Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị - Tramoc:

Hợp lý hóa luồng tuyến buýt và tăng kết nối mạng

Trên trục đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông – đường sắt 2A hoạt động đang chiếm tới 43 tuyến (40%) toàn mạng buýt của thành phố Hà Nội Ảnh: T.Đảng
Trên trục đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông – đường sắt 2A hoạt động đang chiếm tới 43 tuyến (40%) toàn mạng buýt của thành phố Hà Nội Ảnh: T.Đảng
TP - Với vai trò là cơ quan giúp Sở GTVT trong quản lý và điều hành lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, trong thời gian qua Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị - Tramoc (Sở GTVT Hà Nội) đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển buýt. Trước những yêu cầu mới, từ đầu năm 2019 đến nay, Tramoc đã tập trung vào việc hợp lý hóa luồng tuyến buýt và tăng kết nối mạng.

Sản lượng khách tăng 11%

Sau một thời gian gần như “chững” lại, 6 tháng đầu năm 2019 sản lượng hành khách tham gia giao thông bằng VTHKCC tại Thủ đô đã tăng trưởng trở lại và đạt ở 2 con số. Cụ thể, tổng sản lượng hành khách tham gia giao thông của các loại hình VTHKCC tại thành phố (xe buýt, taxi, xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng…); riêng xe buýt trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 447 triệu lượt, so với cùng thời kỳ năm 2018 con số này tăng 11,9% (trong đó xe buýt trợ giá đạt 230,75 triệu lượt, tăng 2,1%). 

Nêu những nguyên nhân nổi bật để đạt được kết quả trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tramoc cho biết: mạng lưới xe buýt tiếp tục được quan tâm, phát triển, mở rộng và điều chỉnh để hợp lý hóa luồng tuyến để buýt phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân tiếp tục được thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, với sự tham mưu của Tramoc, Sở GTVT Hà Nội đã chấp thuận để mở mới thêm 2 tuyến buýt không trợ giá (gồm tuyến số 214: Yên Nghĩa - Hà Nam và tuyến 68: Hà Đông - Nội Bài).

Đây là các tuyến buýt phục vụ nhân dân đi lại giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam và từ trung tâm quận Hà Đông đến sân bay Nội Bài; đã điều chỉnh hợp hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ đối với 5 tuyến buýt (tuyến 101, 103, 09, 56, 59) nhằm phục vụ nhân dân các xã của huyện Ứng Hòa, khu di tích quần thể Non Nước, Học viện Phật giáo Việt Nam...; đã tổ chức tăng cường kết nối xe buýt từ khu vực trung tâm thành phố đến bến xe Hương Sơn (Mỹ Đức) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong mùa lễ hội chùa Hương năm 2019.

“Những việc làm này đã giúp buýt của thành phố phủ thêm các vùng trắng xe buýt tại nhiều khu vực dân cư ngoại thành, riêng các trung tâm quận huyện, thị xã đến nay mạng xe buýt thành phố tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100% và hầu hết các khu đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học trên địa bàn Thành phố đã có xe buýt phục vụ”, ông Hải nói. 

Cùng với đó, thời gian biểu chạy xe cũng được Tramoc rà soát, điều chỉnh hợp lý nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Riêng 6 tháng đầu năm, Tramoc đã thực hiện điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 17 tuyến buýt (tuyến số 61, 46, 74, 51, 62, 21B, 111, 112, 15, 17, 05, 54, 10, 103, 96, CNG 01, 19) để phù hợp với điều kiện vận hành, phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách; đã tăng tần suất dịch vụ tuyến buýt BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) trong khung giờ cao điểm để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Với công tác điều hành và kiểm tra giám sát, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thông qua công tác kiểm tra giám sát, trong 6 tháng đầu năm, Tramoc đã kiểm tra trực tiếp trên tuyến là 18.818 lượt, kiểm tra thông qua thiết bị giám sát hành trình GPS là 90.211 lượt (tăng 1,5% so với thực hiện cùng kỳ 2018). “Qua các lần kiểm tra các tổ giám sát của Tramoc đã phát hiện và lập biên bản xử lý, chấn chỉnh vi phạm 582 trường hợp; bên cạnh đó công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng cho lái, phụ xe, điều hành tiếp tục được quan tâm; công tác ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, điều hành tiếp tục được Tramoc và các đơn vị vận hành phối hợp triển khai, trong đó riêng camera giám sát hành trình đã được lắp đặt trên 380 xe buýt”, ông Hải thông tin. 

Sẵn sàng để đường sắt trên cao “lăn bánh”

Nhằm tăng khả năng phục vụ của hệ thống VTHKCC, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời giúp thành phố sớm thực hiện các giải pháp quản lý xe cá nhân theo Nghị quyết của HĐND, hiện ngoài xe buýt, trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều dự án đường sắt đô thị. Riêng tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) đã thi công xong và chuẩn bị vận hành thời gian tới, để phục vụ cho kế hoạch này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ năm 2018 đến nay, Tramoc đã xây dựng phương án điều chỉnh lộ trình, kết nối hợp lý giữa các tuyến buýt với tuyến số 2A. 

Đề cập cụ thể nội dung này, lãnh đạo Tramoc thông tin, sau khi Sở GTVT cho chủ trương, đến nay Tramoc đã xây dựng và hoàn thành kế hoạch có tên gọi: Phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống VTHKCC bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Phương án này được xây dựng xuất phát từ thực tế hoạt động hiện nay, dọc tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đang có lượng tuyến buýt hoạt động khá lớn với 43 tuyến, chiếm khoảng 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới buýt thành phố. Riêng đoạn tuyến từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có 4 tuyến buýt chạy trùng với metro, gồm tuyến 01, 02, 21A, 27.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, Tramoc đã đề xuất Phương án với 2 kịch bản kết nối, trung chuyển giữa buýt với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hai kịch bản này, bao gồm: kịch bản cho phương án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy miễn phí ban đầu; Kịch bản khi tuyến 2A chạy chính thức. Với kịch bản khi tuyến 2A chạy chính thức, Tramoc đưa ra 4 giai đoạn thực hiện, gồm: giai đoạn 3 tháng đầu; giai đoạn sau 3 tháng; giai đoạn sau 6 tháng và giai đoạn sau 9 tháng.

Các giai đoạn này được thực hiện theo nguyên tắc: cung ứng, giải tỏa hành khách tối ưu nhất đảm bảo khai thác tối đa năng lực vận hành, khai thác của metro; giảm tối đa trùng tuyến, giảm mật độ xe buýt trên trục đường Cát Linh - Hà Đông có metro hoạt động; đảm bảo theo lộ trình các tuyến buýt ít bị ảnh hưởng điều chỉnh trước, các tuyến bị ảnh hưởng lớn điều chỉnh sau theo từng giai đoạn; bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, chuyển tuyến, đảm bảo khoảng cách từ điểm xe buýt đến nhà ga metro không quá 500m. “Phương án đã được xây dựng và soạn thành văn bản chuyển lãnh đạo Sở GTVT xem xét, trình UBND thành phố”, ông Nguyễn Hoàng Hải thông tin.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng vừa cho biết, phương án do Tramoc tham mưu xây dựng đã được tập thể lãnh đạo Sở thông qua và đã trình UBND thành phố. Theo đó, ông Viện thông tin thêm: Để chuẩn bị cho tuyến đường sắt số 2A đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cũng vừa ký văn bản số 2503/UBND-ĐT phản hồi về phương án, cụ thể: “UBND thành phố chấp thuận về nguyên tắc phương án và giao cho Sở GTVT chủ động điều chỉnh, triển khai thực hiện khi tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động”, văn bản của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.

Hợp lý hóa luồng tuyến buýt và tăng kết nối mạng ảnh 1
Tramoc đã xây dựng xong phương án kết nối giữa buýt và đường sắt đô thị bằng 
hệ thống điểm dừng sát nhà ga đường sắt   Ảnh: T.Đảng

Thành phố đánh giá cao phương án hợp lý hóa luồng tuyến buýt

Đánh giá về phương án kết nối, trung chuyển khách giữa xe buýt với metro khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nêu trong văn bản số 2503/UBND-ĐT: “UBND thành phố đánh giá cao việc chuẩn bị và đề xuất phương án với các kịch bản phù hợp, đảm bảo thuận tiện cho hành khách về mặt lý thuyết, tiên lượng hành khách để bố trí số lượng xe buýt trên các tuyến ngang và dọc phù hợp”. 

MỚI - NÓNG