DOVECO: Bà đỡ cho nông nghiệp hiện đại, bền vững

Chủ tịch DOVECO Đinh Cao Khuê (bên phải) giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua mô hình liên kết chuỗi với Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Chủ tịch DOVECO Đinh Cao Khuê (bên phải) giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua mô hình liên kết chuỗi với Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) vừa khánh thành Trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất Việt Nam ở Gia Lai. Với việc tiên phong trong ngành chế biến rau quả, liên kết chặt chẽ với nông dân xây vùng nguyên liệu, DOVECO cũng đang trở thành một “bà đỡ” vững chắc cho cho nền nông nghiệp hiện đại, bền vững của Việt Nam.

Người tiên phong

Ngành trồng trọt, chế biến rau quả được đánh giá là một trong những ngành hứa hẹn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam. Dẫu vậy, số DN chế biến rau quả hiện chỉ chiếm hơn 2% trong số gần 10.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đây là tỷ lệ rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tất cả những điều đó mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có DOVECO.

Với nền tảng vững chắc gần 65 năm của Nông trường Quốc doanh Đồng Giao trước đây, DOVECO đã kịp thời đổi mới cơ cấu tổ chức, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.

Mới đây DOVECO đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm chế biến rau quả có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Gia Lai, nằm trong Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang, có diện tích gần 6 ha.

Trung tâm có công suất chế biến khoảng 52.000 tấn sản phẩm rau quả các loại mỗi năm, với tổng đầu tư trên 300 tỷ đồng.

Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại nhất hiện nay: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản, Thụy Điển; Nhà máy chế biến rau, đồ hộp, công suất thiết kế 12.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Italia, Đức, Nhật Bản.

Với các tổ hợp sản xuất này, mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả và nông sản các loại để chế biến và xuất tươi nhiều dòng sản phẩm rau củ quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, TGĐ DOVECO, đến nay, những lô hàng đầu tiên do Trung tâm sản xuất đã được xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

“Tất cả các khách hàng khó tính nhất của chúng tôi đến từ các nước Israel, Nhật Bản, Mỹ đều đánh giá sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chấp nhận nhập khẩu và công nhận chứng thực xuất xứ hàng hóa từ Doveco Gia Lai, Việt Nam trên thị trường thế giới”, ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng cho biết, Trung tâm chế biến này sẽ tạo bước đột phá để đưa Doveco Gia Lai trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả hiện đại, chất lượng cao của cả nước.

Trung tâm sẽ hướng đến đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm có thể đạt 2.000 tỷ và tăng dần qua các năm, nộp ngân sách nhà nước hàng năm từ 100 đến 150 tỷ đồng.

Ngoài việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, DOVECO Gia Lai cũng góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động địa phương (5.000 lao động khối nông nghiệp, 500 lao động khối công nghiệp) với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.

DOVECO: Bà đỡ cho nông nghiệp hiện đại, bền vững ảnh 1

Chanh dây là một trong những sản phẩm chủ lực của DOVECO

Xây dựng mối liên kết bền vững

DOVECO là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả không chỉ ở Việt Nam mà cả thị trường quốc tế.

Đến nay, sản phẩm của DOVECO đã xuất khẩu đến 50 quốc gia, trong đó các thị trường lớn như: Nhật Bản (10%), Mỹ (13%), Israel (27%), EU (33%)... 

Để có vùng nguy liệu đảm bảo chất lượng, ổn định cho chế biến, một trong những thành công thời gian qua của DOVECO được Chủ tịch Đinh Cao Khuê chia sẻ là chính sách liên kết theo chuỗi.

DOVECO đã triển khai thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, trong đó áp dụng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, an toàn, bền vững cho các bên.

Đối với những vùng nguyên liệu DOVECO thuê đất sản xuất, chính quyền địa phương nơi đó đứng ra ký hợp đồng thuê đất của dân, sau đó DOVECO ký hợp đồng với chính quyền và chủ động trong việc tổ chức sản xuất.

Về phía người dân, sau khi cho thuê đất, DOVECO sẽ tạo điều kiện nhận làm nhân công tại vùng nguyên liệu. Còn với vùng nguyên liệu liên kết sản xuất, DOVECO sẽ thực hiện đầu tư ban đầu cho bà con nông dân như: cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng (không tính lãi suất), chuyển giao kỹ thuật.

Đồng thời, theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu. 

 Đặc biệt, DOVECO có chính sách hỗ trợ trong trường hợp rủi ro, thiên tai và cam kết bao tiêu sản phẩm. Nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sẽ được DOVECO thu dần với định mức 20%/tháng khi bà con đã có sản phẩm giao bán. Bên cạnh đó, DOVECO cũng cam kết và ký hợp đồng bao tiêu các loại rau quả, nông sản có sẵn như: bơ, xoài, mãng cầu, chanh dây…

Với phương châm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là lợi ích của người nông dân, đến nay, DOVECO đã phát triển vùng nguyên liệu ở nhiều địa phương. Dự kiến đến năm 2020, vùng nguyên liệu liên kết DOVECO sẽ có 22.000 ha đến 25.000 ha, trong đó khoảng 10.000-15.000 ha ở Tây Nguyên.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, DOVECO là một trong những DN đầu tiên, và hàng đầu của Việt Nam phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực, chủ động tạo ra giống mới mang bản quyền Việt Nam, cây giống sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao, đến trồng trọt, chế biến, xuất khẩu hiệu quả và bền vững.

DOVECO Gia Lai đi vào hoạt động với việc ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay, sản phẩm qua chế biến phong phú, đáp ứng được các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…

Ông Doanh cũng đề nghị DOVECO tiếp tục phát huy truyền thống, thế mạnh trong việc liên kết với bà con nông dân nhằm nâng cao giá trị cho nông sản, tăng thu nhập ổn định cho nông dân, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản cua Tây Nguyên như chanh leo, bơ, sầu riêng, chuối…

DOVECO là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành nông sản Việt Nam, là cầu nối giữa thị trường nông sản quốc tế với công ty thương mại, nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng trong nước. DOVECO đã xuất khẩu đến 50 quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ, Israel, EU... với các sản phẩm chiến lược: dứa lạnh, dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt... Ngoài ra, sản phẩm của DOVECO cũng có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.