VN-Index giảm, HNX-Index tăng nhẹ

VN-Index giảm, HNX-Index tăng nhẹ
TPO - Thị trường chứng khoán trong nước nỗ lực phục hồi trong phiên giao dịch thứ hai của tuần, nhưng do áp lực chốt lời vẫn còn cao nên chỉ số VN-Index chốt phiên mất điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng nhẹ.
VN-Index giảm, HNX-Index tăng nhẹ ảnh 1

Mặc dù chứng khoán thế giới phục hồi mạnh, nhưng nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn khá thận trọng

Thông tin về việc chứng khoán Mỹ đêm 10 - 5 phục hồi mạnh đã đóng vai trò tích cực hỗ trợ thị trường trong nước.

Sức mua tăng mạnh trở lại trong đợt khớp lệnh định kỳ mở cửa, giúp nhiều cổ phiếu tăng qua mức tham chiếu, thậm chí tiến sát giá trần. Kết thúc đợt này, VN-Index tăng 3,47 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số chính trên sàn HOSE có dấu hiệu suy yếu do áp lực bán ra tiếp tục gia tăng trong đợt khớp lệnh liên tục.

Diễn biến thị trường khá giằng co giữa bên mua và bên bán, khiến chỉ số VN-Index dao động trong biên độ hẹp. Càng về sau, cầu tỏ ra yếu thế, đẩy VN-Index giảm nhẹ 0,02 điểm vào giờ đóng cửa.

Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục giảm sàn: ACL, BAS, BTP, BTT, CII, CTI, DHC, DIC, PTT, DXV, GTA, HAS, PNC, SGT, TSC, UIC, VES, VFC, VNL…

Nhóm blue-chip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, có dấu hiệu chuyển biến tích cực. EIB và VCB đứng giá tham chiếu, trong khi CTG và STB tăng nhẹ lần lượt là 100 đồng và 300 đồng. KBC sau nhiều lần tăng giảm, chốt phiên tăng 500 đồng lên 57.000 đồng/cổ phần.

HAG, REE, VNM tăng từ 500 đồng đến 1.500 đồng, SSI giảm 200 đồng còn 41.000 đồng. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền chia thưởng cổ phiếu tỉ lệ 3:1 của FPT (công ty cổ phần FPT). Chốt phiên, giá FPT bị pha loãng còn 64.000 đồng/cổ phiếu.

Toàn sàn HOSE có 97 mã tăng, 92 mã giảm và 40 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 69 triệu đơn vị, trị giá hơn 2,3 nghìn tỷ. Chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,02 điểm còn 534,36 điểm.

Toàn sàn HNX có 116 mã tăng, 154 mã giảm và 20 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 48 triệu đơn vị, trị giá hơn 1,7 nghìn tỷ. Chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,73 điểm lên 182,43 điểm.

Đáng chú ý là nhiều mã cổ phiếu tăng hết biên độ và vẫn còn dư mua giá trần khá cao như: DRC (dư mua trần hơn 253 nghìn đơn vị), MHC (dư mua trần hơn 229 nghìn đơn vị), VPK (dư mua trần hơn 236 nghìn cổ phần)…

Một số penny-stock vẫn tăng mạnh, bất chấp thị trường mất điểm mạnh trong hai phiên liền trước, tiêu biểu như VKP (của công ty cổ phần nhựa Tân Hóa) tăng trần phiên thứ bảy liên tiếp, trong khi VPK (Công ty Cổ phần bao bì dầu thực vật) tăng trần phiên thứ tư.

Thanh khoản trên sàn giao dịch thành phố Hồ Chí Minh phiên này giảm trở lại. SSI dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt trên 3,6 triệu đơn vị, tiếp theo là các mã PVT, STB, OGC, VNE, TCM, VHG, SBT, PVF.

Trên sàn giao dịch Hà Nội, dù HNX-Index tăng mạnh trong thời gian đầu, nhưng cũng suy yếu lại vào cuối phiên và đóng cửa chỉ tăng nhẹ.

PVX và PVS tiếp tục tăng trần và dư mua trần khá cao: PVS dư mua trần hơn 243 nghìn đơm vị và PVX hơn 2,3 triệu đơn vị.

Thanh khoản trên sàn HNX cũng giảm mạnh. Top năm mã được giao dịch nhiều nhất là: APS (hơn 1,6 triệu cổ phần), PVS (hơn 1,5 triệu cổ phần), tiếp theo là KLS, PVX, VCG.

Chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch đêm 10 - 5 phục hồi mạnh sau khi có tin các nhà hoạch định chính sách châu Âu công bố sẽ chi tổng cộng gần 1.000 tỉ USD để giúp các quốc gia trong khu vực giảm bớt gánh nặng nợ nước ngoài và duy trì tốc độ tăng trưởng của EU. Chỉ số S&P 500 đóng cửa tăng 4,4% lên 1.159,73 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 3,9%, đạt 10.785,14 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Euro 600 của khu vực phục hồi 7,2%, đạt 254,14 điểm - mức tăng mạnh nhất trong 17 tháng. Chỉ số MSCI của khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng tăng trở lại lần đầu tiên trong tuần, đạt 120,14 điểm vào giờ đóng cửa chiều ngày 10 - 5.

MỚI - NÓNG