Đồng bằng sông Cửu Long: Sốt đất nuôi cá tra, basa

Đồng bằng sông Cửu Long: Sốt đất nuôi cá tra, basa
TP - Giá cá tra, basa tại ĐBSCL tăng trong vài tháng qua đã thu hút mạnh đầu tư nuôi loại cá này. Các bãi đất ven sông Hậu ở Cần Thơ, An Giang đang sôi động cảnh xáng cạp đào ao nuôi cá.
Đồng bằng sông Cửu Long: Sốt đất nuôi cá tra, basa ảnh 1
Đào ruộng làm ao nuôi cá ở xã Hòa Lạc (Phú Tân, An Giang)

Chính vì vậy đất nuôi cá tăng giá vùn vụt.

Phường Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) nằm bên ngã ba sông Hậu và sông Ô Môn là “địa chỉ đỏ” của chất lượng cá tra, cá basa. Ông Đào Trọng Nguyên mua 2 ha đất nuôi cá cuối năm 2006 với giá 500 triệu đồng/ha, mới bán cho một Cty Chế biến thuỷ sản giá 1,7 tỷ đồng/ha.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, diện tích đất nuôi cá tại phường hiện đã tăng hơn 25% so với cuối năm 2006, và mỗi ngày ông đang từ chối hàng chục cuộc điện thoại của người quen nhờ tìm đất nuôi cá.

Giá đất nuôi cá tại huyện Phú Tân (An Giang) cách đây 2 tháng là 350 triệu đồng/ha, nay đã tăng hơn gấp đôi: 750 triệu đồng/ha. Các huyện Hòa Bình, Châu Thành, Châu Phú có điều kiện ít thuận lợi cho việc nuôi cá, đất cũng tăng chóng mặt và hiện có giá 600 triệu đồng/ha.

Nhiều nông dân ở đây đang được đề nghị đổi đất nuôi cá lấy đất trồng lúa theo tỷ lệ 1 đổi 3.

Nhiều hộ nông dân bỏ hẳn cây lúa chuyển sang đào ao nuôi cá hoặc cho thuê đất. “Giá thuê đất nuôi cá trong 5 năm hiện là 30 triệu đồng/công, gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2006” - Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra, cá basa Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho biết.

Tuy nhiên, nhiều nông dân không cho thuê dài hạn 5 năm mà chỉ cho thuê từng năm, thậm chí từng vụ vì thấy có lợi hơn. Anh Lê Văn Bê ở ấp Hòa An, xã Hòa Lạc (Phú Tân) cho biết, anh vừa đào 7 công đất ruộng thành ao cá. Chi phí đào ao khoảng 3 triệu đồng/công, cho thuê lại với giá 7 triệu đồng/công cho 1 vụ (6 tháng).

“Ngồi chơi cũng lãi ròng 4 triệu, sau một vụ cho thuê sẽ có ao cá mà không tốn tiền đầu tư - Anh Bê nói -trong xã có hơn trăm hộ làm ăn cách này, nhiều hộ còn biến đất vườn và cả thổ cư thành ao cá”.

Những người am hiểu nhận định: Cơn sốt đất nuôi cá tra, cá ba sa chỉ dừng lại khi giá cá nguyên liệu hạ nhiệt. Và nếu cung vượt cầu thì lại san ao cá để làm lúa.

MỚI - NÓNG