Cước điện thoại, thời chưa xa…

Cước điện thoại, thời chưa xa…
Cũng giống như bao thanh niên khác, tôi kỵ nhất là phải ngồi nghe “chuyện ngày xưa”, ôn nghèo, kể khổ của các cụ. Thế nhưng, mấy câu chuyện về cái thời 3 kg thóc một phút điện thoại của bố tôi khiến tôi cười nghiêng ngả. Thật khó để hình dung được chỉ cách đây có chưa đến 10 năm mà gọi một cuộc điện thoại lại khó khăn và đắt đỏ như thế.

Còn bây giờ, điện thoại bàn hình như cứ mốc meo nằm yên một góc chỉ vì gọi bằng di động vừa tiện lại vừa rẻ.

 
Cước điện thoại, thời chưa xa… ảnh 1

Lắp điện thoại = 2 chỉ vàng

Bố tôi vốn là một cán bộ Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang còn mẹ con tôi lại ở quê nhà mãi Nam Định. Đi lâu, ở xa, nhu cầu liên lạc của bố với 4 mẹ con chủ yếu là thư về, thư đi. Nhưng công việc bộn bề, ngồi viết thư cũng ngại nên có chuyện gì quan trọng, bố và mẹ dùng điện tín cho nhanh. Chỉ có điều, điện tín cũng phức tạp, chẳng có dấu, phải luận đến là mệt.

Nhớ có lần, mẹ tôi đánh điện ghi “me mo mat”, bố tôi lại dịch là “mẹ mới mất” nên tất bật về nhà, hóa ra là không phải. Thế nên, điện tín cũng thưa dần. Bố tôi quyết định tích cóp tiền để lắp một cái điện thoại cho tiện việc liên lạc. Hồi ấy, chi phí lắp một đường dây điện thoại hết 500.000 đồng, mua một cái máy hết 350.000 đ, vị chi là hết 2 chỉ vàng mới có cái alo mà liên lạc (giá vàng chỉ có 450.000 đồng / chỉ).

Lương của bố tôi thì chỉ có 200.000 một tháng, thế nên phải tằn tiện hơn 4 tháng trời, chẳng dám ăn, chẳng dám tiêu, mới đủ tiền để lắp. Chẳng bù bây giờ, người ta còn mang điện thoại tới tận nhà mời mình dùng.

Có điện thoại rồi, thế là những cuộc điện thoại từ Nam ra Bắc cứ tới tấp. Chú và bác được thấy tiếng anh, tiếng em sướt mướt hỏi thăm nhau. Cuối tháng, hóa đơn cước điện thoại cho mỗi cuộc tâm sự với chú và bác kéo dài gần 15 phút được quy đổi gần 100.000 đồng. Số tiền này được bố tôi gọi là dao kề cổ công viên chức về hưu và cắt cổ người dân. Vì khi đó, điện thoại liên tỉnh được chia làm 3 vùng theo khu vực địa lý.

Từ Kiên Giang gọi ra Nam Định với mức giá 5.500 đồng cho phút đầu tiên và những phút kế tiếp là 4.900 đồng. Tháng đó, trả trên 200.000 đồng tiền điện thoại gồm cả cước thuê bao tháng 68.000 đồng, bố tôi xót xa khi được mẹ báo tin giá thóc ở quê đang mùa giáp hạt 1.700 đồng/kg. Vậy là gần 1,5 tạ thóc tương đương với năng suất hơn 1 sào ruộng mà 3 mẹ con tôi vất vả sau 6 tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới được thu hoạch… đã hóa thành những cuộc điện đàm Bắc- Nam.

Tháng đó, tiền lương của bố lại bị âm. Và cũng từ tháng đó, dù điện thoại đặt ngay đầu giường thì chúng tôi vẫn rất ít cơ hội được nghe giọng của bố. Tôi ước gì, ngày ấy gọi điện thoại cũng rẻ như bây giờ, chỉ mất có một bát phở là dùng điện thoại cả tháng, thậm chí, nếu chỉ để nghe thôi thì chả mất xu nào.

Một cuộc điện thoại = 1 tháng lương

Cũng chỉ vì bố tôi đã có điện thoại, nên anh tôi khi ấy đang làm ở công trình cầu Gián Khuất (Ninh Bình) cũng nhấp nhổm muốn alo cho bố. Cả công trường hồi ấy chỉ có mỗi một cái điện thoại, trưởng và phó công trình phải dùng chung.

Để thuận tiện, phòng của hai vị quản lý được xếp cạnh nhau và bức tường ngăn cách được khoét một cái ô vuông nhỏ để đặt điện thoại. Anh tôi vốn rất thân thiết với vị phó công trình. Hôm ấy, thừa dịp trưởng ban công trình về quê, anh lân la, thuyết phục phó ban công trình – người vừa là đồng hương, vừa bị anh nhận vơ là “bố vợ” cho phép anh alo một “cú”. Được chấp nhận, anh tôi đã “buôn” một chuyến đường dài vào Nam.

Gần 8 năm trời hai bố con mới có dịp nói chuyện với nhau, lại người Nam, kẻ Bắc, nên bố và anh tôi tranh nhau kể chuyện. Nhưng ý thức giá cước cắt cổ, và ông bố vợ hờ đang rất sốt ruột, nên anh tôi đã phải quyết tâm dừng cuộc gọi đường dài. Vậy mà sau này tiền cước được bưu điện gửi về lên tới hơn 160.000 đồng gần bằng số tiền lương cả tháng của anh tôi.

Ngay khi nhận được hóa đơn, Trưởng ban công trình đã lập tức ra lệnh điều tra kẻ “phá hoại”. Rất nhiều người đã bị gọi lên thẩm vấn. Anh tôi và ông phó công trình thì như ngồi trên đống lửa. Nếu bị phát giác thì cả tháng lương đi tong.

Rất may, do lúc đó có rất nhiều người bị đưa vào diện tình nghi, anh tôi và ông bố vợ hờ thì tất nhiên không hó hé một chút nào về cái cuộc điện thoại đường dài kia nên cuộc điều tra đi vào bế tắc và vụ việc chìm dần xuống.

Nhưng từ vụ đó, anh chẳng dám bén mảng tới cạnh chiếc máy điện thoại, cho tới mãi tận sau này, khi sóng di động bắt đầu phủ đến tận những công trình hẻo lánh và giá đã rẻ đi rất nhiều, anh tôi mới dám dùng nhưng ban đầu cũng rất rất dè dặt với ngón tay luôn sẵn sàng ở nút ngắt cuộc gọi. Và bây giờ, số tiền cả tháng của anh nuôi cái SumoSim của Viettel cũng chỉ khoảng 160.000 đồng.

So với trước, giá cước điện thoại hiện nay đã giảm đi rất nhiều, giảm 4 lần và không còn chia theo khu vực. Giá cước di động cũng liên tục giảm. Tính ra, điều bố tôi xót xa cũng là có lý. Giả sử, giá cước điện thoại từ đó tới nay vẫn giữ nguyên, thì so với giá vàng và các mặt hàng khác thì giá viễn thông nằm trong “rổ hàng hóa” đứng giá. Trong khi đó, trên thị trường hầu hết giá các loại hàng hoá tăng lên vùn vụt. Đổi lại, những người như bố tôi, anh tôi sẽ có cơ hội dùng điện thoại một cách thoải mái hơn.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.