Mang những tấm lòng về quê

Mang những tấm lòng về quê
Vào ngày 3/12 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thiên Bút cùng Hội đồng hương thôn Lâm Thượng đã về huyện Mộ Đức- Quảng Ngãi để trao tặng quà và hỗ trợ bà con sau lũ.

Anh Trần Thanh Phong- GĐ công ty Thiên Bút là người con của thôn Lâm Thượng (Đức Phong-Mộ Đức-Quảng Ngãi), đây cũng chính là nơi bị ngập nặng nề nhất. Theo thông tin từ ông Nguyễn Đình Long (Chủ tịch UBND xã Đức Phong) cung cấp thì toàn xã có gần 3000 hộ bị ngập, mức ngập sâu từ 1m lên… tới nóc, trong đó có 4 căn nhà bị sập hoàn toàn, hai người bị thương.

Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 17 tỷ đồng, trong đó mất mát lớn nhất là về lương thực, gia súc, gia cầm… Sau lũ, nhà nước có hỗ trợ cho xã Đức Phong 20 tấn gạo, còn lại bà con tự khắc phục là chính. Người bị mất mát ít thì giúp người bị mất mát nhiều.

Anh Trần Thanh Phong trao tiền cho người già thôn Lâm Thượng (Đức Phong- Mộ Đức- Quảng Ngãi)
Anh Trần Thanh Phong trao tiền cho người già thôn Lâm Thượng (Đức Phong- Mộ Đức- Quảng Ngãi).

Đã hơn nửa tháng sau đêm lụt kinh hoàng, nhưng khi chúng tôi về vẫn thấy nét mặt mệt mỏi, hoảng hốt trên gương mặt của người dân. Tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc trò chuyện đều cho biết khắc phục hậu quả sau lũ quá nhọc nhằn, chỉ riêng việc quét dọn nhà cửa đã mất cả tuần lễ.

Điều gây cảm xúc mạnh đối với chúng tôi là những người già sống neo đơn, con cháu đi làm ăn xa, giờ nhà cửa vẫn bộn bề, vườn tược tan hoang. Do vậy nhóm từ thiện thống nhất kế hoạch “Trao tặng tiền để hỗ trợ người già”.

Tại thôn Lâm Thượng, chúng tôi đã trao tổng cộng 130 suất quà (mỗi suất gồm 1 thùng mì tôm và phong bì 200 ngàn đồng) cho các hộ bị ngập lụt và 30 phong bì tiền (200 ngàn đồng/ phong bì) cho những người cao tuổi. Anh Trần Thanh Phong cũng đại diện cho nhóm từ thiện tặng cho cô Trương Thị Dưỡng (Hiệu trưởng Trường mầm non Đức Phong) số tiền 3 triệu đồng để nhà trường khắc phục hư hại tủ cá nhân và máy tính do bị ngập lụt.

Tại thôn 4 (xã Đức Tân- Mộ Đức-Quảng Ngãi) chúng tôi trao 50 suất quà (mỗi suất gồm 1 thùng mì tôm và phong bì 200 ngàn đồng) và 25 phong bì (200 ngàn đồng/ phong bì) cho 25 người già. Chúng tôi cũng đến tận nhà, trao cho chị Trần Thị Ngọt (SN 1973) có cậu con trai vừa mất trong trận lụt vừa rồi số tiền 1 triệu đồng.

Nuốt nước mắt vào trong

Nhà chị Ngọt nằm giữa cánh đồng trũng (Đồng Cát- Mộ Đức- Quảng Ngãi), bao quanh ngôi nhà là những hàng cây chuối rũ riệt sau lũ lụt. Cách đây 10 năm, chồng chị Ngọt có vợ bé, bỏ nhà ra đi. Chị Ngọt một nách nuôi hai con trong nghèo khó.

Để chống đỡ cái nghèo, có tiền cho con ăn học, chị Ngọt vào Sài Gòn bán vé số, rồi chuyển qua nghề bán rau câu dạo. Khi trận lụt kinh hoàng xảy ra, chị Ngọt vẫn đang ở Sài Gòn, chị không hề hay biết đứa con trai lớn của mình (cháu Nguyễn Minh Tâm, đang học lớp 12 trường THPT Nguyễn Công Trứ) vì thấy ca nô chở hàng cứu trợ chạy qua nên đã tự ý chèo ghe ra, không may cây chèo bị gãy, cháu té ngã xuống dòng nước.

Vì không biết bơi, nên cháu Tâm nhanh chóng chìm xuống đáy cánh đồng. Mọi nỗ lực cứu vớt, tìm kiếm của người dân quanh đó diễn ra trong tuyệt vọng, cho đến hai ngày sau mới tìm được cháu.

Nhận được hung tin, chị Ngọt đón xe đò từ Sài Gòn về Quảng Ngãi. Đám tang của cháu Tâm là một minh chứng khắc nghiệt nhất cho sự mất mát do thiên tai. Mất tài sản thì có thể làm lại được, còn mất con người thì vĩnh viễn. Chị Ngọt mất đi một người con, một niềm vi họng, một cứu cánh cuộc đời góa bụa nghèo khó của chị.

Giờ thì chỉ nuốt nước mắt vào trong. Khi chúng tôi hỏi khi nào thì chị đi vào lại Sài Gòn, thì Ngọt rơm rớm nước mắt nói: “Cũng chưa biết chừng, có thể là qua tết, mà cũng có thể là em ở ngoài này luôn, em còn một đứa con gái đang học lớp 7 nữa”(!)

Người miền Trung vốn không quen kể lể, cho nên khi đi đến người dân, chúng tôi chỉ cần nhìn vào gương mặt họ, nhìn vào ngôi nhà họ đang sống, là có thể hiểu được phần nào gia cảnh. Thiệt hại sau lũ là rất lớn, những suất quà của chúng tôi, nói cho cùng cũng chỉ là một chút tấm lòng.

Cũng vì tấm lòng mà anh Trần Thanh Phong liên tục có … phát sinh quà tặng. Hễ nghe ai đó nói có hộ nghèo cần giúp đỡ là chúng tôi tìm đến. Thôi thì cứ trao tiền. Có tiền bà con sẽ tự lo cái mà mình cần, mình thiếu.

Mong có thêm những chuyến về quê

Cùng phối hợp trong chuyến đi từ thiện vừa rồi là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thiên Bút và Hội đồng hương thôn Lâm Thượng. Do biết trước thiệt hại về lũ lụt rất lớn, nên trước chuyến đi chúng tôi có nhiều lần ngồi lại với nhau để tìm thêm nguồn kinh phí tài trợ.

Anh Trần Thanh Phong, với quan hệ doanh nhân của mình cũng đã kêu gọi nhiều người. Thế nhưng phải nói rằng, thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, việc kêu gọi tài trợ là rất khó. Là người hay đi làm từ thiện, chúng tôi hiểu điều đó. Cuối cùng thì anh Phong và một số anh em trong Hội đồng hương thôn Lâm Thượng quyết định sẽ dành 100 triệu đồng cho chuyến đi từ thiện này.

“Nếu những anh em khác ủng hộ thêm thì mình sẽ có thêm những chuyến về quê khác”- anh Phong tâm tình và hi vọng như thế.

Thế nhưng, thật bất ngờ với chúng tôi, khi về tới Quảng Ngãi thì có có một người Hà Nội đã vào đó. Đó là anh Bùi Tiến Đạt (GĐ công ty TNHH Kinh doanh thực phẩm Tiến Đạt- Hà Nội), mới 30 tuổi, chưa hề biết Quảng Ngãi là ở đâu, nhưng khi nghe anh Phong nói về chuyến đi từ thiện đã quyết định “khăn gói lên đường”.

Trong các buổi trao quà từ thiện, anh Đạt luôn nhiệt tình, vui vẻ với bà con nông dân. Dù rất khiêm tốn cho rằng mình là doanh nghiệp “cò con”, nhưng anh Đạt cũng có những phần quà của riêng mình để gửi đến người dân nghèo. Quả thật là đến với người nghèo, đặc biệt là người nghèo sau lũ lụt thì không biết bao nhiêu cho đủ.

Thế nhưng, như lời chúng tôi nói trong các buổi phát quà: “Danh sách trao quà này chắc chắn là còn thiếu sót và không thể nào đủ hết. Những phần quà này, so với sự mất mát, cũng như nhu cầu cuộc sống hiện tại của bà con thì rất nhỏ bé. Nó chẳng thấm vào đâu cả, nhưng đó là tấm lòng. Chúng tôi trao quà, là trao tấm lòng. Rất mong bà con hiểu cho!”.

Thực sự thì không cần chúng tôi giải thích, bà con cũng hiểu được điều đó. Cái mà họ cần nhất chính là sự chia sẻ tình thương. Khi cầm những đồng tiền mua sắm họ sẽ nhớ, khi ngồi bưng chén cơm họ cũng sẽ nghĩ tới những hạt gạo mà người khác mang đến cho mình.

Đó không chỉ là vật chất mà là sự thơm thảo của tấm lòng đang trao truyền cho nhau. Bản chất của từ thiện là vậy. Cho nên, chúng tôi rất mong còn có những chuyến về quê nữa. Bởi quê còn nghèo khó, lao đao (!)

Theo Viết
MỚI - NÓNG