Lâm Đồng:

Điện “kích” nông nghiệp công nghệ cao bứt phá

Hộ gia đình bà Lê Công Thôn (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) ứng dụng công nghệ tưới của Ireland trong sản xuất cà chua đạt hiệu quả cao. Ảnh: Thiên Phương
Hộ gia đình bà Lê Công Thôn (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) ứng dụng công nghệ tưới của Ireland trong sản xuất cà chua đạt hiệu quả cao. Ảnh: Thiên Phương
TP - “Từ khi có điện lưới quốc gia, nhờ nguồn điện ổn định, an toàn, người dân rất an tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” - Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), ông Nguyễn Mậu Thế nói.

Theo ông Mậu, điện không chỉ là điều kiện tối quan trọng đem đến cơ hội mà còn là động lực lớn cho người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào trong thực tế sản xuất góp phần làm đời sống thay đổi, đi lên.

Giàu lên từ công nghệ cao

Giữa trưa nắng nhưng nhìn từ xa, cánh đồng bắp của nông trường huyện Đức Trọng như đang có mưa phùn. Người dân cho biết, “màn mưa phùn” đó thực chất là hệ thống tưới phun mưa do bà con nông dân lắp đặt. Chị Nguyễn Thị Ký (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) chia sẻ, tất cả các công đoạn sản xuất nông nghiệp hiện nay ở địa phương cơ bản được thực hiện bằng máy móc, dây chuyền sử dụng điện, từ gieo hạt bằng máy, tưới bằng hệ thống phun sương cho cây nhỏ đến phun mưa cho những cây lớn hơn. Cho nên, nông dân vùng này hiện không còn phải một nắng, hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như trước.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản đã giúp cho nhiều DN, nông dân làm giàu và đây là một trong những tiêu chí giúp cho Lâm Đồng thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Từ khi có nguồn điện ổn định, giá đình ông Hồ Bá Thuận (tổ 22 Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đầu tư lắp đặt giàn phun bán tự động cho 5 sào rau, trồng chủ chủ yếu hành hoa và cải ngọt. “Các loại rau này rất cần nước. Trước đây cả ngày hai vợ chồng phơi ra giữa nắng để tưới. Nay chỉ cần ngồi trong nhà bật công tắc điện là nước phun như mưa thấm đều từ lá xuống đất”- ông Thuận nói. Ông tính toán, chi phí đầu tư giàn tưới 10 triệu đồng, nhưng năng suất rau tăng lên 30%, trong khi công sức đầu tư cho việc bơm tưới giảm hẳn. Nhờ nguồn thu nhập tăng lên từ rau, gia đình ông Thuận đã xây dựng được căn nhà khang trang, con cái học hành đàng hoàng và có việc làm ổn định.

Bà Phạm Thị Thu Cúc là người đi đầu trong việc canh tác cà chua beef ở huyện Đức Trọng. Bà chia sẻ, nhờ có điện nên gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ của Hà Lan cho việc trồng cà chua beef. Tất cả việc bơm tưới, bón phân đều theo một quy trình chuẩn tự động. Do vậy, cây cà chua cho năng suất rất cao và chất lượng ổn định. Một gốc cà chua beef có thể cho sản lượng 8-10 kg và mỗi trái cà chua nặng xấp xỉ 1 kg. Bà Cúc so sánh, cũng diện tích này, nếu trồng cà chua theo phương pháp truyền thống, có khi thu không đủ bù chi. Nhưng khi ứng dụng công nghệ cao, sản lượng tăng lên nhiều lần và người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.

Nông nghiệp công nghệ cao: Mũi nhọn kinh tế

Ông Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích ứng dụng công nghệ cao là 43.000 ha, chiếm tỷ lệ 16% diện tích canh tác toàn tỉnh. Tất cả các công nghệ cao trên thế giới hiện nay đã được doanh nghiệp (DN) và nông dân ở Lâm Đồng ứng dụng, như nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nước tiết kiệm … đặc biệt công nghệ sinh học đã tạo khâu đột phá. Thông qua công nghệ cao, Lâm Đồng đã tập trung theo hướng quản trị an toàn thực phẩm, đặc biệt rau an toàn. Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và LobalGAP.

Ông Phạm S đánh giá, nhờ sản xuất công nghệ cao, hiện nay nhiều vật nuôi, cây trồng ở địa phương được phát triển mạnh và trở thành sản xuất hàng hóa ở tầm quốc gia và khu vực. Doanh thu của nhiều DN và người dân đạt 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm từ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp tái sản xuất mở rộng và hình thành những liên minh sản xuất giữa các HTX với nhau và giữa các HTX với DN, góp phần nâng cao tỷ trọng xuất khẩu.

Theo ông Phạm S,  để ứng đụng được công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, điều cơ bản đầu tiên là nguồn điện phải đầy đủ và ổn định. Cũng nhờ nguồn cung cấp điện thời gian qua đầy đủ, ổn định nên hoạt động chế biến sau thu hoạch tại Lâm Đồng đã và đang được đầu tư phát triển đáng kể. Nhiều nhà máy chế biến sau thu hoạch đã được hình thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quy mô công suất chế biến từng nhà máy còn nhỏ và tổng công suất chế biến còn khiêm tốn so với quy mô nguyên liệu. Tỉnh có chủ trương thu hút các DN chế biến, đặc biệt chế biến rau quả và hiện nay một số nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn đã hình thành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

MỚI - NÓNG