Giải bài toán thiếu vi chất dinh dưỡng bằng sữa học đường

Bổ sung đa vi chất vào sữa học đường là vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em
Bổ sung đa vi chất vào sữa học đường là vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em
Để thực hiện hiệu quả Chương trình Sữa học đườngcủa Chính phủ với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, thì yêu cầu bổ sung đa vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường có yếu tố quyết định. Do vậy, điều mà các địa phương, doanh nghiệp mong muốn là Bộ Y tế sớm có một hướng dẫn thống nhất để thực hiện trên toàn quốc.

Khẩu phần ăn không đủ vi chất dinh dưỡng
Theo PGS. BS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người Việt thường thiếu hụt vitamin A, D, kẽm, sắt, thiếu đa vi chất, khẩu phần canxi thấp. Việc thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản, cũng như năng suất lao động của người lớn.
Nếu thiếu hụt trong thời gian dài sẽ khiến cho sự tăng trưởng và phát triển thể chất, trí tuệ bị ảnh hưởng, đôi khi không thể hồi phục. Tiêu biểu như khi thiếu canxi lâu dài trong khẩu phần (ít hơn 600 mg/ngày) có thể gây ra rối loạn chuyển hóa chất khoáng tại xương, giảm trọng lượng xương, gây loãng xương, còi xương, co cứng cơ, tăng huyết áp, ung thư ruột và đại liệt tràng. Thiếu hụt vi chất có thể dẫn đến tử vong, giảm chất lượng cuộc sống và năng suất lao động.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cung cấp thông tin: Khẩu phần ăn của người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là trẻ em đều không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể. Tại Đông Nam Á, thiếu vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể xảy ra ở cả thành thị và nông thôn (số liệu giám sát dinh dưỡng ASEAN và Việt Nam). GS.TS Lê Danh Tuyên khuyến nghị: Người dân nên lưu ý lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày như muối tăng cường i-ốt, bột mì tăng cường sắt, kẽm hoặc các thực phẩm có thành phần nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng này, dầu ăn tăng cường vitamin A…
Cùng quan điểm, PGS.BS Lê Bạch Mai bày tỏ lo ngại khi dẫn thông tin từ báo cáo của Hiệp hội sữa Việt Nam 2018, lượng tiêu thụ sữa trung bình của người Việt chỉ đạt 27-28 lít sữa/người/năm, khá khiêm tốn so với Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Vì vậy, các nhà sản xuất sữa nên bổ sung thêm nhiều vi chất quan trọng vào sản phẩm sữa để góp phần cải thiện thể trạng người Việt.

Bổ sung vi chất để tối ưu hóa sữa học đường
 Trước thực trạng thiếu vi chất trong bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam, việc bổ sung đa vi chất vào sữa học đường là vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, nhất là lứa tuổi học đường. Rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng và nhà khoa học đồng tình và đánh giá cao việc Bộ Y tế dự thảo thông tư quy định bổ sung đa vi chất vào sữa học đường theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Phó Trưởng khoa Vi chất (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) Trần Khánh Vân thông tin, các vi chất được bổ sung trong sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi.
Theo bà Trần Khánh Vân, việc tăng cường vi chất vào thực phẩm là việc nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu. Tại Việt Nam, không chỉ sữa học đường được bổ sung vi chất mà còn nhiều sản phẩm khác cũng được bổ sung các vi chất. Bên cạnh việc bổ sung 3 loại vi chất bắt buộc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với sữa học đường là sắt, vitamin D và canxi, việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất khác không làm thay đổi chất lượng sữa mà chỉ làm tăng chất lượng của sữa. Đặc biệt, với sữa học đường có tính ưu việt về độ bao phủ, giá thành phù hợp khi có sự liên kết, ưu đãi của nhiều lực lượng sẽ là một giải pháp tối ưu để bổ trợ cho bữa ăn học đường.
Trong buổi họp báo mới đây về Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Loại và hàm lượng các vi chất dinh dưỡng tăng cường vào sữa học đường theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi trong bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.“Việc thực hiện chương trình này hoàn toàn minh bạch và rất bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, tiêu chí về dinh dưỡng khi đưa vào sử dụng, đảm bảo cung cấp cho các cháu những dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ”, ông Tiến, nói. 

Giải bài toán thiếu vi chất dinh dưỡng bằng sữa học đường ảnh 1Sữa học đường được Vinamilk sản xuất với công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế

Sớm ban hành hướng dẫn
Để hoàn thiện quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư về nội dung này. Tại cuộc họp, các Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ Y tế cùng với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa khác như: Vinamilk, Nuti, Cô Gái Hà Lan, Ba Vì, Đà Lạt milk…, đã thống nhất và có sự đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và 21 vi chất dinh dưỡng cần phải có trong sản phẩm. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã hỏi từng doanh nghiệp về khả năng bổ sung đa vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm sữa học đường và các doanh nghiệp đều khẳng định có thể thực hiện được mà không có bất kỳ khó khăn gì.
Trên cơ sở đó, ngày 27/6/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông báo số 690/TB-BYT thông báo Kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường. Theo đó, đối với các vi chất dinh dưỡng, để đảm bảo thực hiện 4 chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg, bắt buộc đưa nhiều vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Trong cuộc họp tại Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Lê Văn Giang cũng cho biết, hiện tại có hơn 30 loại vi chất khác nhau được bổ sung vào sữa nhưng vẫn còn thiếu, do vậy trong sữa học đường nên bổ sung đa vi chất. “Tôi đề xuất bổ sung bắt buộc 21 loại vi chất vào sữa học đường theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia”, ông Giang nói.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cũng nêu quan điểm, cái gì tốt nhất cho trẻ em thì cần sớm triển khai. Theo ông Đề, sau hơn 3 năm triển khai chương trình sữa học đường trên toàn quốc mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó có tỉnh mới chỉ xây dựng kế hoạch. “Thực tiễn triển khai chương trình rất khó khăn, quan điểm tốt nhất dành cho trẻ em thì phải bắt buộc bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường”, ông Đề nói.
Trong thông báo kết luận, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em làm đầu mối phối hợp Cục An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng và Vụ Pháp chế tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư. Ông Cường cũng lưu ý các đơn vị trong bộ về tiến độ hoàn thành văn bản sớm nhất.
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết “vẫn đang khẩn trương hoàn thiện”.  
Các địa phương thì đang chờ đợi Thông tư để triển khai các chương trình sữa học đường theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao. Do vậy, theo phương án nào thì Bộ Y tế cũng cần sớm quyết định bởi năm học mới đang đến gần, sự chần chừ của Bộ này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp và địa phương chuẩn bị triển khai chương trình sữa học đường do không có sự hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc.

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm khá nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%.

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm khá nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.