Điểm nhấn của vận tải công cộng

Xe buýt BRT có chiều dài 12m, sức chở 90 hành khách
Xe buýt BRT có chiều dài 12m, sức chở 90 hành khách
TP - Cuối năm 2016, tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) lần đầu tiên sẽ được vận hành thí điểm tại Hà Nội. Sự xuất hiện của hệ thống BRT hiện đại được kỳ vọng sẽ đảm nhiệm được một phần đáng kể nhu cầu vận tải công cộng.  

Hợp phần xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) là một trong 03 hợp phần của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Hợp phần BRT đầu tiên của Hà Nội dự kiến hoạt động vào cuối năm 2016, có chiều dài 14,7 km, từ bến xe Kim Mã qua Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - trục phía bắc Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La - bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Trung tâm điều hành giao thông sẽ được đặt tại khu vực bến xe Kim Mã.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết, 10 năm qua, hệ thống giao thông vận tải các thành phố lớn của Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng. Các dịch vụ vận tải hành khách công cộng được quan tâm tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại Hà Nội mới đáp ứng được khoảng từ 1 - 9%.

Tại các thành phố lớn trên thế giới, phát triển mạnh hệ thống xe buýt có thể giúp thành phố đạt tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng 25-30%.  “BRT là giải pháp cần thiết và cấp bách để giúp giảm sự bùng nổ các phương tiện cá nhân, cũng như sức ép lên kết cấu hạ tầng giao thông đô thị”, ông Tiến nói.

Đại diện Ban quản lý Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, dự kiến, tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội sẽ chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, mỗi chuyến chở được 90 hành khách, tốc độ di chuyển 20-22 km/giờ. Hành khách sử dụng dịch vụ BRT sẽ có vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe…

Đây cũng là lần đầu tiên tại Hà Nội xuất hiện một mô hình đợi xe buýt hiện đại, sang trọng, có sự đầu tư lớn. Nhà chờ được thiết kế với bề rộng 5m và tổng diện tích 129m2. Khung mái nhà được xây dựng bằng kết cấu thép, ốp vách kính cường lực. Cốt nền nhà chờ được tôn cao để tạo độ bằng phẳng với sàn xe buýt giúp người đi xe buýt tiếp cận dễ dàng hơn. 

Tại đây có thiết kế đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế đồng thời phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội. Sau khi đưa vào khai thác, BRT sẽ trở thành một trong những loại hình giao thông công cộng quan trọng của Thủ đô nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, qua đó hạn chế phương tiện cá nhân.

Ông Paul Vallely, chuyên gia cao cấp về GTVT của WB khẳng định, ở các nước đang phát triển, BRT được coi là loại hình vận tải hành khách công cộng sử dụng trong giai đoạn quá độ khi chờ xây dựng đường sắt đô thị, tàu điện ngầm. Với sự gia tăng dân số cũng như phương tiện cơ giới của Hà Nội như hiện nay, việc tổ chức hệ thống xe buýt nhanh BRT là rất cần thiết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.