ.   

Nhóm nghiên cứu còn giới thiệu về Trung tâm hệ thống tự hành, được thành lập từ dự án hợp tác của ba trường đại học gồm Tổng hợp Sydney, Công nghệ Sydney, Tổng hợp New South Wales.

Trung tâm này được xem là cơ sở nghiên cứu ưu tú của Cơ quan Nghiên cứu thuộc Chính phủ Úc với nhiệm vụ áp dụng công nghệ trí tuệ máy để chế tạo những loại máy có khả năng tự hành, áp dụng trong nhiều lĩnh vực dân dụng, quốc phòng, dò tìm các mục tiêu di động, dò tìm khuynh hướng khủng bố...

Ngân sách dành cho trung tâm trong 5 năm đầu là khoảng 15 triệu đôla Úc. Đặc biệt, trung tâm đã đào tạo được đội ngũ nghiên cứu trẻ, dám đề xuất những hướng nghiên cứu táo bạo, cụ thể như nghiên cứu hiện tượng địa cầu bị hâm nóng, chế tạo những chiếc máy có thể suy nghĩ...

Theo Quốc Thanh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG