Kết nối tuyến - đòn bẩy để buýt 'cán đích'

Thành uỷ viên, Chủ tịch HÐTV Transerco Nguyễn Phi Thường (thứ 4 từ trái qua) cùng lãnh đạo thành phố, Sở GTVT Hà Nội… cắt băng khai trương 2/17 tuyến buýt kết nối và chạy ngoại thành trong năm 2017. Ảnh: Anh Trọng.
Thành uỷ viên, Chủ tịch HÐTV Transerco Nguyễn Phi Thường (thứ 4 từ trái qua) cùng lãnh đạo thành phố, Sở GTVT Hà Nội… cắt băng khai trương 2/17 tuyến buýt kết nối và chạy ngoại thành trong năm 2017. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Năm 2017 được đánh dấu là năm Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) mở mới nhiều tuyến buýt nhất từ trước đến nay (18 tuyến, kể cả BRT); nhưng để hoàn thành các mục tiêu thành phố giao, trong kế hoạch 5 năm tới, mỗi năm Transerco còn phải mở thêm từ 13 đến 14 tuyến buýt mới.

Với thực tế hạ tầng hiện nay và mạng lưới buýt gần như bão hòa, việc mở các tuyến buýt mới là không hề đơn giản. Chia sẻ về vấn đề này, các “tư lệnh” có kinh nghiệm trong việc mở và đón các tuyến mới cho rằng, sau chủ trương mở tuyến, để các tuyến mới hoạt động có hiệu quả cần có thêm đòn bẩy trợ lực là liên kết tuyến. 

Cần mua "thói quen" của hành khách

Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Xí nghiệp Buýt Thăng Long: Năm 2017, Xí nghiệp được giao vận hành 3 tuyến buýt mới theo chủ trương kết nối mạng và phủ kín khu vực ngoại thành. Trong 3 tuyến này có tuyến một tuyến chạy vào các khu chung cư, đô thị trong khu vực nội thành để gom khách ra trục chính là tuyến số 106 - hành trình: Khu đô thị Mỗ Lao - Siêu thị Aeon Mall Long Biên; 2 tuyến vươn ra khu vực ngoại thành là tuyến 89 (bến xe Yên Nghĩa - bến xe Sơn Tây), tuyến 107 (Kim Mã - khu công nghệ cao Hòa Lạc). Với thiết kế xe từ 30 đến 60 chỗ ngồi, nhưng những ngày đầu hầu như xe chạy rỗng với chỉ 2 đến 3 khách/lượt. Chạy nhiều ngày như vậy không chỉ chúng tôi “sót”, mà anh em lái phụ xe cũng oải. Tuy nhiên, thay vì điều chỉnh biểu đồ hoặc giảm tuần suất hoạt động, tôi và nhiều anh em trong xí nghiệp thường xuyên xuống tuyến kiểm tra, động viên anh em lái phụ xe. Tôi luôn lấy dẫn chứng rằng, các tuyến 21, 31, 22... đông khách như thế cũng phải trải qua thời gian như các tuyến mở mới bây giờ. Để có khách, phải chấp nhận chạy rỗng trong thời gian đầu, thậm chí chạy rỗng ổn định cả về biểu đồ, tuần suất để người dân thấy buýt chạy đều như thế mà bỏ xe cá nhân. Từ chỗ chỉ 1 đến 2 khách, đến nay sau các tháng hoạt động đầu tiên, hành khách các tuyến buýt trên đã có trung bình từ 15 đến 30 khách/lượt, riêng tuyến 89 lượng khách đạt trung bình 40 khách/lượt, trong đó vé tháng chiếm gần 50%. Con số này vẫn không ngừng tăng trong các tháng.

Kết nối tuyến - đòn bẩy để buýt 'cán đích' ảnh 1

Ngoại thành - cú hích về sản lượng

Ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt Cầu Bươu: Có nhiệm vụ vận hành một tuyến buýt mới để xóa vùng trắng 3 huyện ngoại thành cuối cùng của thành phố là Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, tháng 8/2017 Xí nghiệp đã được giao chủ trương vận hành tuyến buýt 103 - lộ trình bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn (Mỹ Đức). Do đây là những khu vực nằm xa trung tâm Hà Nội nhất, đường sá đi lại khó khăn và trải dài trên lộ trình 64,8km, nhưng sau nhiều nỗ lực, cuối cùng tuyến buýt 103 cũng được Tổng Cty tổ chức “khai tuyến” vào đúng dịp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8). Với các tuyến buýt mở mới khác, chúng tôi phải chấp nhận thời gian chạy rỗng để mua thói quen đi lại của hành khách nhưng với tuyến 103, ngày mở tuyến đầu tiên lượng khách đã từ 20 đến 30 khách/lượt. Đến nay lượng khách đạt công suất của xe 60 hành khách/lượt, vào một số khung giờ cao điểm lượng hành khách còn vượt cả công suất. Lâu nay, đi lại giữa các khu vực, đặc biệt là khu thắng cảnh tâm linh Chùa Hương (điểm cuối tuyến - đầu B) với nội thành và ngược lại là bằng xe cá nhân hoặc xe dịch vụ, do vậy khi buýt về các khu vực trên người dân ở đây đã hồ hởi đón nhận. Để phương tiện được huy động vào phục vụ bà con thuận tiện, nhanh chóng nhất, thay vì đánh xe chạy trên 60 km ở đầu B về đề-pô Hà Nội, vừa qua xí nghiệp đã linh động làm việc với địa phương để được bố trí khu vực đỗ xe, nghỉ lại qua đêm để sáng hôm sau lái phụ xe huy động xe ra mở tuyến là đúng 5 giờ.

Kết nối tuyến - đòn bẩy để buýt 'cán đích' ảnh 2

Buýt BRT thay đổi hành vi người tham gia giao thông

Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội: Trong bối cảnh đường sá luôn ùn tắc, phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm thường phải xếp hàng để di chuyển, việc dành cho xe buýt nói chung và xe buýt nhanh (BRT) nói riêng một làn đường di chuyển riêng là hết sức khó khăn. Tuy nhiên bằng sự quyết tâm của cơ quan thực hiện và sự chia sẻ của đại bộ phận người dân, đến nay sau 1 năm vận hành tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội và cũng là cả nước đã chứng minh được hiệu quả. Nếu các tuyến buýt thông thường mở ra, phải vận hành thời gian tạo thói quen cho khách, nhưng với BRT khi vận hành vừa phải mua thói quen vừa phải tuyên truyền, vận động để phương tiện khác nhường đường.

Với những nỗ lực như trên, sau một năm hoạt động, BRT đã ghi nhận  được những chuyển biến tích cực từ người tham gia giao thông. Thứ nhất, từ việc phương tiện cá nhân chạy vào làn BRT để lưu thông như đường hỗn hợp, đến nay, dù đường có ùn ứ nhưng đa phần người tham gia giao thông đã nhường đường cho buýt BRT. Thứ hai, do có đường ưu tiên, vận tốc trung chuyển khách của BRT đang nhanh hơn 20% so với buýt thông thường, với thời gian lưu thông này, BRT đang chuẩn bị một phương án vận hành là cạnh tranh trực tiếp với xe máy, ô tô cá nhân. Thứ ba, nếu hành khách đi xe buýt lâu nay thường tập trung ở đối tượng học sinh, sinh viên và người nghỉ hưu thì với BRT, sau 1 năm hoạt động, trong tổng số trên 17 nghìn lượt hành khách/ngày (trung bình 91 hành khách/lượt giờ cao điểm) thì có đến 50% đối tượng hành khách trong số này là cán bộ, công chức đi BRT bằng vé tháng. Đây là một sự chuyển biến lớn về đối tượng hành khách đi xe buýt lâu nay.

Kết nối tuyến - đòn bẩy để buýt 'cán đích' ảnh 3

Cần tăng thêm kết nối nhánh cho buýt

Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức: Là huyện cuối cùng được “đón” buýt của thành phố trong năm 2017, chúng tôi thấy rất vui mừng. Là một trong những huyện nằm xa trung tâm nhất và lại có khu du lịch tâm linh là Chùa Hương nên những năm qua thành phố đã hỗ trợ đầu tư cho Mỹ Đức về mọi mặt, tuy nhiên chỉ có buýt là năm 2017 mới về được.  Do có khu du lịch nên nhu cầu đi lại giữa trung tâm thành phố với Mỹ Đức của bàn con địa phương và khách du lịch rất lớn, lâu nay người dân đang phải đi xe cá nhân, xe dịch vụ với quãng đường dài, rất tốn kém, vất vả. Với giá vé rẻ, xe tiện nghi nên khi buýt về đến thôn Đục Khê, xã Hương Sơn người dân Mỹ Đức đã hồ hởi đón nhận, tham gia. Thay vì phải bỏ từ 1 đến 2 ngày lên trung tâm thành hố thăm khám, nay người dân Mỹ Đức khu vực có buýt 103 đi qua chỉ cần đi về trong buổi.

Kết nối tuyến - đòn bẩy để buýt 'cán đích' ảnh 4

Để người dân các xã, khu vực lân cận Hương Sơn cũng có thể tiếp cận được buýt, cùng với đó tăng hiệu quả hoạt động của tuyến 103, lãnh đạo địa phương nhiều xã đang các tuyến đường liên thông với xã Hương Sơn trong đó có Hồng Quang, Phù Lưu, Hòa Nam, Hòa Phú, Lưu Hoàng... đề nghị, thành phố nối dài thêm tuyến hoặc bố trí một tuyến buýt nhánh chạy đến các xã này để gom khách cho tuyến buýt chính.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.