Lỗ cả nghìn tỷ đồng, hàng không Việt vẫn sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế

TP - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2020, các doanh nghiệp vận tải trong lĩnh vực hàng không vẫn đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động, quyết tâm vượt qua thách thức, sẵn sàng chào đón các chuyến bay quốc tế.

Chật vật đà hồi phục

Trung tuần tháng 6 vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam liên tiếp mở các đường bay nội địa mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, cho dù, thị trường nội địa đã khôi phục hoàn toàn các đường bay nhưng do chưa được mở lại các đường bay quốc tế nên các hãng hàng không trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Lỗ cả nghìn tỷ đồng, hàng không Việt vẫn sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế ảnh 1 Nhân viên Cty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) phát khẩu trang phòng dịch miễn phí cho hành khách đi đến tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng 

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng thị trường hàng không trong nước cơ bản sẽ khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021. Nhưng thị trường hàng không quốc tế tương đối khó đoán vì diễn biến dịch COVID-19 ở các quốc gia trên thế giới hết sức phức tạp và việc khôi phục bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu du lịch. Dự báo nhanh nhất phải 1-2 năm tới, thị trường hàng không quốc tế mà Việt Nam khai thác mới khôi phục bằng năm 2019.

Hiện tại, dù đã tăng cường mở mới các đường bay nội địa, nhưng đại diện các hãng hàng không trong nước chia sẻ vẫn phải “gồng gánh” từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì các hoạt động như tiền thuê, mua máy bay, tiền thuê sân đỗ, lãi suất ngân hàng... Thậm chí, các hãng đang phải đối mặt với tình trạng âm dòng tiền, cạn kiệt tiền dự trữ, tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Đơn cử như chia sẻ của ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, đợt cao điểm chống dịch COVID-19 vừa qua, từ việc cắt giảm các chi phí vận hành, cho trên 80% nhân viên, phi công, tiếp viên nghỉ luân phiên không nhận lương hoặc chỉ nhận lương cơ bản, Vietnam Airlines đã giảm chi phí được khoảng 4.500 tỷ đồng. Ngoài ra, hãng cũng đã đàm phán với các đối tác cho thuê tàu bay để xin giảm giá thuê, giãn thời gian thanh toán với số tiền khoảng vài nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2020 -2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề khi cơn bão COVID-19 quét qua, nhưng hàng không Việt Nam được dự báo sẽ là một trong những ngành có tốc độ hồi phục nhanh nhất sau dịch, dù mức tăng khó đạt như kỳ vọng. Nếu ngành hàng không hồi phục sớm sẽ là động lực kéo theo nhiều lĩnh vực khác tăng tốc, từ du lịch, kinh tế dịch vụ tại nhiều địa phương.

Ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT), cho biết công ty dự kiến lỗ 480 tỷ đồng trong năm 2020 do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng theo lãnh đạo Cty AHT, doanh nghiệp (DN) không sa thải bất cứ người lao động nào, đảm bảo đầy đủ chế độ theo quy định cho cán bộ, công nhân viên. Công ty luôn đảm bảo mua sắm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho người lao động khi làm việc trong mua dịch.

Chia sẻ với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, AHT cũng đã tổ chức các đoàn nhân viên tình nguyện xuống hỗ trợ các công việc ở các điểm cách ly tập trung, tặng đồ bảo hộ, đồ dùng cho cán bộ và chiến sỹ ở các khu cách ly, tặng tiền và trang thiết bị cho các tỉnh Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.

“Là thành viên chính trong ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cảng hàng không quốc tế Đà nẵng, AHT đã tổ chức đón tiếp thành công và chu đáo đồng bào di tản về nước qua cảng HKQT Đà Nẵng và các chuyến bay di tản công dân của các nước từ Đà Nẵng”, ông Hậu chia sẻ.

Đảm bảo nguồn lực, sẵn sàng phục vụ các chuyến bay quốc tế

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không; trong đó giảm nhiều loại phí đến hết năm nay là một cú hích cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn này.

“Tuy nhiên, trong dài hạn, cần thiết lập các đường bay, hoạt động bay và đặc biệt là có nguồn vay để các hãng bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất trong thời điểm dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh. Khi đó, các hãng có lãi mới có thể phát triển lại thị trường”, ông Đinh Việt Thắng chia sẻ.

Lỗ cả nghìn tỷ đồng, hàng không Việt vẫn sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế ảnh 2  Hành khách đông đúc tại sảnh checkin quốc nội sân bay Đà Nẵng

Trước mắt, để hỗ trợ các hãng hàng không khôi phục vào thời điểm sống còn này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa. Cục cũng kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các DN trong ngành có các gói giãn, giảm giá, thậm chí là miễn giá, đồng thời làm việc với các ngân hàng có gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không chi trả các chi phí nhằm tiếp tục duy trì hoạt động.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cty AHT, trước thực trạng cực kỳ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, toàn thể cán bộ và nhân viên vẫn duy trì công tác bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị và luôn đảm bảo tất cả các nguồn lực khai thác đều sẵn sàng để phục vụ các chuyến bay quốc tế ngay khi hoạt động hàng không quốc tế được nối lại.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hàng không Việt phải luôn ở tâm thế sẵn sàng vươn ra quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát, các rào cản nhập cảnh, các yêu cầu về cách ly được dỡ bỏ. Khi đó, ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế cũng sẽ nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ.

Đầu tháng 5 vừa qua, Tổ chức quốc tế Skytrax công bố kết quả xếp hạng các sân bay trên thế giới, trong đó Cảng HKQT Đà Nẵng lần đầu tiên lọt “Top 10 sân bay được cải tiến nhất thế giới năm 2020”.

Giải thưởng này được Skytrax thực hiện dựa trên kết quả khảo sát hành khách đi máy bay tại các sân bay quốc tế toàn cầu về mức độ cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách, và mức độ hài lòng sau khi sử dụng dịch vụ của sân bay. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.