Các DN phải tăng dự trữ tối thiểu gas đạt 15 ngày

Các DN phải tăng dự trữ tối thiểu gas đạt 15 ngày
TP - Chỉ trong tháng 9/2007, giá gas đã đắt thêm khoảng 20.000đồng/bình. Sang đến tháng 10, giá gas Shell đã tăng thêm 29.000 đồng lên 229.000 đồng/bình 12 kg.

Tới đây, theo tính toán của một số Cty kinh doanh gas, với mức giá nhập khẩu hiện tại, giá gas bán lẻ tháng 11 có thể vẫn phải tăng 5.000đồng/bình 12kg. Lý do bởi trước đó, để tính ổn định giá gas, các DN  kinh doanh gas đã kiến nghị giảm thuế xuống còn 0%.

Tuy nhiên đề nghị này chỉ được Bộ Tài chính đáp ứng với mức giảm thuế  nhập khẩu khí hóa lỏng từ 5% xuống còn 2% - “Chưa xứng với mức giá nhập khẩu tăng”- Các nhà kinh doanh gas giải thích.

Theo Bộ Tài chính, hiện trong nước có khoảng 100 Cty kinh doanh khí hóa lỏng, trong đó có 4 đơn vị chiếm thị phần lớn (khoảng 40%), gồm: Cty CP Gas Petrolimex (Petro Gas chiếm 13%); Cty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro-chiếm trên 8%); Cty CP Gas miền Bắc (PVGas North-chiếm trên 10%); Cty CP Gas miền Nam (PVGas-chiếm 8%).

Gas được cung câp từ 2 nguồn nhập khẩu trực tiếp (khoảng trên 60%) và nguồn mua trong nước từ Nhà máy Chế biến khí Dinh Cố (khoảng gần 40%).

Kết quả kiểm tra tại 4 DN lớn vừa qua cho thấy việc điều chỉnh giá bán gas trong nước đều phản ánh tương ứng sự biến động tăng/giảm của giá gas trên thị trường thế giới, không có hiện tượng tăng giá tùy tiện. Tuy nhiên, chi phí lưu thông của các Cty này vẫn là điều đáng bàn.

Tùy theo đặc thù của từng miền và đặc điểm mạng lưới chi phí lưu thông 6 tháng đầu năm 2007 của mỗi DN cũng khác nhau. Trong đó, cùng ở miền Bắc, chi phí lưu thông của Cty CP Gas Petrolimex chiếm 12,65% doanh số (tăng 0,64% so với năm 2006), còn Cty CP Kinh doanh gas miền Bắc chiếm 10,16% doanh số (giảm 077% so với 2006).

Cùng ở miền Nam, chi phí lưu thông của Cty CP Gas Petrolimex chiếm 7,54% doanh số, trong khi Cty CP Kinh doanh Gas miền Nam chiếm 7,03%; Cty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh là 7,9%.

Mặc dù các DN đều “kêu” về những khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao, nhưng 6 tháng đầu năm 2007, lợi nhuận của các Cty này đều có xu hướng tăng so với cùng thời kỳ năm 2006.

Để bình ổn mặt hàng này, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng tới đây rất cần quy định điều kiện nhập khẩu gas (chỉ cho phép các công ty có đủ năng lực về kho cảng, dây chuyền chiết nạp gas có công suất lớn, có mạng lưới phân phối, hệ thống cửa hàng, xe bồn... mới được phép là Cty đầu mối nhập khẩu gas).

Các Cty nhỏ khác có thể làm đại lý phân phối, sang chiết nạp gas thuê cho các Cty đầu mối. (Theo đó, chỉ nên có khoảng 7 đơn vị nhập khẩu). Đồng thời, cần quy định dự trữ lưu thông bình quân bắt buộc đối với các công ty đầu mối nhập khẩu gas tối thiểu phải đạt 15 ngày.

Hiện tại, việc tồn kho lưu thông gas bình quân của 4 DN lớn nói trên chỉ đảm bảo từ 5- 15 ngày (các Cty đóng và kinh doanh ở địa bàn phía Nam dự trữ lớn hơn các Cty ở phía Bắc). Do vậy, DN hoàn toàn bị động khi gặp phải những thay đổi bất ngờ từ thị trường trong nước và quốc tế.

MỚI - NÓNG