Những kỷ niệm không thể quên của một Việt kiều ở Pháp

Những kỷ niệm không thể quên của một Việt kiều ở Pháp
(TPO) Vào những năm 70, ông Lưu  Thanh Dũng mới chỉ là một học sinh du học tại Pháp. Đó cũng là thời điểm mà ông được hòa vào dòng người  chứng kiến những giây phút lịch sử trọng đại của dân tộc - ký kết hiệp định Paris.

Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp với hơn 40 năm công tác thanh niên của Hội người Việt  Nam tại Pháp. Ông là một trong số 35  kiều bào tiêu biểu được Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài mời quê đón Tết Ất Dậu.

Những kỷ niệm không thể nào quên

Những kỷ niệm không thể quên của một Việt kiều ở Pháp ảnh 1

Ông Dũng (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh chung với Chủ tịch nước Trần Đức Lương ngày 3/2/2005

Ông Dũng  đến với Hội vào những  năm 71, 72. Ấn tượng sâu sắc mà có lẽ ông sẽ không bao giờ quên. Đó là ngày ký kết hiệp định Paris năm 1972. Nhắc đến câu chuyện này, ông đã không giấu nổi xúc động.

Ông kể: “Chúng tôi kéo hết  ra đường, trong người giấu cờ giải phóng và cờ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lính biết, nhưng vẫn cứ để yên. Chúng tôi  đi tàu điện ngầm. Thời đó, tàu điện  ngầm  không tự động đóng mở  như  bây giờ mà có người canh cửa. Thế nhưng, họ đã mở cho mình đi, khỏi cần vé. Vì họ ủng hộ mình.

Tới nơi diễn ra lễ ký kết, dòng người cứ đứng yên như vậy cả ngày trời chờ đợi. Khi đoàn xe của mình  đến, tự nhiên không ai bảo ai cờ bung ra, rợp trời luôn, và mọi người la lên: Hoan hô, Việt Nam độc lập. Trong số những người đứng xung quanh chúng tôi, cũng có người ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu, nhưng khi bị kẹt trong đám đông đó, cũng đành phải hòa theo. Tôi nhìn thấy các vị Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình hiên ngang bước vào phòng họp.

Sáng ngày 30/4 cũng là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời ông. Lúc đó, ông  đang trên đường đi xuống tỉnh, nghe được tin, lập tức quay trở lại, đến quảng trường Bastille, đã  thấy đội ngũ anh em của mình cùng  người Pháp đứng chật kín. Ở đó có cái trống,  ông  thấy vui quá, xông tới dùng tay đánh liên hồi.

Hai câu chuyện thấy thấm thía giá trị của độc lập dân tộc

Những kỷ niệm không thể quên của một Việt kiều ở Pháp ảnh 2

Ông Lưu Thanh Dũng

Năm 1972, khi đến với phong trào anh em tại Pháp, lúc đó là Hội liên lạc Việt kiều, ông Dũng  được phân công vào đội văn nghệ. Ông phụ trách đàn dây. Trong đoàn có một bác chơi đàn cò.

Trong một lúc nhàn rỗi, bác đã tâm sự, trước kia khi mình còn là  lính thợ, lúc chiến thắng Điện Biên Phủ,  tụi Pháp cứ  gặp tụi tôi là nó  đánh hoài.  Vì thế khi đi làm, trong túi luôn có muối tiêu. Nó tới, thì hốt muối tiêu vào nó, rồi chạy. Điều đó cho thấy, trước kia, điều kiện sống của bà con Việt kiều trước kia cơ cực như thế nào.

Có một lần, ông Dũng đã  tới  Marseille để giúp đỡ bà con lo Tết. Trong  lúc ngồi  taxi, bác tài xế kể chuyện, bác chỉ là  một dân bình thường  bị bắt đi làm lính thợ. Trước kia, nó gọi mình là  toa (mày), khi mình đánh thắng nó, nó gọi mình là monsier (ông, ngài). Thế mới thấy thấm thía sự độc lập dân tộc

Văn nghệ, sợi dây gắn liền bà con với đất nước

Trong hơn 40 năm qua, ông Dũng đã  tham gia liên tục công tác thanh niên của Hội với tư cách là Trưởng ban Văn nghệ thanh niên của Hội. Khi yêu cầu ông nói  về những gì đã làm được, ông bảo, bây giờ bảo tôi hát, tôi có thể hát liền, chứ tôi chẳng biết nói gì.

Ông là một trong những thành viên tích cực nhất của đội văn nghệ ở những năm 70, lúc đó là  đội văn nghệ lưu động. Đội đi bất cứ lúc nào để phục vụ đồng bào mình. Đội có thể hát, múa, diễn  kịch phục vụ đồng bào.  Cô gái vót chông, Bài ca may áo, Những cô gái quan họ, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long... là những bài hát đã gắn liền với những năm tháng rong ruổi khắp nước Pháp để ủng hộ cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở quê nhà.

Giờ sắp đến tuổi nghỉ hưu, ông Trưởng phòng trang thiết bị của Viện Pasteur Paris  vẫn đi về  Việt Nam  thường xuyên với  một số dự án tại Việt Nam. Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh là nơi ông đã có nhiều đóng góp. Một số người  giữ trọng trách lớn  của Viện đã được ông đào tạo.

Không khí Tết đã tràn ngập phố phường Hà Nội

Tết của người Việt ở bên đó không rầm rộ lắm. Khác  hẳn ở Việt Nam, mấy hôm nay ra đường đã thấy không khí Tết lắm rồi. Ông nhận xét, Việt Nam gần đây đạt được nhiều kết quả đáng khâm phục. Việt Nam đã  có  vị thế  vững chắc trên thế giới. Mỗi lần về đây là một lần  thấy được những  bước tiến quan trọng của nước nhà.

Và chắc chắn, các cuộc gặp mặt với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như được gặp gỡ và nói chuyện với Tổng  Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải và chuyến về dâng hương tại  Đền Hùng trong chuyến về quê đón Tết lần này sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên đối với ông Dũng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.