Quản lý ô tô hợp đồng bằng ứng dụng GrabCar:

Công nghệ giúp thay đổi cách quản lý vận tải truyền thống

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp làm thay đổi cách quản lý dịch vụ vận tải truyền thống
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp làm thay đổi cách quản lý dịch vụ vận tải truyền thống
TP - Trước việc ngày càng có nhiều dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ di động xuất hiện trên thị trường, Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (GrabCar).

Đưa công nghệ vào quản lý hoạt động vận tải

Điểm khác biệt của Đề án thí điểm GrabCar, so với một số dịch vụ kết nối do pháp nhân nước ngoài khác cung cấp, chính là việc “chọn lựa” kỹ lưỡng các đơn vị vận tải đối tác. Theo đó, GrabTaxi chỉ hợp tác với những đơn vị được cấp phép kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng. Danh sách các đơn vị vận tải này sẽ được GrabTaxi cập nhật báo cáo thường xuyên với cơ quan quản lý Nhà nước.

Điểm đáng chú ý, theo Đề án, được Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải, việc thí điểm GrabCar không làm phát sinh thêm bất kỳ loại hình vận tải mới nào. Đề án thí điểm chỉ giúp thúc đẩy việc áp dụng giải pháp công nghệ thông tin thông minh vào dịch vụ vận tải đang cung cấp sẵn trên thị trường, nhằm tăng hiệu quả kết nối giữa đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải và hành khách. Đối tượng tham gia Đề án thí điểm là các đơn vị đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng, cụ thể là loại xe dưới 9 chỗ có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, GrabTaxi đã rất thành công trong việc mở rộng các dịch vụ cung ứng ra ngoài phạm vi xe taxi để bao gồm các dịch vụ vận tải khác như xe máy chở khách (GrabBike), dịch vụ giao hàng (GrabExpress). Loại hình GrabCar đi tiên phong trong giải pháp thanh toán bằng tiền mặt. Lái xe sẽ là người thu phí dịch vụ vận tải từ hành khách. Như vậy giao dịch thanh toán sẽ diễn ra trực tiếp giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong nước (thay vì nhà cung cấp nền tảng kết nối). 

“Giải pháp thanh toán mà Đề án thí điểm đưa ra sẽ giúp giải quyết những quan ngại của Nhà nước liên quan đến nghĩa vụ thuế và phương thức thanh toán của các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới. Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu thanh toán bằng thẻ tín dụng, thì tiền phí dịch vụ sẽ được chuyển từ ngân hàng cấp thẻ của khách hàng đến tài khoản của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đăng ký trong lãnh thổ Việt Nam. Giải pháp trên sẽ giúp minh bạch hóa khoản tiền thanh toán và doanh thu của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải cũng như công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam - đảm bảo khả năng cơ quan chức năng có thể kiểm soát được nghĩa vụ thuế của cả hai đơn vị, cũng như tránh được rủi ro tiềm ẩn do phương thức thanh toán qua biên giới gây ra”, một chuyên gia về thương mại điện tử phân tích.

Nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng

Đề án thí điểm này mang lại nhiều lợi thế cho khách hàng. Nền tảng công nghệ thông minh sẽ giúp khách hàng kết nối với đơn vị cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng, qua đó tiết kiệm thời gian. Khách hàng có thể được giảm cước phí vì mô hình thí điểm GrabCar giúp các đơn vị vận tải hành khách giảm được chi phí điều hành, nâng cao sức cạnh tranh. Khác với một số mô hình kết nối sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin khác, khách hàng sẽ được thông báo minh bạch về giá cước, cách tính cước, và trách nhiệm của các bên liên quan trước khi tham gia vào mô hình này.

Về phía doanh nghiệp, mô hình thí điểm này sẽ giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ giảm chi phí hành chính, điều hành xe và kết nối được với nhiều khách hàng hơn, qua đó giảm được giá thành vận tải.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, cho rằng việc các công ty công nghệ tham gia ngày nhiều trong lĩnh vực hoạt động vận tải cũng như đối với các lĩnh vực khác là xu thế tất yếu mở ra các loại hình kinh doanh mới. Vì vậy, với các công ty công nghệ như GrabTaxi, Uber hay các hãng khác, thay vì  quản lý bằng những phương pháp truyền thống như trước đây, việc cho phép thực hiện thí điểm các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải là cách làm, cách tư duy mới đáng khích lệ. Theo ông Linh, việc thí điểm loại hình GrabCar trên một địa bàn nhất định và trong một khoảng thời gian xác định sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng chương trình triển khai và có những can thiệp về chính sách khi cần thiết.

“Những kinh nghiệm thu được từ việc áp dụng nền tảng công nghệ của Đề án thí điểm sẽ giúp cho cơ quan chức năng có dữ liệu hữu ích để triển khai các dự án áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách nói chung và kinh doanh vận tải theo hợp đồng nói riêng trong tương lai”, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương.

MỚI - NÓNG