Sở Công Thương Gia Lai

Bước phát triển đột phá

Dự án điện mặt trời ở Gia Lai
Dự án điện mặt trời ở Gia Lai
Trong bối cảnh phải đối mặt với sự ảnh hưởng bất lợi, khó khăn, thách thức trong nước, trên thế giới và trong tỉnh, đặc biệt là sự ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, dịch COVID-19... Song, ngành Công Thương Gia Lai giai đoạn 2016-2020 đã tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2015-2020) đã đề ra.

Doanh thu vượt bậc

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng, năm 2019 đạt hơn 21,1 nghìn tỷ đồng, kế hoạch năm 2020 đạt hơn 22,9 nghìn tỷ đồng, tốc độ bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 8,58%, vượt chỉ tiêu kinh tế xã hội và chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XV đề ra.Có được kết quả trên là nhờ thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho các loại cây trồng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến phát triển tốt, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến (đường, sắn, chè...). Cùng với đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện nhiều nên các nhà máy thủy điện trên địa bàn phát huy được công suất. Đặc biệt, các nhà máy lớn đầu tư mới, nâng công suất nhà máy đi vào hoạt động như Nhà máy đường An Khê (công suất từ 12 nghìn tấn mía/ngày lên 18 nghìn tấn mía/ngày), các nhà máy mới đi vào hoạt động như Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ia Pa (công suất 150 tấn tinh bột/ngày), Nhà máy nhiệt điện sinh khối An Khê (110MW), Nhà máy điện mặt trời Krông Pa (49MW)...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 342 triệu USD, 2017 đạt 450 triệu USD, 2018 đạt 470 triệu USD, 2019 đạt 500 triệu USD, ước 2020 đạt 580 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nông sản (cà phê, cao su, sắn lát, tiêu, sản phẩm gỗ...), các sản phẩm này đã có mặt trên thị trường gần 40 quốc gia, trong đó một số ngành đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Như vừa qua có sản phẩm cà phê và chanh dây xuất khẩu qua Châu Âu. Đây là hai lô hàng đầu tiên của tỉnh Gia Lai được xuất khẩu qua thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.  Về nhập khẩu, năm 2016 đạt 167 triệu USD, 2017 đạt 131 triệu USD, 2018 đạt 99 triệu USD, 2019 đạt 95 triệu USD, 2020 ước đạt 90 triệu USD với hàng hóa chủ yếu nông sản (sắn lát, hạt điều), gỗ các loại, cao su tự nhiên, trái cây.

Đột phá chiến lược

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Văn Bình - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, Sở đã và đang thực hiện nhiều phương án đột phá cho giai đoạn sắp tới. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Cùng với đó là cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý điều hành góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Công Thương Gia Lai.

Đặc biệt, thực hiện các giải pháp “đột phá” để phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại đồng bộ. Cụ thể, UBND tỉnh cũng đã và đang xem xét cho một số nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời), giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở ngành liên quan kiểm tra, đề xuất trình hồ sơ bổ sung quy hoạch. Hiện UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 41 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh với tổng công suất dự kiến khoảng 5.567 MWp.

Đối với các dự án điện gió, UBND tỉnh cũng đã có văn bản cho phép một số nhà đầu tư được khảo sát sơ bộ để xác định diện tích, quy mô dự kiến lập hồ sơ bổ sung quy hoạch một số dự án điện gió. Hiện UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho phép 89 dự án triển khai khảo sát, đo gió để nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất dự kiến khoảng 13.552MW².

Trên địa bàn tỉnh có 22 dự án thủy điện với tổng công suất dự kiến khoảng 184,6MW đang được các nhà đầu tư đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng. Tỉnh có 2 dự nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất 144,6MW đã đi vào vận hành, bao gồm Nhà máy điện sinh khối Ayun Pa với quy mô công suất 34,6MW và Nhà máy điện sinh khối An Khê với tổng quy mô công suất 110MW. Địa bàn tỉnh còn có 49 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2.246,15M, 3 dự án thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 25,6MW.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã quy hoạch 16 cụm công nghiệp, sắp tới Sở Công Thương Gia Lai sẽ tăng cường thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng nông thôn phát triển. Cùng với đó thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, tăng cường cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm và mở rộng phát triển thị trường, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện ứng dụng thương mại, điện tử vào sản xuất kinh doanh và bắt kịp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian qua Sở Công thương Gia Lai đã tham gia 23 chương trình kết nối cung cầu tại các tỉnh thành trên cả nước. Cùng với đó, đơn vị này đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam - Gia Lai năm 2019 với 233 doanh nghiệp của 24 tỉnh thành trong khu vực và ngoài khu vực miền Trung Tây Nguyên. Cùng với đó tham mưu UBND tỉnh cho triển khai thí điểm máy bán hàng tự động tại một số địa điểm trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố Pleiku để phục vụ nhân dân, đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án. Sở Công Thương Gia Lai cũng đề xuất cho Công ty CP hợp tác quốc tế TKV Holdings (thành phố Hồ Chí Minh) khảo sát, lập đề xuất dự án xây dựng Chợ đầu mối quốc tế tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai) với quy mô dự án 50 triệu USD. 

Bước phát triển đột phá ảnh 1 Dự án điện gió trên địa bàn huyện Chư Prông, Gia Lai
Bước phát triển đột phá ảnh 2  
MỚI - NÓNG