Cao tốc Bắc - Nam: Khó nhất là khâu thu hút vốn

Dù được kỳ vọng nhưng cao tốc Bắc - Nam đang đối diện nhiều thách thức về huy động vốn. Ảnh: Bảo An.
Dù được kỳ vọng nhưng cao tốc Bắc - Nam đang đối diện nhiều thách thức về huy động vốn. Ảnh: Bảo An.
TP - Dự án cao tốc Bắc - Nam đang gấp rút được chuẩn bị để kịp thảo luận tại kỳ họp Quốc hội. Trong đó, nút thắt khó khăn nhất vẫn xoay quanh câu chuyện làm cách nào thu hút được vốn để đầu tư?

Theo tờ trình của Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa thừa ủy quyền Thủ tướng ký trình Quốc hội, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông ưu tiên đầu tư 713km trong giai đoạn 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư 55.000 tỷ đồng và phần vốn nhà đầu tư bỏ ra khoảng 63.716 tỷ đồng. Để đảm bảo tính khả thi của dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua nhiều cơ chế đặc thù liên quan đến tài chính của dự án.

Chia nhỏ để hút vốn

Theo đề án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chia tách toàn bộ dự án cao tốc Bắc – Nam thành các dự án độc lập. Nguyên do, pháp luật hiện hành chưa cho phép áp dụng nhiều hình thức đầu tư, loại hợp đồng trong một dự án. Trong khi, toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam có mức đầu tư lớn nên khó kêu gọi đầu tư toàn tuyến và các đoạn tuyến có thời gian đầu tư, khai thác khác nhau. Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tách toàn bộ dự án thành 20 dự án để vừa đảm bảo khả năng huy động vốn, vừa đảm bảo tiến độ xây dựng khai thác.

Cơ chế đặc thù thứ 2 được Chính phủ đề xuất liên quan đến tiến độ góp vốn của doanh nghiệp đầu tư dự án. Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận cho doanh nghiệp góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ triển khai dự án. Đây là điểm không phù hợp với quy định trong Luật Doanh nghiệp hiện hành (Luật quy định, chủ sở hữu hoặc các cổ đông đều phải góp, thanh toán đủ trong vòng 90 ngày hoặc ngắn hơn kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp). Bộ GTVT cho rằng, nếu huy động vốn chủ sở hữu ngay từ đầu, một lượng vốn rất lớn đã huy động trong tài khoản của doanh nghiệp dự án nhưng chưa được sử dụng dẫn tới lãng phí nguồn lực và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Bộ GTVT đề nghị cơ chế xác định cụ thể mức giá và lộ trình tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ (trước đây gọi là phí đường Bộ) ngay trong hợp đồng BOT và mức giá này không thay đổi. Bộ GTVT cho biết, Luật Giá hiện hành chỉ bao gồm các loại hình: giá cụ thể, khung giá, giá tối đa và giá tối thiểu (không có loại giá tăng theo thời gian như hợp đồng BOT). Ngoài ra, Luật Giá cũng quy định, giá sản phẩm dịch vụ chỉ được thay đổi khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc có thời gian vận hành khoảng 20 năm và thông lệ quốc tế đều cho phép xác định lộ trình tăng giá ngay từ đầu mới đảm bảo khả năng thu hút đầu tư.

Với kiến nghị lần này, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội cho phép xác lập một “luật chơi” rõ ràng ngay từ đầu. Cũng liên quan đến sự ổn định chính sách, cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên, Bộ GTVT đề nghị có sự bảo lãnh của bên thứ 3 bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ khi thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, sau khi xem xét, Chính phủ đã không thống nhất trình Quốc hội nội dung này.

Đấu thầu quốc tế công khai minh bạch

Ngoài các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, tờ trình của Chính phủ cũng cho hay, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ xây dựng, quyết định các chính sách thuộc thẩm quyền, “đảm bảo minh bạch, hiệu quả, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí”.

Khác với những đề nghị chỉ định thầu trước đây, Chính phủ và Bộ GTVT gần đây tập trung vào cách thức chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu. Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Đối tác công tư Bộ GTVT cho hay, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, đảm bảo công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chưa đồng thuận với đề xuất của Bộ GTVT về việc xác định mức lợi nhuận/vốn sở hữu của nhà đầu tư ở mức 14%/năm. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, mức lợi nhuận này có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, song tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án giao thông đường bộ hiện nay. Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT QL1 và mức lợi nhuận cụ thể sẽ được xác định trên cơ sở kết quả đấu thầu.

Bộ Tài chính chưa đồng thuận với đề xuất của Bộ GTVT về việc xác định mức lợi nhuận/vốn sở hữu của nhà đầu tư ở mức 14%/năm.Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT QL1.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.