Bàn cách đón đại bàng

Nguồn nhân lực chất lượng là một trong những điều kiện thu hút DN FDI lớn. Ảnh: Becamex
Nguồn nhân lực chất lượng là một trong những điều kiện thu hút DN FDI lớn. Ảnh: Becamex
TP - Mỗi năm có hàng nghìn lượt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Trong bối cảnh, dòng vốn đầu tư dịch chuyển đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam có nhiều lợi thế để tiếp tục thu hút các đại dự án FDI. Giữa vòng xoáy dịch chuyển của dòng vốn FDI đang diễn ra, Việt Nam làm gì để đón được “đại bàng”?  

Hàng loạt ông lớn công nghệ “nhòm ngó” Việt Nam

Đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy chưa từng có trong lịch sử. Dòng vốn FDI cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Tại hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, chuyên gia đánh giá, đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí về mức âm.

Trong khi đó, dòng vốn FDI 9 tháng đầu năm 2020 vào Việt Nam đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 13,8 tỷ USD, chỉ giảm 3,2% so với cùng kỳ 2019. Điều này cho thấy mức giảm của Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Điều này chứng tỏ mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt.

Bàn cách đón đại bàng ảnh 1 TS Nguyễn Đình Cung

Việc hoạt động ổn định cũng là tiền đề để nhiều ông lớn FDI đang rục rịch chuyển chuỗi giá trị sản xuất lựa chọn Việt Nam là một trong những “địa điểm” đặt lên bàn cân xem xét. Tiêu biểu, đầu năm 2020, Tập đoàn Apple có nhiều cuộc làm việc với các địa phương, doanh  nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam để tìm hiểu cơ hội dịch chuyển sản xuất như tại Bắc Giang.

“Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau. Chúng ta gọi đó là “chính sách may đo”. Đây là cuộc chơi cùng thắng cho cả hai và chúng ta phải hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư”.


TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương 

Trong tháng 7/2020, Chính phủ Nhật Bản thông báo, sẽ hỗ trợ 15 doanh nghiệp chuyển nhà máy sản xuất đến Việt Nam. Đa số DN này đều đã có các nhà máy sản xuất hiệu quả tại Việt Nam, tạo được thương hiệu như Cty HOYA, Tập đoàn Matsuoka…

Đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư, Chính phủ ngay lập tức thành lập Tổ công tác đặc biệt thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổ công tác đặc biệt đã tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp lớn, có điều kiện phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam. Là một thành viên của Tổ công tác đặc biệt, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán với Tổ công tác đặc biệt về việc đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, các doanh nghiệp này đề nghị giữ bí mật thông tin dự án.

Bàn cách đón đại bàng ảnh 2 Nhà máy xử lý nước thải tập trung – một trong các yếu tố quan trọng trong KCN. Ảnh: Becamex

“Chúng ta có thị trường gần 100 triệu dân. Nhờ yếu tố như nguồn lực lao động trẻ dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cải cách thủ tục hành chính đang quyết liệt, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới đang rộng mở. Vị trí trung tâm Đông Nam Á, giao thông nhộn nhịp cũng giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án đúng với mục tiêu của chúng ta đặt ra”, ông Hoàng cho biết.

Cần chính sách “may đo” cho từng DN

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới ban hành nhiều chính sách mạnh mẽ lôi kéo các nhà đầu tư, Việt Nam cần có giải pháp đột phá. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau.

“Chúng ta gọi đó là “chính sách may đo”. Đây là cuộc chơi cùng thắng cho cả hai và chúng ta phải hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư”, ông Cung kiến nghị.

 Là cơ quan chuyên trách của Chính phủ trong thu hút FDI, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) khẳng định, quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Bộ KH&ĐT là có hành động, cách làm đột phá trong thu hút FDI, chứ không đi theo lối mòn cũ. Theo đó, Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp như: chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính… Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao.

Bàn cách đón đại bàng ảnh 3 Nhiều KCN hiện đại được xây dựng để sẵn sàng chào đón “đại bàng” FDI. Ảnh: Becamex 

“Bộ KH&ĐT dự thảo gói ưu đãi đặc biệt này và đang xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, để cập nhật thông tin về các chính sách mới, trả lời những mối băn khoăn của nhà đầu tư”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã có nhiều cuộc tọa đàm trực tuyến với lãnh đạo cấp cao các tập đoàn lớn trên thế giới để trao đổi, hỗ trợ kế hoạch đầu tư của các tập đoàn tại Việt Nam. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam làm việc. Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên thế giới, hàng chục nghìn chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài được tạo điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam làm việc để duy trì sản xuất kinh doanh. 

“Chúng tôi đã tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, để cập nhật thông tin về các chính sách mới, trả lời những mối băn khoăn của nhà đầu tư”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

MỚI - NÓNG