Ông Tim Aman, Phó Tổng Giám đốc kiểm toán KPMG Việt Nam:

“Các khoản vay của Vinashin có lợi thế”

“Các khoản vay của Vinashin có lợi thế”
TP - Ngày 10/10, KPMG - tổ chức kiểm toán độc lập quốc tế tiếp tục được Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin tái chỉ định kiểm toán.
“Các khoản vay của Vinashin có lợi thế” ảnh 1
Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (Quảng Ngãi) đang tiến hành đóng mới tàu chở dầu 104.000 tấn. Đây là 1 trong 5 chiếc tàu vận chuyển dầu thô theo hợp đồng đóng mới giữa Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất và Tổng Công ty CP vận tải dầu khí phục vụ vận chuyển dầu thô cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất  -  Ảnh: Thanh Long

Tại lễ ký kết hợp đồng kiểm toán năm 2008, ông Tim Aman - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH KPMG và ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Vinashin đã trao đổi với báo giới xung quanh tình hình tài chính và đầu tư của Vinashin.

Khác với lo ngài  của một vài chuyên gia Việt Nam, KPMG lại đưa ra những nhận định khả quan về tình hình tài chính cũng như khả năng phát triển của Vinashin. Tiền phong lược ghi một số nội dung cuộc trao đổi.

Sau khi kiểm toán,  KPGM đánh giá ra sao về khả năng trả nợ vay của Vinashin?

Ông Tim  Aman: Trước hết việc Vinashin bắt đầu thuê KPMG  kiểm toán độc lập từ năm 2006 đã có thể thấy Vinashin thực sự quan tâm đến hiệu quả tài chính.  Sự hỗ trợ minh bạch về tài chính thông qua kiểm toán độc lập sẽ giúp các nhà đầu tư, đối tác và bản thân  Vinashin có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.

Hiện nay Vinashin được đánh giá là tập đoàn kinh tế lớn. Tốc độ tăng trưởng của Vinashin trong năm 2007 là 60%. Vinashin đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm chất lượng. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng phát triển trong những năm tới của Vinashin khả quan.

Thực chất các nguồn vốn vay đầu tư của Vinashin đều dài hạn, lãi suất thấp. Trong bối cảnh thị trường vốn căng thẳng như hiện nay đây là một lợi thế hơn hẳn.

Mặt khác, Vinashin cũng rất chú trọng hiệu quả đầu tư, kinh doanh  thể hiện bằng  cố gắng áp dụng cơ chế quản lý tài chính, nhân sự theo  tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy khả năng phát triển hiệu qủa trong thời gian tới khả quan.

Ngoài kiểm toán độc lập  KPMG còn tư vấn cho Vinashin về rủi ro và quản lý dòng vốn?

Ông Tim Aman: Việc Vinashin quan tâm và hợp đồng với KPMG về  tư vấn quản lý tài chính , quản lý rủi ro chứng tỏ Vinashin rất coi trọng  tính hiệu quả trong đầu tư cũng như kinh doanh. Đây cũng là một nền tảng để phát triển trên thị trường quốc tế. Chúng tôi nhận thấy Vinashin đang có những  thay đổi về bộ máy quản lý, bổ nhiệm lãnh đạo, cơ chế điều hành... theo hướng tích cực quan tâm đến hiệu quả tài chính. 

Kết quả kiểm toán của KPMG với Vinashin tính đến 31/12/2007: Tổng tài sản của tập đoàn là 81.000 tỷ đồng (năm 2006 là 55.000 tỷ đồng), nguồn vốn chủ sở hữu là 6.000 tỷ đồng (năm 2006 là 3.000 tỷ đồng ) doanh thu bán hàng là 21.000 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính là 3.800 tỷ đồng (năm trước tương ứng là 11.700 tỷ và 2.100 tỷ), lợi nhuận sau thuế là 721 tỷ đồng (năm 2006 là 453 tỷ đồng).

Vinashin là một DNNN vậy kiểm toán nhà nước vẫn thực hiện kiểm toán của DN? Liệu kết quả kiểm toán của hai đơn vị này có trùng nhau?

Ông Phạm Thanh Bình:  Về cơ bản chắc sẽ giống nhau. Tuy nhiên KPMG thực hiện kiểm toán giúp Vinashin minh bạch về tài chính với các nhà đầu tư, đối tác, hỗ trợ Vinashin quản trị tài chính, quản lý rủi ro. Đây được xem như chứng chỉ về năng lực tài chính của Vinashin với thị trường quốc tế . Còn kiểm toán nhà nước là để quản lý một DN trực thuộc. Chúng tôi muốn huy động vốn trên thị trường quốc tế nhất định phải có kết quả kiểm toán của một tổ chức kiểm toán quốc tế độc lập .

Được biết trong một thời gian ngắn Vinashin đã đầu tư với tốc độ quá nóng, vay vốn của nhiều ngân hàng nước ngoài. Các khoản vay nước ngoài này ghi nợ cho  Vinashin hay Chính phủ?

Ông Phạm Thanh Bình: Tất nhiên các khoản nợ này đều ghi nợ cho Vinashin, không có khoản nào Chính phủ bảo lãnh. Năm 2006, Vinashin đã phát hành 600 triệu USD trái phiếu nước ngoài thành công cũng dựa trên uy tín của Vinashin thông qua kết quả kiểm toán của KPMG.

Các nhà đầu tư quốc tế dựa trên  kết quả kiểm toán từ một kiểm toán quốc tế độc lập, có uy tín  đánh  giá hệ số tín nhiệm của DN.  Ngay cả khoản 750 triệu USD là do Chính phủ phát hành trái phiếu nước ngoài sau đó cho Vinashin vay lại chứ cũng không phải Vinashin vay trực tiếp với sự bảo lãnh của Chính phủ.

Kế hoạch phát hành tiếp 400 triệu USD trái phiếu nước ngoài của Vinashin cụ thể như thế nào?

Ông Phạm Thanh Bình: Hiện Vinashin đang tiến hành công tác chuẩn bị. Khả năng tháng 1/2009 sẽ phát hành.

Hiện có ý kiến cho rằng vốn chủ sở hữu của Vinashin quá thấp so với tổng tài sản. Điều này cũng thể hiện ở kết quả kiểm toán. Năm 2007 tổng tài sản của Vinashin là 81.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 6.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Bình: Đây là một trong những “sự hiểu lầm” do nguyên tắc hạch toán. Trong quá trình đầu tư Vinashin phải trả nợ vốn vay hàng năm. Vốn trả nợ này thực chất đã  là tài sản của Vinashin song do chưa quyết toán dự án nên vẫn được ghi là nợ.

Nếu tính cụ thể các khoản nợ đã trả nhưng chưa được coi là vốn chủ sở hữu mà vẫn “treo” thì cuối năm 2007 vốn chủ sở hữu của Vinashin có thể là 17.000 tỷ đồng và ước tính cuối 2008 có thể là 30.000 tỷ đồng. Mới đây Chính phủ và Bộ Tài chính có chỉ đạo đánh giá lại tài sản theo thời giá của các tập đoàn, các DNNN.

Vì thực chất nguồn vốn của các đơn vị này được tích tụ qua nhiều năm đã tăng giá trị rất nhiều so với giá trị đã khấu hao qua các thời kỳ.

MỚI - NÓNG