Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva

Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva
TPO - Khu chợ quốc tế sầm uất vào bậc nhất châu Âu trong những ngày giáp Tết như ngời lên bởi sắc đào, sắc mai và những hộp mứt kẹo sặc sỡ. Người Việt Nam tại Nga đang đổ xô về đây sắm Tết.
Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva ảnh 1

Nhộn nhịp mua sắm Tết

Theo chân anh Hoàng Tâm, người có vợ là một chủ nhà hàng nhỏ trong khu ký túc xá người Việt ra chợ Vòm lấy đồ Tết, chúng tôi có mặt tại khu hàng khô nhà Vàng, một địa chỉ rất quen thuộc đối với hầu hết người Việt không chỉ ở Maxcơva mà còn ở nhiều thành phố khác. Nơi đây, hàng hóa Tết tràn ngập từ trong quầy ra đến bên ngoài khung kính chắn giữa những lối đi.

Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva ảnh 2

Gần 60 quầy hàng với đủ loại rau quả tươi, thịt heo, gà, bò... và rất nhiều mặt hàng khô được bày bán. Vô số người Việt Nam và Trung Quốc đang tấp nập mua bán, người vài cân thịt, kẻ ít bóng bì, miến dong, nấm hương…

Nếu như bỏ đi cái lạnh giá của mùa đông nước Nga, ai cũng có thể lầm tưởng đây là một góc của chợ Đồng Xuân Hà Nội. Thậm chí các chủng loại rau quả, thực phẩm còn đa dạng hơn nhiều vì nó là những mặt hàng tổng hợp của cả 2 nước châu Á đón Tết theo Âm lịch là Trung Quốc và Việt Nam.

Quầy hàng rau của chị Bình, quê Nam Định, không lúc nào ngớt khách. Chị tươi cười nói: "Những ngày này các loại rau, quả tươi được mọi người mua nhiều lắm. Nhất là rau cải trắng, rau cần, ớt Tây, hành, cà rốt, su hào. Tất cả đều được người Việt mình trồng trong những khu nhà kính ở ngoại ô Maxcơva hay những thành phố lân cận rồi theo xe lên Maxcơva và phân toả các nơi".

Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva ảnh 3

Cũng theo chị Bình, so với mọi năm, lượng bánh chưng, mứt tết và hoa quả Tết năm nay không bán được nhiều bằng mọi năm nhưng cũng đủ "ấm túi". "Năm nay người Việt mình về phép nhiều lắm. Hầu như nhà nào cũng có người về Việt Nam ăn Tết. Chính vì vậy mà lượng hàng khô bán ra giảm".

Một điều mới so với mấy năm trước là có thêm mấy quầy chuyên bán nhang, đèn, đồ cúng. Những thệp vàng mã, những nén hương trầm, những cây cành vàng lá ngọc và cả trầu cau lung linh rực rỡ.

Một tấm chữ thư pháp thường mang ý nghĩa tâm linh như lời Phật dạy, chữ Tâm, chữ Nhẫn… được bán với giá hơn 20 USD một tấm. Vậy mà chúng tôi thấy có khá nhiều khách hàng hỏi mua.

Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva ảnh 4

Khu hàng khô trên đồi Thanh Nga cũng không kém phần nhộn nhịp. Quầy sách báo bán thêm các loại lịch, tranh ảnh từ Việt Nam chuyển sang như hút hồn những ai ghé qua.

Tại đây, chúng tôi hỏi anh Vũ Văn Khang đến từ thành phố Ulianovsk, quê hương của Lênin, về tình hình đón Tết. Ôm trên tay cả mấy cành đào, mai nhựa và mứt Tết, anh hồ hởi: "Tết này vui lắm. Chúng tôi mua rất nhiều thứ từ Việt Nam chuyển sang như lá dong, gạo nếp, mứt và bánh trái.

Hôm nay là ngày lấy hàng cuối năm nên chúng tôi mua giúp cho nhiều anh em, bạn bè dưới đó. Chủ yếu là văn hoá phẩm. Đời sống tinh thần với chúng tôi trong những ngày này rất quan trọng. Quanh năm lo làm ăn rồi, Tết đến chúng tôi thực sự nhớ quê hương và muốn được sống trong không khí như ở quê hương vậy đó".

Nỗi niềm đón Tết xa quê

Nụ cười khi đi mua sắm Tết là điều mà chúng tôi nhìn thấy rõ nhất. Tuy nhiên xa quê, không ai là không có những nỗi niềm về quê hương, gia đình, làng xóm.

Nơi đó là cái Tết của những kỷ niệm đã qua, những hoài mong sắp đến. Không buồn và quá nhớ nhung như những năm xưa nhưng trong lòng những người con xa xứ vẫn man mác một tình yêu da diết.

Chị Yến đang kinh doanh mặt hàng áo phông Việt Nam dãy 16, dãy "Hàng Ngang, Hàng Đào" chợ 2.000 trong quần thể chợ Vòm, tâm sự: "Nhớ nhà lắm. Mặc dù gia đình em sắm sửa không thiếu thứ nào nhưng nỗi nhớ nhà thì không gì thay thế được.

Hai cháu nhỏ nhà em, một học lớp 5, một lớp 3 vẫn cứ đòi bố mẹ phải về mới chịu. Nhưng công việc bên này ai làm cho mà về. Năm ngoái định về thì không về vì tình hình đan xáo trộn. Bọn em phải để hè mới về. Tuy nhiên, dù có hay về vào lúc nào đi nữa mà Tết không về thì không thể vui".

Gia đình chị Trâm có phòng dịch vụ dãy C6 cũng đang tất bận chuyện nhận hàng và trao trả hàng. Dành ít phút cho chúng tôi chị vui vẻ: "Nhà em vừa bay về hôm qua xong. Hai vợ chồng thì cũng có một người về ăn Tết với ông bà, với các con cho vui vẻ.

Về Tết thì cũng tốn kém hơn trong năm một chút, nhưng dù sao bên này làm ăn vẫn đang được, mình cũng nên san sẻ chút ít. Em ở lại đương nhiên có nhớ, có buồn, nhưng cũng vì công việc, vì tương lai sau này mà thôi ".

Riêng anh Lê Đăng Bộ - Chủ quầy dịch vụ điện thoại, tư vấn giấy tờ trên cả hai địa điểm Nhà Vàng và Đồi Thanh Nga - thì phấn khởi hơn. Anh cho biết Tết năm nay, gia đình anh sẽ trực tiếp gói bánh chưng, làm mâm cỗ tất niên như mọi nhà ở Việt Nam.

Anh không có cảm giác phân chia tình cảm vì vợ chồng anh và cả ba cháu đều chung đón Tết bên này. Tuy nhiên anh vẫn có một sự bâng khuâng khi nhớ về không khí ngày xuân trong nước.

"Tết bên này không thể nào có được cái háo hức, cái nôn nao như bên quê nhà được. Ngày xuân là phải ra đường, đi thăm hỏi, chúc Tết thì mới mang trọn vẹn cảm giác xuân. Còn ở đây, dù sao vẫn công việc đặt lên hàng đầu. Chúng tôi làm dịch vụ, cùng lắm cũng chỉ dám nghỉ ngày mùng Một Tết".

Phấn khởi với Đinh Hợi

Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva ảnh 5

Trong cái không khí tất bật của ngày giáp Tết này, chúng tôi nhận thấy trên khuôn mặt của mỗi người Việt Nam tại đây sự hài lòng, mãn nguyện. Vào đầu năm 2007 Chính phủ Liên bang Nga bắt đầu thực thi Nghị định 683 liên quan đến việc cấm bán lẻ đối với người nước ngoài tại Nga.

Cả quý I, chợ Vòm như lắng xuống bởi nhưng nỗi lo canh cánh, không biết sẽ trụ được bao lâu nữa tại đất nước này. Ấy vậy mà giờ đây bà con Việt Nam phấn khởi như "được mùa". Mấy anh chị quê Quảng Ninh bán hàng ở dãy 7B chợ KT cười hết cỡ khi khoe với chúng tôi "thành tích" buôn bán của năm qua.

Chị Đỗ Thị Tuyết Mai, bán hàng tại dãy II chợ KT, tâm sự: "Lúc đầu chúng tôi rất hoang mang lo lắng. Hàng hoá thì ngày càng khan hiếm. Nhưng qua một vài tháng đầu năm, tất cả lại đi vào hoạt động bình thường. Mọi người ai nấy đều mãn nguyện với thành quả lao động năm vừa qua".

Còn anh Vũ Thế Huân, quê Hải Dương, thật thà "khai": "Năm vừa qua gia đình tôi ăn nên làm ra. Nhiều người Việt Nam ở đây còn kiếm được gấp vài lần so với năm ngoái. Dân chợ như chúng tôi làm được đến đâu là mừng đến đó. Rất may có Ban lãnh đạo Trung tâm lo lắng cho bà con giấy tờ phù hợp với luật mới của Nga nên chúng tôi cảm thấy rất thoải mái khi kinh doanh ngoài chợ".

Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva ảnh 6

Anh Khang đến từ thành phố Ulianovsk cho rằng, những thắng lợi trong việc kinh doanh của cộng đồng năm qua là do sự bình ổn của giá đô la; tình hình kinh tế, chính trị của nước Nga ngày càng ổn định nên mọi người yên tâm làm ăn. Những xáo trộn bước đầu đã qua đi.

Bây giờ hễ ai chăm chỉ, chịu khó thức khuya dậy sớm là đều có cơ hội phát triển kinh tế. Riêng anh, trung bình mỗi tuần lên Maxcơva lấy hàng một lần. Tiền tích luỹ trong năm qua anh dành để mua căn hộ tại Nga. Đợt lên Maxcơva lấy hàng lần này, anh tranh thủ chuyển ít tiền về mừng tuổi bố mẹ ở quê nhà.

Lý giải cho chúng tôi về những khó khăn trong những tháng đầu của năm 2007, ông Phan Đăng Xiêm - Phó tổng giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Quốc tế (một trong những Cty lớn của người Việt tại chợ Vòm) - cho biết:

"Nghị định mới của Chính phủ Nga đã gây sự xáo trộn, khó khăn nhất định đối với các cộng đồng người nước ngoài tại Nga. Quý I năm 2007 là khoảng thời gian khó khăn nhất. Trong thời gian này, một số chủ hàng, đặc biệt là các chủ hàng người Trung Quốc, người Việt Nam có những dao động. Họ không hiểu được nghị định này đi vào thực tế sẽ như thế nào.

Một số đã ngưng việc đánh hàng vào Nga. Hàng hóa trở nên khan hiếm, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của bà con người Việt cũng như của các cộng đồng dân tộc khác. Thế nhưng bắt đầu sang quý II năm 2007, mặc dù nghị định đã được áp dụng, nhưng trên thực tế đã không gây ra những phức tạp quá lớn cho người nước ngoài kinh doanh ở Nga.

Tất cả các chủ hàng Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ… lại đánh hàng dồn dập với mức tăng đáng kể. Hàng hóa tại chợ Vòm trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Buôn bán sầm uất trở lại, hiệu quả kinh doanh cao".

Ông Xiêm cho biết, cùng với các đơn vị của người Việt Nam tại LB Nga, Trung tâm Thương mại Quốc tế trong năm qua đã có những bước đi linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với tình hình mới.

"Tất cả các hợp đồng lao động của người Việt Nam cũng như của người Trung Quốc, Pakistan… đang làm việc tại Trung tâm được chuyển đổi thành những người tổ chức kinh doanh hay những khâu dịch vụ khác như khuân vác, bảo vệ.

Theo nhận định của Ban lãnh đạo Trung tâm, với mô hình kinh doanh như hiện nay, trong vòng 5 năm tới việc kinh doanh buôn bán vẫn diễn ra bình thường."

Hy vọng vào Mậu Tý

Xuân mới ở Chợ Vòm Maxcơva ảnh 7

Hầu hết mọi người khi được hỏi về tình hình làm ăn trong năm 2008 đều tỏ vẻ lạc quan hơn bao giờ hết. Theo bà con, năm Đinh Hợi là năm mà người Việt tại Nga có những dao động nhất định. Nhưng cuối cùng, việc kinh doanh, làm ăn vẫn theo đà phát triển. Vì vậy đối với mọi người, năm Mậu Tý vẫn cứ thế mà phát huy.

"Chúng tôi chẳng có gì phải băn khoăn cả. Mọi thủ tục giấy tờ đều được Ban Giám đốc chợ phổ biến và giúp đỡ. Tất cả đều kinh doanh trong khuôn khổ phù hợp với luật pháp sở tại. Năm nay chúng tôi tin rằng sẽ không có sự xáo trộn gì hết. Vì vậy ưu tiên là sẽ tập kết thêm nhiều hàng để bán. Sau hai tháng Tết này, chúng tôi hy vọng hè 2008 sẽ thu được kết quả tốt".

Đó là niềm tin rất chắc chắn của anh Vũ Thế Trung, người cùng với vợ, con trai và con dâu có mấy "công" bán hàng mốt ở dãy C5 chợ KT. Theo anh, "năm vừa rồi đáng ra chúng tôi còn làm được nhiều hơn nữa. Nhưng vì khan hiếm, hàng không có mà bán nên tiếc lắm. Năm nay sẽ rút kinh nghiệm. Sẽ lấy nhiều hàng và kiểu gì cũng bán trôi hết.

Chúng tôi thấy việc làm ăn đang bước vào giai đoạn phát triển. Bà con cũng không còn tin vào những lời đồn thổi linh tinh nữa. Dù sao cả một cộng đồng to lớn thế này, kiểu gì cũng sẽ có những phương thức thích hợp để người Việt nói riêng, người nước ngoài nói chung sinh sống và ổn định".

Còn chị Nga, quê Hưng Yên, thì đơn giản hơn: "Có gì mà phải lo. Cứ đà này, năm 2008 sẽ còn làm tốt hơn nữa. Giá "công" bắt đầu lên, tiền "kênh" cũng lên. Điều đó chứng tỏ các chủ "công" chủ hàng họ đã tính cả rồi. Mình cứ thế mà "năng nhặt chặt bị".

Nhìn chung, một cái Tết đầm ấm, bớt lo toan đang về với cộng đồng người Việt tại nước Nga xa xôi. Tâm trạng của chúng tôi như vui cùng bà con trong quần thể chợ Vòm sôi động và sầm uất.

Những ai khi được hỏi đều kèm một lời nhắn gửi đến gia đình, làng xóm và sâu rộng hơn là cả đất nước Việt Nam thân yêu lời chào thân ái, lời chúc an khang thịnh vượng.

Thu Anh
Từ Maxcơva

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.