Cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ:

Khi các bác tài trở thành thượng đế!

Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang đảm nhận tốt vai trò cửa ngõ trọng yếu nhất của Thủ đô. Ảnh: Như Ý
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đang đảm nhận tốt vai trò cửa ngõ trọng yếu nhất của Thủ đô. Ảnh: Như Ý
TP - Từ khi chính thức vận hành, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã làm hài lòng phần lớn người đi xe. Thành công này phần nào đến từ cách làm bài bản và nắn nót của chủ đầu tư.

Ðường êm, cảnh đẹp

Với “dân” ngành giao thông, nỗi lo thường trực nhất hiện nay là làm đường xong, có xuất hiện vệt bánh xe hay không? Tuy nhiên, trên tuyến đường đông đúc, có nhiều xe tải nặng như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vấn nạn cam go đó chưa xuất hiện dù đã qua thời gian dài thử thách.

Anh Hà Văn Tiếp, chủ doanh nghiệp tư nhân Hà Văn Tiếp (Bắc Giang) điều khiển chiếc xe tải hạng nặng hiệu Huyndai (BKS 98C - 07091) đang dừng kiểm tra xe tại trạm thu phí nói: “Mặt đường rất phẳng, đồng đều cả tuyến. Xe tôi có thể chạy trung bình 70 - 80 km/h, an toàn và nhanh hơn trước rất nhiều”.

Theo ông Nguyễn Trọng Thảo, Phó TGÐ Cty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư), xe lưu thông toàn tuyến (hơn 29 km) giảm 15 phút so với trước (trước đây trung bình mất khoảng 45 phút - 1 giờ). Về bí quyết thi công, ông Thảo nói: “Chúng tôi chỉ có một bí quyết duy nhất là giám sát chặt chẽ khi thi công. Không dám chắc 100% nhưng đường đã được thử thách từ mùa nắng năm 2015 (km đầu tiên thảm vào tháng 11/2014 - PV) đến nay chưa có dấu hiệu hằn lún. Tuy nhiên, để ngăn ngừa, chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để ngăn xe quá tải”.

Không chỉ mặt đường êm thuận, nhà đầu tư đã dày công để tạo ra cảnh quan đẹp cho con đường. Thay vì trồng trúc đào như thường thấy trên các cao tốc, chủ đầu tư quyết trang trí cho dải phân cách giữa bằng cây ngâu và chuỗi ngọc -  lá xanh non mát mắt; mùa hoa nở, cả tuyến đường bừng sáng.

Trạm thu phí chính tuyến được thiết kế bề thế, hiện đại, trồng cây cảnh đẹp mắt cũng là điểm nhấn của dự án. Theo tiết lộ của chủ đầu tư, bằng cách đó, họ muốn tạo ra một cổng chào xứng tầm với Thủ đô.

Tài xế là thượng đế

Ít ai biết, hàng ngày có đến 350 người thay phiên nhau vận hành tuyến đường. Không chỉ thu phí, các bộ phận khác như an ninh, điều tiết giao thông phải luôn túc trực 24/24 giờ.

Nụ cười, vẻ mặt tươi tắn rạng rỡ theo đúng tiêu chí “4 xin, 4 luôn” của nhân viên thu phí khiến cho các bác tài đỡ căng thẳng trên chặng đường xa. Thậm chí, khi tác nghiệp tại trạm, chúng tôi còn chứng kiến vài bác tài tặng kẹo cho nhân viên thu phí. Phương án gộp chung trạm thu phí cuối tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và trạm đầu tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình (của VEC) là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí cho hai bên, vừa lợi cho khách hàng khi không phải dừng xe nhiều chặng.    

Ông Thảo cho biết, để vận hành “trơn tru” tuyến đường phải dày công vì nhiều tình huống phát sinh. Ðơn cử, trong các trận mưa lớn, nhiều đoạn, nước tràn mặt đường. Kiểm tra thấy, các họng thu nước bị túi ni lông bịt kín họng thoát nước. “Từ đó, chúng tôi phải tăng cường gom rác hàng ngày. Mong sao hành khách khi có rác, hãy tạm giữ lại rồi trao cho nhân viên tại trạm thu phí để bảo vệ chung cho toàn tuyến”- ông Thảo nói. 

Dự án đang triển khai giai đoạn 2, mở rộng thành 6 làn xe, đồng thời xây dựng đường gom hai bên, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Giai đoạn 2 có mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, trong tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng của toàn dự án.

“Giai đoạn I của dự án hoàn thành có mặt đường êm thuận, trắc dọc ðược cải thiện nên tốc độ lưu thông của phương tiện tăng, an toàn hơn trước. Mỹ quan tuyến đường cũng được chủ đầu tư quan tâm; đơn cử như việc lựa chọn cây ngâu, cây chuỗi ngọc trồng ở giải phân cách giữa; đẹp, tinh tế hơn. Tuy nhiên, đây là tuyến đường cửa ngõ quan trọng nhất của Thủ đô, lưu lượng phương tiện lớn, tăng nhanh, chủ đầu tư cần tập trung thực hiện giai đoạn 2, mở rộng, nâng cấp mặt đường đúng tiến độ của Bộ GTVT đặt ra” – Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Quản lý Ðường bộ cao tốc, Tổng cục Ðường bộ.

MỚI - NÓNG