Việt kiều Nguyễn Thạc, từ NASA tới … điện ảnh

Việt kiều Nguyễn Thạc, từ NASA tới … điện ảnh
TP - Tiến sĩ Nguyễn Thạc là một trong số nhiều người Việt từng làm việc cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Tuy nhiên, niềm đam mê gần như theo suốt cuộc đời ông lại là điện ảnh.
Việt kiều Nguyễn Thạc, từ NASA tới … điện ảnh ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Thạc

Ông đã từng tham gia với tư cách là Giám đốc sản xuất nhiều bộ phim, giảng dạy nhiều lớp đào tạo về điện ảnh ở Pháp và Mỹ. Hiện ông là chủ một hãng phim tư nhân ở Washington.

Với mong muốn được góp phần vào sự phát triển nền điện ảnh Việt Nam, ông đã tìm cách liên hệ với Cục Điện ảnh Việt Nam với hy vọng trong lần về thăm quê vào mùa hè năm nay, sẽ có dịp được truyền kinh nghiệm về điện ảnh của mình cho những người bạn đồng nghiệp Việt Nam.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ấm cúng tại bang Maryland (Mỹ), Tiến sĩ Nguyễn Thạc cởi mở chia sẻ cuộc sống của mình là một nhà khoa học và một người đam mê điện ảnh dường như không bao giờ tắt trong ông qua nửa thế kỷ qua.

Ông kể: “Tôi sinh ra ở vùng đất Hải Dương, nhưng từ nhỏ đã theo gia đình vào miền Nam sinh sống. Năm 1964, lúc 19 tuổi, tôi sang Pháp học ngành cơ khí hàng không. Năm 1977, trong một chuyến đi sang Mỹ, tôi gặp vợ tôi bây giờ. Chúng tôi kết hôn và tôi ở lại sinh sống tại Mỹ. Chúng tôi có bốn con (hai trai, hai gái) nay các cháu đã trưởng thành cả”.

Được biết ông từng làm việc cho NASA?  

Sau khi quyết định ở lại Mỹ sinh sống, do tấm bằng kỹ sư về cơ khí hàng không mà tôi đã nhận được ở Pháp không được công nhận ở Mỹ nên tôi phải đi học lại để lấy thêm một số tín chỉ. Năm 1980 sau khi có được tấm bằng kỹ sư điện tử, tôi làm việc cho một hãng điện tử lớn của Mỹ.

Một năm sau, tôi chuyển sang làm việc cho NASA 13 năm. Năm 1991, NASA cử tôi đi học thạc sĩ ở Đại học John Hopkin và năm 1993 tôi lấy bằng tiến sĩ ở trường đại học này.

Vậy ông có những đóng góp gì cho NASA?

Năm 1991, tôi được nhận phần thưởng cao quí nhất của NASA. Đó là tấm bằng ghi nhận công lao đóng góp của tôi đối với chuyến bay vào vũ trụ của tàu con thoi Endeavour. Mỗi một chuyến bay vào vũ trụ, NASA chỉ chọn và trao phần thưởng cho một nhà khoa học nào có công đóng góp nhiều nhất cho chuyến bay đó. Tôi rất tự hào về phần thưởng này.

Ông từng có đóng góp cho ngành bưu chính viễn thông Việt Nam?

Năm 1995, được biết Hughes Network Systems - một hãng lớn chuyên về máy bay, bưu chính viễn thông, telephone - cần một kỹ sư về Việt Nam làm việc, tôi đã ra khỏi NASA và xin làm việc cho hãng Hughes. Tôi là người đầu tiên mang công nghệ vô tuyến cố định vào Việt Nam.

Là một nhà khoa học, nhưng niềm đam mê của ông lại là điện ảnh?

Đúng vậy. Điện ảnh như là một “nghiệp chướng” của tôi, nó đeo đuổi, bám riết tôi. Ngay khi còn là sinh viên học về ngành cơ khí hàng không ở Pháp, trong chương trình tôi phải học một số giờ về quay phim, chụp ảnh…

Thầy dạy tôi môn này là ông Jean Gonnet, một giám đốc điện ảnh nổi tiếng của Pháp. Một lần, phụ tá của ông bận việc, ông hỏi tôi có muốn phụ giúp việc cho ông không. Tôi đã nhận lời.

Từ đó tôi theo ông những khi có thời gian rảnh rỗi và được ông truyền cho sự đam mê cũng như những kinh nghiệm về điện ảnh. Sau đó, tôi đã theo học hai trường về điện ảnh – IFC và VUAGIRAD - rất nổi tiếng về kỹ thuật điện ảnh của Pháp và làm việc như một cố vấn kỹ thuật cho nhiều hãng phim.

Nghe nói ông đã lập hãng phim tư nhân?

Tại Mỹ, tôi tiếp tục nghiên cứu và học hỏi thêm những tiến triển của kỹ nghệ điện ảnh, và hy vọng một ngày nào đó trở về Việt Nam đóng góp cho ngành điện ảnh nước nhà. Tôi lập một hãng phim tư nhân, hiện chuyên trách về hai lĩnh vực: nghiên cứu, thiết kế chuyển đổi ánh sáng thành dòng điện dùng trong trường quay; và thẩm định kịch bản phim cho các hãng phim khác.

Và ông đã có cơ hội để thực hiện mong ước của mình?

Vâng, mới đây tôi đã được một người bạn giới thiệu với lãnh đạo của Cục Điện ảnh Việt Nam – nơi đồng ý sẽ tổ chức hai lớp học ở TPHCM và Hà Nội vào mùa hè năm nay để tôi có thể truyền đạt những kinh nghiệm về điện ảnh với các đồng nghiệp Việt Nam.

Dự kiến lớp học sẽ bàn thảo về ba chủ đề chính: nghiên cứu kịch bản, đào tạo nhà sản xuất phim và diễn xuất trước ống kính. Ngay cả sau khi các lớp học kết thúc, tôi luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ sự hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về điện ảnh với các bạn đồng nghiệp Việt Nam.

Lê Phượng
từ Washington

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.