EVNNPT trước cuộc cách mạng 4.0 trong truyền tải điện

Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường (hàng đầu, ở giữa) và ban lãnh đạo EVNNPT kiểm tra các dự án truyền tải điện giải phóng công suất Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường (hàng đầu, ở giữa) và ban lãnh đạo EVNNPT kiểm tra các dự án truyền tải điện giải phóng công suất Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
TP - Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện… sẽ là những đầu việc lớn cần gấp rút thực hiện nhằm giúp Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đạt mục tiêu trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020.

Tự tìm các điểm yếu để vươn lên

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch VII), đến năm 2020, hầu hết số hộ dân ở nông thôn Việt Nam có điện, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 - 362 tỷ kWh và năm 2030 tăng lên tới 695 tỷ - 834 tỷ kWh. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong bối cảnh áp lực cần thu xếp lượng vốn đầu tư rất lớn và yêu cầu cải tổ bộ máy, áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng, vận hành lưới điện theo tiêu chí 4.0.

Trong các cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo EVNNPT cho hay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước, EVNNPT cũng đang tự đặt ra những thách thức rất lớn để vươn lên dẫn đầu trong các tổ chức truyền tải điện trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, những năm gần đây, EVNNPT đã đẩy mạnh áp dụng các biện pháp, giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện như: Lưới điện thông minh (Smart Grid), Trung tâm điều khiển từ xa, Trạm biến áp không người trực, vệ sinh sứ online, sửa chữa điện nóng, định vị sự cố, giám sát dầu online.

EVNNPT trước cuộc cách mạng 4.0 trong truyền tải điện ảnh 1 Công nhân Trạm biến áp 500 kV Thạnh Mỹ, Quảng Nam (Công ty Truyền tải điện 2) kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây và máy biến áp 500 kV. Ảnh: Quang Thắng

Tổng công ty cũng đặt mục tiêu khá tham vọng với việc triển khai rộng rãi công nghệ khảo sát và thiết kế 3D, tăng cường giải pháp đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để giảm diện tích chiếm đất, nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy và ổn định của hệ thống truyền tải điện và đồng thời nâng cao năng suất lao động.

Theo lãnh đạo EVNNPT. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ EVNNPT lần thứ hai (Nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đề ra mục tiêu Chiến lược: “Phát triển EVNNPT đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”.

Tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao
Cùng với việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong công tác vận hành và hoàn tất xây dựng lưới điện thông minh, về nhân lực, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng đã triển khai kế hoạch “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việc cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực then chốt ở những nước có dịch vụ truyền tải điện hàng đầu thế giới, cũng là một giải pháp mà EVNNPT quan tâm trong các năm qua. Đồng thời, Tổng Công ty cũng thực hiện ký kết đối tác chiến lược với các tổ chức truyền tải điện hàng đầu trên thế giới như RTE (Pháp), Elia (Bỉ)... và chú trọng tới chất lượng nguồn nhân lực ngay từ khâu tuyển dụng.

Cùng với việc đào tạo nhân lực ở nước ngoài, để nâng cao chất lượng lao động trong nước, EVNNPT cũng hướng tới xây dựng phòng thí nghiệm điện chuẩn quốc tế tới cấp điện áp 500kV để đảm bảo tự chủ trong công tác thí nghiệm, kiểm định chất lượng của các thiết bị điện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các thiết bị điện.

Với những đầu việc đã triển khai, đến nay EVNNPT là đơn vị nằm trong top đầu về năng suất lao động trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dù đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, lãnh đạo tổng công ty cũng thẳng thắn thừa nhận năng suất lao động của EVNNPT vẫn còn tương đối thấp khi so sánh với các tổ chức truyền tải điện trong khu vực và trên thế giới.

Sẽ trở thành tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ luôn được EVNNPT quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.

Theo ông Đặng Phan Tường, tổng công ty đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, lĩnh vực truyền tải điện phải đi trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Tổng công ty cũng sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa lĩnh vực truyền tải điện trong tất cả các hoạt động từ quản lý vận hành, dịch vụ sửa chữa, đầu tư phát triển, quản trị doanh nghiệp; sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện. Đồng thời sẽ đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tất cả các lĩnh vực hoạt động như: xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện, dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, quản trị doanh nghiệp,…

EVNNPT trước cuộc cách mạng 4.0 trong truyền tải điện ảnh 2

Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, EVNNPT sẽ phải tập trung thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp trong các lĩnh vực hoạt động như: đầu tư xây dựng; quản lý vận hành; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; tài chính và huy động vốn; thông tin truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“EVNNPT đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Mục tiêu chiến lược đặt ra của chúng tôi là phát triển Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, đến năm 2025 vươn lên hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện. Mục tiêu này cũng phù hợp với mục tiêu trong giai đoạn này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là phấn đấu trở thành một trong bốn đơn vị điện lực hàng đầu trong cộng đồng các nước ASEAN”.
Ông Đặng Phan Tường, Bí thư Đảng ủy, 
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia  



MỚI - NÓNG