Những điệu múa Việt ở Matxcơva

Những điệu múa Việt ở Matxcơva
"Hễ có lời mời là chúng tôi cố gắng thu xếp đi ngay. Có cơ hội khoe với thiên hạ kho tàng vô giá của nghệ thuật múa VN, thấy khán giả thích thú là chúng tôi vô cùng tự hào và phấn chấn”, một thành viên nhóm múa Việt tại Matxcova tâm sự
Những điệu múa Việt ở Matxcơva ảnh 1

Nhóm sinh viên múa VN tại Matxcơva

Tại Matxcơva có một kênh truyền bá nghệ thuật dân tộc VN là các sinh viên trường múa. Đó là Hương, Trang, Duy và Hưng ở Học viện Nghệ thuật sân khấu quốc gia Nga.

Học múa bảy năm ở VN xong, Phan Thị Ngọc Hương, Lưu Thị Hoài Trang (Trường Múa TP.HCM) và Tạ Quang Hưng, Đào Phương Duy (Trường cao đẳng Múa Hà Nội) được chọn gửi sang Matxcơva học thêm năm năm để trở thành giáo viên.

Năm đầu ai nấy dồn sức vào học, cố co kéo học bổng 270 USD/tháng cho đủ. Sang năm thứ hai, tiếng Nga khá hơn, các mối quan hệ mở rộng, nhóm bạn trẻ tìm cách “lấy ngắn nuôi dài”. Mỗi người một cách. Hương và Hưng tham gia hai ban nhạc của người Việt chuyên phục vụ cộng đồng là “Văn Lang” và “Bốn Mùa”.

Trang thỉnh thoảng làm biên đạo múa cho đội văn nghệ các công ty người Việt, có lần sang Belarus để dàn dựng múa VN cho một trung tâm văn hóa thiếu nhi địa phương. Duy làm thêm vào ngày thứ bảy, chủ nhật tại trung tâm thương mại kinh tế của người Việt ở chợ Cherkizov (chợ Vòm).

Công việc chả dính dáng gì tới nghệ thuật. Bù lại, chàng trai với dáng người nhỏ nhắn nhưng có kỹ thuật múa cổ điển nhuần nhuyễn được một đoàn múa balê tư nhân của Nga mời tham gia biểu diễn. Cơ hội mà Duy có được rất hiếm đến với người châu Á tại Matxcơva.

Công việc cả “nhóm bốn người” tâm đắc nhất là dàn dựng và thể hiện các điệu múa dân tộc của VN cho khán giả Nga. Thông qua các bạn học cũng là những nghệ sĩ múa, Hương, Trang, Hưng và Duy nhận được lời mời biểu diễn tại các trung tâm văn hóa, các sân khấu nhỏ, hội nghị, liên hoan... Yêu cầu của người tổ chức là phải mang đến cho người xem các điệu múa dân gian thuần Việt.

Hương cho biết: “Đã là diễn viên múa balê chuyên nghiệp thì ngại múa dân gian, vì từ động tác cho đến hình thể mỗi “ngạch” đều có những chuẩn mực riêng. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng là người Việt thì không thể bỏ lỡ dịp quảng bá nghệ thuật dân tộc mình ở nước ngoài. Cả nhóm quyết định ôn lại những điệu múa dân gian được học trước đây, dàn dựng, tập luyện hăng say và biểu diễn hết mình”.

Nhìn chung nhiều người Nga hầu như chưa tiếp cận với nghệ thuật múa VN. Về múa phương Đông, họ chỉ biết đến Ả Rập, Ấn Độ, Trung Quốc. Họ thấy lạ, tò mò và rồi bị cuốn hút bởi sự độc đáo trong tiết tấu, động tác, trang phục. Những điệu múa của VN được đón nhận nhiệt tình, dù là múa nón quai thao quan họ, múa quạt của người Thái, múa khăn của người Mường, múa khèn của người Mông, múa ô của người Khơ Mú, múa gùi của người Êđê...

Một khán giả nhận xét: “Tôi chỉ biết VN trước đây có chiến tranh và nay hay gặp người Việt ở chợ Vòm. Không ngờ người Việt chẳng những kinh doanh giỏi mà còn có vốn liếng nghệ thuật múa tinh tế và rất phong phú. Tôi bị chinh phục”...

Khó khăn lớn nhất mà nhóm múa sinh viên gặp phải khi biểu diễn là thiếu đạo cụ. Trang phục các dân tộc VN, có bộ mượn được ở đội văn nghệ các công ty người Việt ở Matxcơva, có bộ phải về nước mua, nhưng phần lớn là “tự tạo”, mất nhiều thời gian, công sức.

Khó khăn nữa là đội hình luôn bị xé lẻ theo yêu cầu của người tổ chức, hiếm khi được mời đủ bốn người, phần lớn là múa đôi, thậm chí múa đơn.

Duy tâm sự: “Thù lao không tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng hễ có lời mời là chúng tôi cố gắng thu xếp đi ngay. Có cơ hội khoe với thiên hạ kho tàng vô giá của nghệ thuật múa VN, thấy khán giả thích thú là chúng tôi vô cùng tự hào và phấn chấn”.

Theo Trần Quang Vinh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG