10 cổ phiếu đắt hàng nhất năm 2013

10 cổ phiếu đắt hàng nhất năm 2013
Chiếm phần lớn trong danh sách này là các cổ phiếu địa ốc – xây dựng, với khối lượng giao dịch cả năm trên 400 triệu đơn vị.

Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, toàn thị trường ghi nhận hơn 24 tỷ lượt cổ phiếu được khớp lệnh thành công trong năm 2013, tương đương gần 292.000 tỷ đồng. Trong đó, 10 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trên sàn đều có lượng giao dịch tối thiểu 400 triệu chứng khoán mỗi mã, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực địa ốc – xây dựng.

1. SHB - 1,6 tỷ cổ phiếu

Trong năm 2013, khó có cổ phiếu nào sánh được với SHB của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội về thanh khoản, với trên 1,6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương 6% trên tổng giao dịch toàn sàn.

Điều này được giới đầu tư chứng khoán lý giải bằng vụ sáp nhập đình đám trước đó giữa Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank), tạo ra nhiều kỳ vọng trong giới đầu tư. Cuối quý III vừa qua, SHB cũng vừa được chọn vào danh mục của quỹ Market Vector Vietnam ETF khiến nhu cầu tăng đột biến. Tính đến ngày 27/12, thị giá SHB tăng 9,5% so với hồi đầu năm.

Với biên độ giao động giá cũng như thị giá tương đối nhỏ, SHB được xem là phù hợp với cả hai dạng nhà đầu tư lướt sóng và thận trọng. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm, đà tăng mã này có phần chững so với các cổ phiếu khác và chỉ dao động quanh mốc 7.000 đồng.

2. PVX - 1,1 tỷ cổ phiếu

Với tổng khối lượng giao dịch trên 1,1 tỷ cổ phiếu cả năm 2013, PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là mã chứng khoán thứ hai được giới đầu tư ưa chuộng nhất sàn Hà Nội. Dù vậy, trái với SHB, mã này hầu như không có nhiều tin tốt khi kết quả kinh doanh thua lỗ trên 1.000 tỷ đồng. Còn thị giá PVX cũng giảm mạnh từ đỉnh 8.500 đồng trong năm xuống vùng 3.000 đồng.

Đây là cổ phiếu duy nhất vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dân chứng khoán bất chấp những tín hiệu cơ bản bấp bênh trong năm qua. Theo một số nhà đầu tư, điều này có thể lý giải bởi tâm lý đám đông, lòng tham cũng như nhu cầu bắt đáy luôn tác động mạnh trên thị trường vốn đầy biến động và bất ngờ.

Ngày 14/12 vừa qua, quỹ Market Vector Vietnam ETF vừa loại cổ phiếu PVX do không đủ quy định về vốn hóa khi mã này chỉ có 47,6 triệu USD, nhỏ hơn yêu cầu là 75 triệu USD. Quyết định bán hơn 34 triệu cổ phiếu PVX của quỹ ngoại trên khiến thị giá biến động mạnh nhiều phiên liên tiếp cùng khối lượng giao dịch khủng.

3. ITA - 1 tỷ cổ phiếu

Trong năm 2013, cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo được coi là mã tiềm năng với mức tăng trưởng ổn định cả về giá và khối lượng giao dịch. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của công ty niêm yết cho thấy lợi nhuận sau thuế gần 14 tỷ đồng. Dù thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 17%, ITA vẫn làm hài lòng phần lớn nhà đầu tư đang và có ý định nắm giữ do những doanh nghiệp cùng ngành hầu như vẫn còn chịu lỗ. Tổng khối lượng giao dịch mã này trong năm nay đạt trên một tỷ cổ phiếu.

Sau 12 tháng, thị giá ITA cũng tăng 50% và dao động quanh mức 6.000 đồng một cổ phiếu tại ngày 27/12. Giữa tháng 12 vừa qua, Market Vectors ETF còn mua thêm 107.520 cổ phiếu của ITA để nâng sử hữu từ 6,99% lên 7,004%.

4. SCR - 990 triệu cổ phiếu

Cùng với ITA, SCR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) là một trong những mã bất động sản được các nhà đầu tư ưa chuộng nhất năm nay với tổng khối lượng giao dịch gần 990 triệu cổ phiếu. Theo báo cáo phân tích tháng 7 của Chứng khoán Bảo Việt, hiện Sacomreal sở hữu quỹ đất lớn khoảng 60 hecta và phân bố tại các quận 7, 8, 2, Thủ Đức, Tân Phú thuộc phía Đông TP HCM, nơi có diễn giao dịch sản phẩm dự án sôi động nhất thành phố. Tuy nhiên, do tồn kho lớn, tiêu thụ chậm khiến công ty bị đọng vốn, báo cáo này chỉ rõ.

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng từ thái độ bi quan của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán giai đoạn tháng 2- 9 vừa qua, thị giá SCR giảm từ 9.100 đồng xuống còn 4.700 đồng một cổ phiếu. Tuy nhiên, trong tháng 9, mã này đảo chiều lấy đà tăng trưởng trở lại, tăng thêm 180% giá và lên 8.300 đồng một cổ phiếu.

5. FLC - 675 triệu cổ phiếu

Trong đợt sóng chứng khoán quý IV vừa qua, FLC là mã được đánh giá có mức tăng rất nóng với mức 266% trong vòng chưa đầy một tháng. Từ mức 4.700 đồng hồi đầu tháng 11, bằng nhiều phiên kịch trần không liên tiếp, FLC leo lên đỉnh 12.500 đồng vào ngày 20/12. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mã này không còn duy trì đà tăng và có dấu hiệu chững. Tính chung 12 tháng qua, FLC khớp lệnh trên 675 triệu cổ phiếu.

Trước đó, FLC từng có giai đoạn giá đi ngang suốt 3 tháng liên tiếp với 4.800 đồng một cổ phiếu. Điều này đã tạo động lực giúp mã này có thể bật mạnh như vừa qua. Công ty niêm yết của FLC là Tập đoàn FLC cũng vừa chuyển sàn giao dịch từ Hà Nội sang TP HCM hồi đầu tháng 8. Một phần nguyên nhân là các quy định về vốn và kết quả kinh doanh.

6. KLS - 530 triệu cổ phiếu

Đứng thứ 6 trong số các mã được giới đầu tư ưa chuộng nhất năm 2013, KLS có tổng khối lượng giao dịch 12 tháng qua trên 530 triệu cổ phiếu. Trong báo cáo tài chính 9 tháng, công ty niêm yết của KLS là Chứng khoán Kim Long có lãi sau thuế gần 98 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước còn lỗ hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn hơn 1.200 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền tại ngày 30/9.

80% doanh thu của Chứng khoán Kim Long đến từ tiền lãi gửi ngân hàng. Trong khi đó, doanh thu từ các mảng môi giới, tư vấn, lưu ký, tự doanh còn hạn chế và chỉ dao động trong khoảng vài trăm triệu cho đến hơn chục tỷ đồng.

Tổng khối lượng giao dịch mã KLS của Chứng khoán Kim Long trong năm qua lên tới hơn 530 triệu cổ phiếu. Ảnh: Nhật Minh
Tổng khối lượng giao dịch mã KLS của Chứng khoán Kim Long trong năm qua lên tới hơn 530 triệu cổ phiếu. Ảnh: Nhật Minh.

7. HQC - 500 triệu cổ phiếu

Tổng khối lượng giao dịch HQC của Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân trong năm 2013 đạt trên 500 triệu cổ phiếu. Suốt 12 tháng qua, mã này luôn duy trì độ tăng giá và mức thanh khoản ổn định ngay cả trong thời kỳ sụt giảm của thị trường chứng khoán. Từ đầu tháng 9 đến nay, HQC đã tăng 66%, lên 8.500 đồng một cổ phiếu.

Một phần thành công của mã này trên sàn chứng khoán đến tư thương hiệu và kết quả kinh doanh công ty niêm yết. Trong đó, lợi nhuận quý III của Địa ốc Hoàng Quân tăng đột biến hơn 14 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 15 tỷ đồng.

Thêm vào đó, ngày 17/11 vừa qua, Địa ốc Hoàng Quân vừa khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội HQC Plaza. Đây là dự án nhà ở thương mại chuyển sang xã hội đầu tiên ở TP HCM được tiếp cận vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Dự án này cùng những điểm sáng trong việc kinh doanh công ty được xem là nhân tố thu hút dòng tiền trên sàn chứng khoán vào cổ phiếu HQC.

8. PVT - 419 triệu cổ phiếu

Đa phần các nhà đầu tư và đầu cơ chọn cổ phiếu PVT của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí cho danh mục đều hưởng trọn vẹn thành quả từ sóng tăng của mã này. Giai đoạn tháng 5-11, PVT dậy sóng lớn với mức tăng trưởng thị giá lên đến 300%.

Về phía công ty niêm yết, có thể xem Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất ngành vận tải biển Việt Nam. Trong quý III, doanh nghiệp này lãi ròng gần 20 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lãi sau thuế gần 140 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2012.

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Dầu khí, hiện công ty cũng đầu tư cho các dự án lớn như hoàn thiện tàu FSO 105 DWT và mở rộng đội tàu phục vụ dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, lọc dầu Vũng Rô, lọc hóa dầu Dung Quất mở rộng làm tăng thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư.Cùng với đó, thị giá thấp và thời gian tích lũy kéo dài của PVT nửa đầu năm 2013 đã tạo tiền đề cho sự bùng nổ của giá cổ phiếu.

Đà tăng trưởng mã này được củng cố thêm khi FTSE Vietnam Index chọn vào danh mục trong kỳ điều chỉnh quý IV mới đây. Tin giá xăng dầu tăng chiều ngày 18/12 cũng là yếu tố tạo sức hấp dẫn của mã này cho nhà đầu tư. Tính chung cả năm 2013, khối lượng giao dịch của PVT đạt hơn 419 triệu cổ phiếu. Hiện nay, sau thời gian dài tăng giá, PVT giao dịch ở mức giá khoảng 12.000 đồng, được đánh giá là khá gần giá trị nội tại của công ty.

9. VCG - 405 triệu cổ phiếu

Cổ phiếu VCG của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được xem là có độ nhạy cao trên sàn Hà Nội. Tổng khối lượng giao dịch trong năm 2013 của VCG đạt trên 405 triệu cổ phiếu. Khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc, dòng tiền dường như ngay lập tức đổ vào mã này và ngược lại.

VCG tạo đáy ngày 19/9 tại giá 6.900 đồng khi quỹ ETF Market Vector cơ cấu lại danh mục và giảm tỷ trọng mã này. Sau đó, mã này như được thay máu, hồi phục và bắt đầu đà tăng trưởng cả về giá và khối lượng giao dịch mỗi phiên.

Doanh thu 9 tháng của công ty niêm yết VCG đạt trên 8,4 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế theo đó lên gần 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước còn gánh lỗ. Dù vậy, tại ngày 30/9, doanh nghiệp này vẫn còn khoản lỗ chưa phân phối trên 300 t ỷ đồng.

10. VND - 401 triệu cổ phiếu

Với khối lượng giao dịch trên 401 triệu cổ phiếu, VND của Công ty Chứng khoán VNDirect là một trong những cổ phiếu được giới đầu tư quan tâm nhất năm qua. Các thông tin tích cực cuối năm như đề xuất nới room cho khối ngoại, sự ổn định vĩ mô đã thu hút dòng vốn quay lại thị trường chứng khoán. Trong xu thế tăng điểm và sự sôi động giao dịch thị trường, kỳ vọng vào doanh thu môi giới chứng khoán, quỹ và tự doanh chứng khoán được củng cố. Chính điều này đã phát tín hiệu lạc quan cho các nhà đầu tư về việc kinh doanh của các công ty chứng khoán.

Trong khi 2 tháng đầu năm là thời kỳ thăng hoa của các cổ phiếu thì từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 9, chứng khoán rơi vào thời kỳ sụt giảm. Vào những tháng cuối năm 2013, thị trường dần hồi phục và sôi động trở lại với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về giá và khối lượng giao dịch thể hiện tín hiệu lạc quan cho một năm mới 2014.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG