Chất lượng thấp, chưa sát nhu cầu sử dụng lao động

Chất lượng thấp, chưa sát nhu cầu sử dụng lao động
TP - Ở Hải Dương, công tác đào tạo nghề đang gặp phải nhiều bất cập bởi cơ sở dạy nghề yếu kém, chất lượng đào tạo thấp, không sát với nhu cầu sử dụng lao động.
Chất lượng thấp, chưa sát nhu cầu sử dụng lao động ảnh 1
Đào tạo nghề cần được quan tâm hơn  Ảnh: TSHN

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, tỉnh hiện có 31 cơ sở dạy nghề, gồm 7 cơ sở dạy nghề Trung ương, 24 cơ sở dạy nghề địa phương, còn lại là ngoài công lập. Đội ngũ giáo viên dạy nghề gồm 1.093 người.

Trong đó, trình độ sau đại học có 106 người; cao đẳng, đại học có 815 người; số giáo viên đạt chuẩn là 1.015 người.

Có 52 ngành, nghề đào tạo khác nhau, và được dạy ở cả 3 cấp: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề. Từ năm 2004 đến nay, các cơ sở này đã dạy nghề cho 71.262 lao động, bình quân 2,3 vạn lao động/năm. Tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm đạt 91 %.

Thế nhưng thực tế cho thấy, khâu đào tạo nghề và chất lượng lao động sau đào tạo tại các trung tâm này rất đáng báo động.

Ngoài một số trường dạy nghề của Trung ương, Trường Cao đẳng nghề, Trung tâm dạy nghề của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm 8/3 của Hội Phụ nữ tỉnh... được trang bị tương đối hoàn chỉnh thì các cơ sở khác, nhất là các trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề ở các huyện, Trung tâm của các sở, ngành, đoàn thể... trang thiết bị sơ sài, thiếu tính đồng bộ.

Tình trạng phải gửi học viên đi thực hành ngoài cơ sở trở thành chuyện bắt buộc. Điển hình là Trung tâm giới thiệu việc làm Hội Nông dân dùng chung trụ sở làm việc với Hội Nông dân; trang thiết bị trị giá chỉ có hơn 100 triệu đồng, chủ yếu là một số máy may công nghiệp, máy vi tính.

Thế nhưng, cơ sở này trong 3 năm qua lại dạy nghề cho 4.166 học viên(?). Trong khi đó, một số cơ sở dạy nghề đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị nhưng chưa khai thác hết năng lực như Trung tâm giới thiệu việc làm Liên đoàn Lao động.

Các cơ sở dạy nghề cũng không được phân bổ đều khi thành phố Hải Dương chiếm tới 16/31 trung tâm dạy nghề, còn 6 huyện có các khu, cụm công nghiệp rất phát triển, nhu cầu đào tạo nghề khá lớn là Bình Giang, Kim Thành, Gia Lộc, Thanh Miện, Thanh Hà, Kinh Môn lại không có trung tâm đào tạo nghề.

Chất lượng của đội ngũ giáo viên rất thấp, nhất là đội ngũ giáo viên dạy kỹ năng thực hành. Trong đợt giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh, đoàn giám sát đã phải phê bình:

“So với thực tế nhu cầu học nghề của xã hội thì các tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng của giáo viên còn hạn chế”. Trong khi đó, cơ quan chức năng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xác nhận có tới 93% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn.

Các ngành nghề đào tạo được triển khai theo kiểu rải mành mành, không có ngành nghề mũi nhọn, đòi hỏi trình độ công nghệ cao, đào tạo ngắn hạn... Chủ yếu là các nghề thủ công, may, hoặc các nghề cắt gọt kim loại, hàn, điện công nghiệp và dân dụng, điện tử dân dụng, máy tính và công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp...

Các đơn vị dạy nghề thiếu sự gắn bó, liên kết chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động. Việc này đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác tuyển sinh và làm khó cho học viên tìm kiếm việc làm sau dạy nghề.

Trung bình mỗi năm Hải Dương có khoảng 3 vạn người bước vào tuổi lao động, đây là nguồn nhân lực khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu lao động trong và ngoài tỉnh. Nếu công tác dạy nghề được đẩy lên ngang tầm thì đội ngũ này sẽ trở thành nguồn nhân lực tại chỗ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của địa phương.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.