'Lên sàn' Mỹ khó hay dễ?

'Lên sàn' Mỹ khó hay dễ?
Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) mới đây đã trở thành doanh nghiệp VN tiên phong “mang chuông đi đánh xứ người” tại thị trường chứng khoán Mỹ.
'Lên sàn' Mỹ khó hay dễ? ảnh 1

Ông Henry D.Fahman. Ảnh: TBKTVN

Ông Henry D.Fahman, Tổng giám đốc Providentical Holdings, Inc - Tập đoàn truyền thông tài chính của Mỹ - người đã có nhiều đóng góp cho cuộc “vượt rào” thành công của Cavico sẽ chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia thị trường chứng khoán Mỹ.

- Xin ông cho biết những lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ?

- Thị trường Mỹ có sức thanh khoản lớn nhất, do có lượng vốn đồ sộ. Bên cạnh đó, bản thân việc niêm yết trên thị trường này cũng là một thương hiệu đối với các doanh nghiệp trong việc thu hút giới đầu tư nước ngoài.

Tôi lấy ví dụ công ty Cavico, vốn chưa hề được biết đến trên thị trường Mỹ, nhưng sau khi niêm yết đã thu hút được khá nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng khác là các nhà đầu tư Mỹ đang rất chuộng các doanh nghiệp Việt Nam.

- Nhưng một thực tế là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, rất khó để đáp ứng được yêu cầu để niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ?

- Thị trường chứng khoán Mỹ chia ra khá nhiều cấp độ, với nhiều tầm cỡ, cho nhiều loại công ty có nhu cầu niêm yết.

Ngoại trừ thị trường New York (NYSE) hay NASDAQ (nơi chuyên niêm yết cổ phiếu về công nghệ cao) khá kén với các tiêu chí cao. Các thị trường còn lại như Pink Sheets hay OTC, các công ty Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu để niêm yết. Hiện nay Cavico cũng đang niêm yết tại thị trường Pink Sheets, cùng với hàng loạt công ty tên tuổi khác như Rolls Royce, Nestle, Heineken…

- Dù rất muốn, song nghĩa vụ về pháp lý của thị trường Mỹ vẫn là một gánh nặng quá lớn, cản trở các doanh nghiệp Việt Nam có ý định “lên sàn” Mỹ. Ông nghĩ gì về điều này?

- Thực tế là những quy định về pháp lý của Mỹ rất chặt chẽ. Tuy nhiên, về mặt văn bản giấy tờ, các doanh nghiệp cần làm cũng chỉ là hoàn thành đúng về mặt thủ tục. Điều tôi muốn chia sẻ là các doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ bài toán về lợi ích thu được trên thị trường Mỹ. Lợi ích có phải là mục đích chính hay không, hay là thông qua đây để hút vốn đầu tư.

Thị trường Mỹ đặc biệt đòi hỏi tính minh bạch cao, các bản cáo bạch, yêu cầu phải đúng, chính xác và đúng thời hạn. Lấy ví dụ đơn cử, một công ty của Mỹ nếu chậm trễ báo cáo tài chính hàng năm, sẽ được gia hạn thêm một tháng. Nhưng sau một tháng vẫn chưa hoàn thành, cổ phiếu của công ty này sẽ không được niêm yết nữa. Trong khi ấy, việc đưa ra báo cáo tài chính định kỳ có vẻ chưa được các công ty Việt Nam coi trọng đúng mức.

- Nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa nhiều công ty kiểm toán được cấp chứng nhận quốc tế, liệu đây có phải là khó khăn cho việc minh bạch hóa hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam?

- Thực tế không hẳn như thế vậy. Theo tôi được biết, Công ty kiểm toán Vaco Deloitte đã được chấp thuận theo tiêu chuẩn về công ty kiểm toán TCOP của Mỹ. Và hiện nay cũng có một số hãng kiểm toán trong nước đăng ký tiêu chuẩn TCOP của Mỹ. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện thì hoàn toàn có thể thuê các công ty kiểm toán trong nước chứng thực cho mình.

Theo TBKTVN

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.