Một thập niên BIC chinh phục thị trường, bước ra thế giới

Lãnh đạo FairFax cùng lãnh đạo BIC.
Lãnh đạo FairFax cùng lãnh đạo BIC.
TP - Sau 10 năm phát triển, đến nay, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã trở thành doanh nghiệp khẳng định được uy tín với khách hàng, thị trường bảo hiểm.

Không chỉ khẳng định được vị thế, chiếm lĩnh thị phần trong nước, đến nay, BIC còn thành công trên cả thị trường ngoại. Đối tác chiến lược của BIC là Fairfax đánh giá cao BIC trong xu hướng trở thành nhà bảo hiểm quốc tế.

Chặng đường đúng hướng, gặt hái thành công

Năm 2005, BIDV mua lại vốn góp của QBE trong Công ty Liên doanh Bảo hiểm Việt-Úc (Liên doanh giữa BIDV và QBE) để thành lập BIC. Trong lịch sử mua bán và sáp nhập M&A doanh nghiệp hơn 15 năm qua ở Việt Nam, thương vụ “Ta mua Tây” hy hữu 10 năm trước đã tạo ra thương hiệu bảo hiểm mới, có tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

“Soi” lại quá trình phát triển của BIC, có thể thấy BIC cũng trải qua những bước đi dò đường, định vị và tăng tốc nhờ nội lực và làm bạn với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Theo lãnh đạo BIC, từ việc rút kinh nghiệm trong liên doanh với QBE, BIC đã nhanh chóng bắt mạch, khơi nguồn nội lực của chính BIC, tận dụng cơ hội khi là đơn vị thành viên của hệ thống BIDV. Trong 5 năm từ 2005 đến 2010, BIC tìm đường và chạy đà cho 5 năm tăng tốc tiếp theo. Những mốc son trong 5 năm qua của BIC thực sự tạo nên bước nhảy vọt của BIC: Ngày 1/10/2010, BIC chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần. Sự chuyển đổi này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển của BIC, giải phóng được mọi ràng buộc của mô hình cũ để phát huy tối đa nội lực. Doanh thu của BIC từ đây cũng tăng vọt. Tháng 9/2011, BIC đã chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Cũng trong năm 2011, trong điều kiện kinh doanh bất lợi, với sự nỗ lực của tập thể hơn 500 cán bộ, BIC lần đầu tiên vượt mốc lợi nhuận 100 tỷ đồng. 

Năm 2015, ông Trần Hoài An, Tổng Giám đốc BIC nhận định rằng, đây là một năm kinh doanh thành công của BIC với mức tăng trưởng tốt cả về tốc độ và giá trị tuyệt đối trong 10 năm hoạt động. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của công ty mẹ ước đạt khoảng 1.476 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 155 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%.

Trong 5 năm tăng tốc, BIC đã tìm được cho mình những đối tác uy tín để thiết lập cơ chế hợp tác. Cả MetLife của Hoa Kỳ và Fairfax của Canada đều đang cùng BIC vươn ra biển lớn hướng đến một công ty bảo hiểm quốc tế.

Vươn ra thị trường quốc tế

Đến nay, mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm quốc tế của BIC và con đường đi đã rất rõ ràng. Thực tế, từ ngày đầu thành lập, BIC đã lựa chọn các nhà tái bảo hiểm lớn, có định hạng tín nhiệm cao để hợp tác. Kết quả phát triển kinh doanh tại thị trường Lào và Campuchia đã cho BIC kinh nghiệm quan trọng hợp tác thành công với các thương hiệu bảo hiểm hàng đầu thế giới là MetLife và Fairfax.

Tới nay, tại thị trường Lào, công ty con của BIC là LVI đã có thị phần trên 24%, đứng thứ 2 ở Lào. LVI đang chứng tỏ là công ty hoạt động hiệu quả nhất của hệ thống BIC khi tỷ lệ chi phí kết hợp duy trì dưới 85%, tỷ suất sinh lời ROE trên 20%. Công ty Bảo hiểm Cambodia Việt Nam (CVI) ở thị trường Campuchia đã trở top 5 công ty bảo hiểm lớn nhất, là công ty bảo hiểm dẫn đầu về bảo hiểm hàng không. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại hải ngoại đã chiếm trên 30% tổng lợi nhuận của hệ thống BIC.

BIC hoàn toàn tin tưởng, với sự tham gia trực tiếp và đầy đủ của cổ đông chiến lược Fairfax từ 2016, BIC sẽ có bước phát triển mới đột phá cả về quy mô và hiệu quả trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Fairfax có những bài học thành công với rất nhiều công ty bảo hiểm tại Châu Á như ICICI Lombard (Ấn Độ); Công ty Bảo hiểm First Capital (Singapore)... Lãnh đạo Fairfax tham gia HĐQT BIC và Ban kiểm soát sẽ có điều kiện cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho BIC để nâng cao nghiệp vụ bảo hiểm, tăng cường quản trị rủi ro và công nghệ thông tin.

MỚI - NÓNG