FPT Nhật Bản nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Đại sứ Việt Nam tại Nhật bản Nguyễn Quốc Cường (ngoài cùng bên phải) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo FPT và FPT Nhật Bản.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật bản Nguyễn Quốc Cường (ngoài cùng bên phải) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo FPT và FPT Nhật Bản.
Ngày 13/11, tại Nhật Bản, FPT đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập FPT Nhật Bản và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều đóng góp cho ngành CNTT-TT Việt Nam, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT.

Ngày 13/11/2005, FPT chính thức thành lập công ty FPT Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm (IT Outsourcing), đây là công ty CNTT 100% vốn Việt Nam đầu tiên được mở tại thị trường này. Sau 10 năm phát triển, FPT Nhật Bản đã trở thành doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng trở thành thị trường quan trọng số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT, với doanh thu luôn chiếm khoảng 50% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn.

Từ con số 5,4 triệu USD vào năm 2005, doanh thu của FPT Nhật Bản năm 2014 đã đạt gần 62 triệu USD (tương đương 1.318 tỷ đồng), tăng gần 12 lần; quy mô nhân sự từ 3 người đã tăng lên trên 400 người (tính đến hết tháng 7/2015). Trong giai đoạn 2005-2014, doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT tăng trưởng trung bình 32%/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu của Tập đoàn từ thị trường Nhật đạt 1.333 tỷ đồng, tương đương doanh thu từ thị trường này trong cả năm 2014; tăng trưởng 44% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2015 đạt khoảng 90 triệu USD, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ.

Hiện FPT Nhật Bản đã thiết lập được mối quan hệ đối tác – khách hàng với gần 200 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản như: Nissen, Toshiba, Hitachi, Fujitsu, IT Holdings, ….

Cơ sở vật chất cũng không ngừng được mở rộng, từ một văn phòng chính tại Tokyo, FPT Nhật Bản đã mở thêm 02 văn phòng mới tại Osaka và Nagoya. Cuối năm nay, công ty cũng sẽ chuyển đến khu văn phòng mới với diện tích 1.300 m2. Bên cạnh đó, FPT Nhật Bản cũng là công ty đầu tiên của Việt Nam tại Nhật có khu ký túc xá gần 100 phòng dành cho cán bộ nhân viên từ Việt Nam sang công tác.

FPT Nhật Bản nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại sự  kiện Lễ kỷ niệm 10 năm FPT Nhật Bản.

Nhận định về sự phát triển của FPT tại thị trường Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết: “Tôi rất vui mừng chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Trong đó, tôi đánh giá cao sự nỗ lực của FPT, doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam lớn nhất tại thị trường Nhật Bản. Trong 10 năm qua, FPT Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần đưa Việt Nam trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực CNTT của Nhật Bản”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đánh giá cao sáng kiến của FPT trong việc triển khai Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối cho thị trường Nhật Bản trong giai đoạn từ 2015-2020. Và kỳ vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có được một đội ngũ kỹ sư CNTT tiếng Nhật có trình độ chuyên môn cao để góp phần giúp các bạn giải quyết bài toán về nhân lực.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết: “Thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lớn, bước ngoặt của cơn bão dịch chuyển công nghệ. Sự khác biệt giữa các quốc gia, giữa các ngành công nghiệp, giữa các lĩnh vực kinh tế sẽ được xóa nhòa. Thực sự lúc này đây, đứng giữa tâm của cơn bão này, tôi có một khát vọng lớn hơn, đó là, cùng các đối tác Nhật Bản đồng hành tiến ra các thị trường khác bên ngoài Nhật Bản và Việt Nam. Đó có thể là ASEAN, FPT và các DN Nhật Bản có thể phát huy thế mạnh của nhau về công nghệ, giải pháp, nhân lực để góp phần đưa ASEAN trở thành một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đó có thể là thị trường Mỹ, châu Âu với các xu hướng công nghệ mới nhất”.

FPT Nhật Bản nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ảnh 2 Lãnh đạo FPT và FPT Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho FPT Nhật Bản.

FPT kỳ vọng năm 2017, thị trường Nhật Bản sẽ mang lại doanh thu 200 triệu USD và quân số 3.000 người.

Theo mục tiêu của Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông", đến năm 2020 Việt Nam nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Hiện nay, theo số liệu của Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản (METI), có tới 31,5% doanh nghiệp Nhật được hỏi lựa chọn Việt Nam để ủy thác dịch vụ CNTT, tỷ lệ này của Ấn Độ và Trung Quốc là 20,6% và 16,7%.

Cũng theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông", Chính phủ đặt mục tiêu Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Để góp phần phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, bên cạnh việc hợp tác với các trường đại học rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng, FPT đang nỗ lực triển khai chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối cho thị trường Nhật Bản. Trong năm 2015, sẽ có gần 1.000 kỹ sư CNTT được đào tạo theo Chương trình này, trong đó có khoảng gần 300 kỹ sư CNTT được đào tạo tại Nhật Bản trong thời gian 12 tháng.

Một số dấu mốc quan trọng của FPT tại thị trường Nhật Bản:

Năm 2005: Với mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phần mềm của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản nói chung và của FPT nói riêng, FPT đã tiên phong thành lập công ty FPT Nhật Bản. Đây cũng là công ty CNTT 100% vốn đầu tiên của Việt Nam được mở tại thị trường Nhật Bản, mở đường cho hàng loạt các công ty CNTT khác của Việt Nam vào thị trường này.

Năm 2008: Quy mô nhân sự cán mốc trên 100 người và doanh thu tăng trưởng gấp gần 5 lần. Mở thêm văn phòng mới tại Osaka, trung tâm kinh tế lớn thứ 2 của Nhật sau Tokyo. Trở thành công ty xuất khẩu phần mềm Việt Nam có quy mô lớn nhất tại thị trường Nhật Bản.

Năm 2009: Lần đầu tiên bổ nhiệm người Nhật ông Ogawa Takeo, nguyên Giám đốc Hitachi Software vào vị trí Giám đốc FPT Nhật Bản, đánh dấu bước phát triển đột phá của công ty.

Năm 2011: Sát cánh cùng các doanh nghiệp Nhật Bản vượt qua trận động đất sóng thần lịch sử, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa FPT Nhật Bản với các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản nói chung.

Năm 2012: Tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chiến lược “China Plus One”, góp phần đưa Việt Nam vượt qua Ấn Độ trở thành đối tác ủy thác dịch vụ CNTT được ưa chuộng số một tại Nhật Bản.

Năm 2013: Mở thêm văn phòng mới tại Nagoya, thủ phủ của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, giúp FPT Nhật Bản tiếp cận gần hơn và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng một cách nhanh nhất.

Năm 2015: doanh thu dự kiến tăng gấp gần 17 lần do với năm 2005, nhân sự đạt gần 500 người và tạo việc làm cho trên 4.000 kỹ sư CNTT trẻ tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG