Ðiều gì làm nên tên tuổi Tư vấn giám sát Thăng Long?

Lãnh đạo TVGS Thăng Long kiểm tra hiện trường dự án QL1 qua tỉnh Thanh Hóa.
Lãnh đạo TVGS Thăng Long kiểm tra hiện trường dự án QL1 qua tỉnh Thanh Hóa.
TP - Tư vấn giám sát (TVGS) được coi như người thầy của nhà thầu trên cả hai phương diện: Giỏi về chuyên môn; chuẩn mực về trách nhiệm, đạo đức. Ðiều đó, nói dễ, làm được triệt để vô cùng khó. Tên tuổi của Cty Cổ phần TVGS Chất lượng Công trình Thăng Long (TVGS Thăng Long) có được hôm nay là chặng đường dài vượt qua những điều khó khăn đó.

Ðội ngũ hùng hậu

TVGS Thăng Long tiền thân là Trung tâm TVGS chất lượng công trình được thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), thành lập năm 1996. Năm 2007, Trung tâm chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, chuyên về TVGS, tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, thí nghiệm và kiểm định chất lượng công trình giao thông.

Ðến nay, TVGS Thăng Long đã tham gia hàng trăm dự án lớn nhỏ trên cả nước. Ðặc biệt, tại Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Thanh Hóa tới Cần Thơ, công ty được Bộ GTVT giao làm TVGS tại 10 đoạn tuyến. Công ty cũng giám sát toàn bộ quá trình thi công hạ tầng kỹ thuật Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và nhiều hạng mục của Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu...

Ghi nhận những đóng góp đó, năm 2014, TVGS Thăng Long vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng 3. Trong 3 năm liên tiếp từ khi Bộ GTVT xếp hạng các đơn vị TVGS (từ 2012-2014), công ty luôn được xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng; ngang hàng với những đơn vị TVGS lớn, lâu năm và viện nghiên cứu trong ngành.

TVGS là ngành kinh tế tri thức nên tài sản lớn nhất chính là con người, là uy tín của công ty. Với TVGS Thăng Long, chặng đường 20 năm hình thành và phát triển đã tập hợp được đội ngũ cán bộ giỏi, nhiều kinh nghiệm. Ðến nay, toàn công ty có đến 270 thạc sỹ kỹ sư; trong đó có 250 cán bộ có chứng chỉ giám sát công trình xây dựng (một kỹ sư phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm trong nghề mới được cấp chứng chỉ). Ðó là lực lượng đáng nể trong ngành TVGS Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc TVGS Thăng Long cho hay: “Ngay cả giai đoạn 2011-2012, khi nhiều công trình giao thông bị dừng, giãn tiến độ, những kỹ sư giỏi vẫn không rời bỏ công ty. Ðó là kết quả của việc chúng tôi biến công ty thành ngôi nhà thứ hai của họ. Và chúng tôi liên tục kêu gọi những người giỏi, có kinh nghiệm về dưới mái nhà chung này”.

Phân định trách nhiệm, trau dồi đạo đức

Các kỹ sư tư vấn hoạt động trên các công trường xa xôi, những cám dỗ về vật chất rất dễ phát sinh. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề tối quan trọng. Với TVGS Thăng Long, việc phòng ngừa tiêu cực đã được đặc biệt coi trọng.

Ông Nguyễn Duy Anh cho biết, ngoài tuyên truyền vận động, biện pháp phòng ngừa đang được công ty áp dụng là cách thức quản lý chuyên nghiệp (hiện công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008). Trong đó, trách nhiệm của từng khâu, từ Tổng giám đốc đến các phó tổng giám đốc, trưởng phòng, tư vấn trưởng dự án và giám sát viên hiện trường được phân định rõ ràng. “Khi tiến hành một thủ tục, chúng tôi luôn yêu cầu phải có tờ trình ghi rõ nội dung trình và chữ ký của người trình. Ðó không chỉ là vấn đề thủ tục mà còn là cách để gắn trách nhiệm từng người, phòng ngừa vi phạm; khi vi phạm dễ xác định người chịu trách nhiệm”. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, TVGS Thăng Long luôn mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của từng dự án theo quy định, đời sống cán bộ CNV được nâng cao, quyền lợi của các cổ đông được đảm bảo.

Ngày nay, kỹ thuật và kỷ luật thi công dự án giao thông đã tiến những bước dài; sự cạnh tranh giữa các đơn vị TVGS ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó lại là lợi thế của một đơn vị có bề dày 20 năm chỉ chuyên và “yêu” một nghề như TVGS Thăng Long. Ngoài việc tự thực hiện các hợp đồng giám sát, TVGS Thăng Long cũng là địa chỉ tin cậy để cung ứng kỹ sư tư vấn cho các công ty TVGS nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc.

TVGS có yêu cầu cao về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp nhưng chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng. Hiện chi phí cho TVGS ở Việt Nam chiếm khoảng 1% tổng mức đầu tư dự án; trong khi, ở các nước phát triển, khoản mục này chiếm 2-3%. Thu nhập của cán bộ TVGS Nhật Bản tại Việt Nam khoảng 300 - 400 triệu đồng/tháng; trong khi, lương cán bộ TVGS nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

MỚI - NÓNG