Còn nhập nhèm sữa bột, sữa tươi đến bao giờ?

TPO - Tại cuộc họp liên bộ về phát triển ngành sữa bò trong nước do Bộ NN&PTNT chủ trì vào chiều 23/2, nhiều ý kiến gay gắt về việc Bộ Y tế chậm trễ sửa đổi khái niệm sữa; gây khó hiểu cho người tiêu dùng; trực tiếp tác động đến tiêu thụ sữa tươi sản xuất trong nước.

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Chăn nuôi cho rằng: Việc Bộ Y tế sử dụng khái niệm sữa tiệt trùng để chỉ tất cả các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột và sữa tươi khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn, trực tiếp tác động đến việc tiêu thụ của sữa tươi. “Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đã họp và kết luận phải sửa. Kế luận gửi Bộ Y tế từ lâu nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa thực hiện” – ông Chinh nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội gay gắt: “Việc sử dụng khái niệm sữa tiệt trùng để chỉ sữa bột là mập mờ, nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi. Chúng tôi đã đề nghị nhưng Bộ Y tế không thay đổi; đây là lần thứ hai, tôi đề nghị Bộ Y tế minh bạch việc này”.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng cần phân biệt rõ ràng giữa sữa tươi, sữa pha lại và sữa hoàn nguyên như quy định của quốc tế. Trước mắt, ông Phát yêu cầu Cục Chăn nuôi trình quy chuẩn sữa tươi nguyên liệu vào tháng 6 tới. “Nếu các anh không nộp dự thảo vào 30/6 thì nộp cho tôi bản kiểm điểm trách nhiệm” – ông Phát nói.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cho rằng, động thái của Bộ NN&PTNT chưa thể giải quyết triệt để sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. “Các khái niệm sữa khi đi vào sản xuất do Bộ Y tế ban hành; Bộ Công thương căn cứ vào đó để ghi nhãn. Dù chúng tôi biết khái niệm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp dựa vào các khái niệm này để quảng cáo quá sự thật, có biểu hiện gian lận thương mại nhưng không xử lý được nếu Bộ Y tế không sửa đổi quy định” – Vị đại diện Bộ Công thương nói.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH (thương hiệu sữa TH true MILK) đề nghị:Chính phủ đang xem xét thực hiện chương trình sữa học đường quốc gia; trước khi đợi Chính phủ ban hành, Bộ Y tế cần sớm ban hành quy chuẩn sữa học đường; tránh tình trạng sữa học đường kém chất lượng vào trường học bằng cách lại quả, cắt hoa hồng đến gần 50%. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phát cho hay: “Tôi đồng tình với quan điểm sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu là sữa tươi trong nước, vừa đảm bảo dinh dưỡng tốt hơn sữa bột, đồng thời phát triển được chăn nuôi bò sữa trong nước” – Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát.

MỚI - NÓNG