An toàn bay không phải chuyện của thị phần

An toàn bay không phải chuyện của thị phần
TP - Trong bối cảnh thị trường hàng không phát triển nóng, Tổng GĐ Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành khẳng định, Hãng luôn giữ vững nguyên tắc an toàn là số một, không đánh đổi với bất cứ điều gì.

Nội dung này được Tổng GĐ VNA đưa ra tại Hội nghị Bảo hiểm Hàng không quốc tế do Cty môi giới tái bảo hiểm Willis Towers Watson và Hiệp hội các hãng hàng không khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) tổ chức mới đây tại Singapore. Tại đây, ông Dương Trí Thành có cuộc trao đổi với Tổng GĐ AAPA Andrew Herdman về định hướng của VNA.

Tăng nóng, không đánh đổi an toàn

Hơn 20 năm qua, thị trường hàng không Việt Nam phát triển vượt bậc; 5 năm lại đây, khách nội địa tăng 3 lần, khách quốc tế tăng hơn 45%. Dân số trẻ quy mô 94 triệu, sự cởi mở trong cơ chế, chính sách và sự chú trọng đầu tư của chính phủ vào hạ tầng đã tạo điều kiện cho ngành hàng không cất cánh.

Dù vậy, ông Thành chỉ ra, bên cạnh vận hội to lớn còn nhiều thách thức không nhỏ. Trước ý kiến cho rằng thị trường phát triển nóng ảnh hưởng đến an toàn bay do chất lượng đào tạo hay chất lượng giám sát quản lý của chính phủ không kịp đáp ứng, ông Thành chia sẻ: VNA luôn giữ vững nguyên tắc an toàn là số một trong mọi hoạt động của Hãng và khẳng định không đánh đổi nguyên tắc này với bất cứ điều gì.

“Việc đầu tiên tôi làm khi bắt đầu một ngày là đọc báo cáo về tình trạng an toàn. Hàng tuần, chúng tôi có báo cáo kết quả hoạt động từ các Tổ Công tác An toàn (SAG 1,2,3), bao gồm hoạt động khai thác trên không, mặt đất và kỹ thuật. Chất lượng, sự tập trung và cam kết trong công việc là điều mà chúng tôi cho là quan trọng nhất. Đảm bảo an toàn đã trở thành một nét văn hoá ở VNA” – ông Thành nói.

Năm 2008, VNA là đơn vị đầu tiên của ngành hàng không Việt Nam áp dụng Hệ thống quản lý an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, sau này được Cục hàng không dân dụng triển khai rộng rãi cho Tổng công ty cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay và các hãng hàng không trong nước.

Các công nghệ tiên tiến hàng đầu được VNA đầu tư và áp dụng. Trong đó, VNA ký các hợp đồng với Boeing, Airbus để sử dụng các ứng dụng AHM (Aircraft Health Monitoring), AirMan theo dõi thông tin về “sức khỏe” kỹ thuật của từng hệ thống, thiết bị trên tàu bay; ký hợp đồng với NSX động cơ cho ứng dụng ADEM, GE diagnostic, Rolls Royce theo dõi các thông số hoạt động của động cơ.

Vì vậy, tàu bay của VNA luôn được theo dõi theo thời gian thực 24/7. Từng hệ thống, thiết bị trên tàu bay được các chuyên gia đánh giá, phân tích dựa trên dữ liệu thu thập được và đưa ra các dự đoán xu hướng hỏng hóc hay các hỏng hóc tiềm ẩn. Các tàu bay của VNA khi có hỏng hóc được đánh giá, xác định nguyên nhân nhanh chóng, khắc phục kịp thời, giảm thiểu việc chậm và hủy chuyến. Công tác chuẩn bị vật tư, khí tài được thực hiện chủ động, nhanh chóng tại các sân bay.

Tàu bay tốt, đúng giờ, giảm tiền bảo hiểm

“Đối với chúng tôi, an toàn là mục tiêu chung của ngành, không phải là vấn đề cạnh tranh. Chúng tôi chia sẻ nhiều kinh nghiệm, thậm chí với các đối thủ. Jetstar Pacific, công ty con của VNA vận hành theo tiêu chuẩn của Úc một cách độc lập nhưng chúng tôi cũng chia sẻ rất nhiều thông tin với nhau”.

Trong giai đoạn 2007-2016, đơn giá bảo hiểm của thị trường hàng không thế giới giảm trung bình 12%/năm; riêng VNA giảm gần 30%/năm, đặc biệt là phí bảo hiểm tàu bay giảm 50% trong 5 năm gần đây. Điều đó chứng tỏ việc dẫn đầu về an toàn khai thác tàu bay ở Việt Nam trong suốt 10 năm qua đã giúp hãng tăng độ tin cậy với công ty bảo hiểm.

Việc bảo dưỡng các máy bay, đảm bảo an toàn mà vẫn không ảnh hưởng tới chi phí là một thách thức không nhỏ. Để làm điều đó, VNA phát triển một bộ phận bảo dưỡng “in house” – Cty Kỹ thuật máy bay VAECO. Đây là doanh nghiệp VNA nắm 100% cổ phần, đã nhận chứng chỉ bảo dưỡng FAR-145 của Cục Quản lý Hàng không Liên bang Hoa Kỳ năm 2011, mới đây là chứng chỉ EASA-145 của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu. VAECO có khoảng 3.000 kỹ sư, thợ máy, cung cấp dịch vụ cho một số khách hàng lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar và một vài nước khác.

VNA không chỉ bảo dưỡng khung máy bay và bảo dưỡng trực tuyến, mà tiếp tục phát triển theo hướng bảo dưỡng các linh kiện và các công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Hãng sẽ tự phát triển, nhưng luôn sẵn sàng hợp tác với các đối tác nước ngoài có đủ khả năng hoặc nhà cung ứng chuyên nghiệp.

VNA coi việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là trọng tâm trong giai đoạn mới. Hãng đã đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm đào tạo kỹ thuật VAECO, Trung tâm Huấn luyện Bay và trường Phi công Bay Việt, bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế lớn, nhiều kinh nghiệm như Airbus, Boeing hay học viện Airline Pilot Academy của Úc.

Đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh trong môi trường cạnh tranh ngày một gay gắt, việc quản lý chi phí một cách thông minh mà vẫn đáp ứng nhu cầu của khách hàng sẽ là định hướng phát triển của VNA trong thời gian tới. Ông Thành khẳng định vẫn phát triển chú trọng dịch vụ truyền thống (full services) trong khi duy trì hiện diện tại thị trường hàng không giá rẻ với việc đầu tư vào Jetstar Pacific Airlines.

Năm 2010 ban lãnh đạo VNA nhận thấy hàng không giá rẻ không chỉ là một hiện tượng tức thời mà là xu thế phát triển chung tất yếu của ngành. Bởi, một số khách vẫn chuộng dịch vụ truyền thống đậm nét đặc trưng văn hoá châu Á, trong khi một số nhạy cảm về giá và có những đối tượng hội đủ cả hai. “Chúng tôi sẽ phát triển theo kiểu hỗn hợp, một số dịch vụ truyền thống trên các đường bay ngắn sẽ được giảm bớt và dịch vụ chi phí thấp sẽ được đưa vào để đáp ứng nhu cầu khách hàng” – Tổng GĐ VNA cho hay.

MỚI - NÓNG