Cạnh tranh bằng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn

Dây chuyền chế biến thực phẩm với công nghệ hiện đại của Vissan.
Dây chuyền chế biến thực phẩm với công nghệ hiện đại của Vissan.
TP - Công ty TNHH Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) tự xác định cho mình sứ mệnh mang lại nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Ðó cũng là chìa khóa để mở cánh cửa thành công của Vissan khi bước vào sân chơi hội nhập.

Sạch - an toàn từ trang trại đến bàn ăn

Ðầu tháng 12/2015, Sở Công Thương TP HCM đã chính thức công bố 246 điểm bán hàng thực phẩm an toàn và đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam) phục vụ Tết nguyên đán Bính Thân 2016 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Vissan là một trong 5 đơn vị sản xuất, bán lẻ được chọn trong danh sách này. Tổng giám đốc Văn Ðức Mười cho biết, Vissan cung cấp thịt heo sạch đạt chứng nhận VietGAP tại 222 điểm bán thịt tươi sống trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và thịt bò Úc nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn ESCAS (quy trình giết mổ nhân đạo và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm) trên toàn bộ hệ thống quầy kinh doanh thịt tươi sống của công ty.

Về nguồn heo VietGAP, Vissan hợp đồng mua từ các trang trại chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP đã được chứng nhận, kiểm tra, kiểm soát bởi các đơn vị chức năng. Tổng lượng thịt heo VietGAP do Vissan cung ứng ra thị trường trung bình 35 tấn/ngày, tương đương 40% nguồn nguyên liệu. Số còn lại, chúng tôi hợp tác với doanh nghiệp ở các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long , miền Ðông nam Bộ để kiểm soát sản phẩm của họ và chúng tôi bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, Vissan không chỉ có nguồn hàng đáp ứng tiêu chí sạch, an toàn, giá cả ổn định mà còn định hướng, tạo điều kiện cho các DN liên quan và bà con nông dân chăn nuôi tham gia vào chuỗi cung ứng sạch - an toàn từ trang trại đến bàn ăn.

Ðầu tư nâng sức cạnh tranh

Ông Văn Ðức Mười chia sẻ, để đón đầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP, AEC và sắp tới là hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU…, từ nhiều năm trước đó Vissan đã xây dựng chiến lược dài hạn để nâng sức cạnh tranh bằng việc đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối, đội ngũ nhân lực quản lý… Trong giai đoạn 2010 – 2015, Vissan đầu tư hàng trăm tỷ đồng đổi mới công nghệ, xây dựng nhà máy mới, các trang trại ở các vùng miền. Riêng năm 2015 đã đầu tư 100 tỷ đồng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thực phẩm Vissan - Hà Nội. Nhà máy này sản xuất các sản phẩm thực phẩm chế biến thế hệ mới cung cấp cho thị trường phía Bắc và xuất khẩu sang Lào. Vissan cũng đầu tư mua lại và phát huy năng lực các trại chăn nuôi lớn ở miền Ðông Nam bộ, Nam Trung bộ và các vùng miền khác nhằm cung cấp, kiểm soát nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Nhờ chú trọng đầu tư, hàng năm Vissan cung cấp cho thị trường trên 20.000 tấn thực phẩm chế biến các loại với nhiều dòng sản phẩm, công nghệ khác nhau.

Hệ thống phân phối được tái cấu trúc và mở rộng. Ðến nay, Vissan có 119 trung tâm phân phối và trên 130.000 điểm bán lẻ và sản phẩm của Vissan cũng đã có mặt trong hơn 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc. Ngoài ra, công ty còn phát triển và hoàn chỉnh chuỗi “Cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan” đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời nắm bắt khuynh hướng thị trường để mở rộng mạng lưới bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh. 

“Trước sức ép của hội nhập, Vissan đã đổi mới toàn diện, tập trung đầu tư, triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT, sử dụng các công cụ quản trị hiện đại trong quản lý, điều hành DN nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Từng bước triển khai dự án di dời nhà máy kết hợp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng chăn nuôi heo thịt chất lượng cao, hợp tác với các đối tác để ổn định nguồn nguyên liệu, khai thác nguồn lực vốn, công nghệ từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước dưới hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết nhằm phát triển đồng bộ, xây dựng chuỗi thực phẩm khép kín, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, cung cấp thực phẩm an toàn chất lượng cao, có thể giám sát và truy nguyên nguồn gốc. Ðây là xu hướng tất yếu để công nghiệp hóa ngành thực phẩm nhằm thực hiện sứ mệnh cho nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa vào năm 2020”.

(Văn Ðức Mười-Tổng giám đốc Công ty Vissan)

MỚI - NÓNG