NHCSXH Thừa Thiên Huế: Hết lòng lo vốn cho người nghèo!

TP - Tháng 5/2017, trời xứ Huế trong xanh nhưng nóng như rang lửa, cùng với đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi có mặt tại những vùng đất khó của Thừa Thiên Huế là Phú Vang và Quảng Điền và Nam Đông. Cảm nhận khi đặt chân lên những vùng đất khó, đó là Huế nghèo, nhưng người Huế trọng chữ tình. Với các hộ dân vay vốn, dù thế nào, đến kỳ, cũng xoay xở trả ngân hàng đúng hạn.

Buổi sáng ở biển Thuận An

Giữa sáng muộn, cái nắng tháng Năm ở Huế như muốn rang lên hết thảy. Phú Vang là một huyện vùng biển nhưng tại xã Minh Hà, người dân ngoài nghề đi biển còn trông vào đồng ruộng.  Khi chúng tôi có mặt vừa lúc buổi giao dịch vay vốn tiết kiệm thường niên tại UBND xã Minh Hà đang diễn ra đúng lịch.

Trò chuyện, chị La Thị Thia, sinh năm 1965, tổ trưởng một tổ vay vốn cho hay chị có ba người con đều theo học đại học và cao đẳng- đặc biệt cả ba đều theo Chương trình cho vay HSSV. Chị Thia kể: Tôi vay vốn từ cách đây 7 năm rồi; nuôi ba con ăn học ; hai em học ở Đà Nẵng về quản lý đất đai; em học xây dựng ở Huế đã xong; hiện còn một em học cao đẳng. Với tổng dư nợ vay vốn hiện lên tới 33 triệu đồng, lãi suất 0,75%/tháng chị Thia cho biết cả nhà đều tần tảo xoay xở; trả nợ ngân hàng đúng hạn và tiếp tục vay khi có thể.

Còn tại tổ vay vốn thị trấn Thuận An, khu đầm nuôi trồng thuỷ sản của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng rộng mênh mang. Đón khách trong bộ quần áo lao động cũ nhàu, anh Hưng đôn đáo lo bật máy bơm, để đoàn đến xem đầm tôm cá của anh đang sống ra sao.

Anh kể: cùng với vợ, anh chị là lao động chính trong nhà. Nhưng năm ngoái, khi có sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường biển, chủ tàu nơi anh Hưng hùn vốn giải tán, khiến anh phải quay về. Đầm nước này hai vợ chồng đang thuê để nuôi trồng thuỷ sản cũng bị ảnh hưởng khiến tôm cá giống chết. “Lúc đó, nhà tôi đã vay 60 triệu rồi; hai vợ chồng lại bàn nhau vay thêm 40 triệu vốn  theo chương trình hộ cận  nghèo để hồi phục lại đầm. Số tiền đó tôi đầu tư vào ao hồ, mua con giống và chăm bẵm từ ngày đó đến nay. Tháng 6 này, anh Hưng sẽ thu hoạch mẻ  cá tôm nuôi đầu tiên sau sự cố”.

Đứng kế bên, ông Ngô Văn Dư, Phó Chủ tịch thị trấn Thuận An cho hay như gia đình anh Hưng thuộc đối tượng bị ảnh hưởng qua ao đầm. Thị trấn có cả thảy 3.475 đối tượng  bị ảnh hưởng, hiện thị trấn đã phân loại, bình chọn và làm chính sách đền bù theo đúng quy định cho các lao động, hộ trực tiếp bị ảnh hưởng, còn như hộ anh Hưng đây, theo ông Dư sẽ nằm trong danh sách đợt tới với mức đền bù  khoảng 17 triệu/lao động.

Theo ông Dư hiện bà con nhận được tiền đền bù đã xoay xở chuyển đổi ngành nghề rất nhiều, chủ yếu sang nuôi trồng thuỷ sản, có người chuyển qua làm mắm, ve chai hay làm du lịch. “nói chung, người dân đã trở lại với biển”, vị lãnh đạo thị trấn phấn khởi khoe: Đợt lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi, biển chật cứng khách, sự phục hồi đã lên tới 75%. Thị trấn chúng tôi đang tự chủ lo về tài chính.

NHCSXH Thừa Thiên Huế: Hết lòng lo vốn cho người nghèo! ảnh 1 Chiều trên phá Tam Giang, thuyền của bà con xã Quảng Điền.

Chiều trên Phá Tam Giang

Phá Tam Giang địa danh nổi tiếng của Huế đây rồi. Sát bờ kè là công trình 5 tỷ đồng mà tổ chức Ngân hàng Thế giới vừa tài trợ để huyện Quảng Điền làm công trình đường và một bến thuyền, thấy ghe thuyền người dân neo chật bến. Trong ráng chiều, phá Tam Giang đẹp lung linh như những vần điệu thơ ca từng đi vào trang sách, nhưng ít ai biết ẩn sâu bên trong, lại chứa đựng cả những vùng đất khó.

Chị Nguyễn Thị Bình, Phó giám đốc NHCS chi nhánh huyện Quảng Điền kể đời sống bà con người dân gắn với phá Tam Giang khu vực này  rất khó khăn. Gần 20 năm gắn bó với miền đất này, chị Bình cũng như nhiều  cán bộ NHCS huyện khác đều quá thấu hiểu và không ngại lặn lội đến từng điểm vay vốn theo đúng kế hoạch giải ngân hàng tháng. “Dân ở đây nghèo nhất, có lẽ là nghèo nhất tỉnh, bởi vùng thấp mưa lụt quanh năm. Nhưng đặc biệt, tỷ lệ nợ quá hạn cực kỳ thấp”, chị Bình nói.

NHCSXH Thừa Thiên Huế: Hết lòng lo vốn cho người nghèo! ảnh 2 Chủ tịch xã Quảng An và Phó giám đốc NHCS huyện Quảng Điền đang kiểm tra tình hình vay vốn.

Bận họp, nên Phó Chủ tịch huyện, ông Nguyễn Tuấn Anh chỉ kịp tiếp đoàn ngay bờ kè sát phá. Ông cho biết dù khó, nhưng bà con ở đây rất trọng chữ tín, và luôn cố gắng kiếm tiền trả nợ vay ngân hàng đúng hạn. Tại xã Quảng An- nơi được ví là vùng sâu vùng xa và rốn lũ của địa bàn huyện, chủ tịch xã ông Lê Văn Hải cho biết: cả xã có 2.931 hộ với 11.000 khẩu; 7 thôn thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 25 triệu đồng/năm. Tính đến 4/2017 dư nợ vay vốn  toàn xã cả thảy là 2 tỷ 491 triệu đồng với 109 thành viên; 17 tổ. Đối  tượng được vay vốn để giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở và mua sắm trang thiết bị.

Trang trại nhà ông Phan Văn Hứa ở xã Quảng Điền rộng đến vài ha, vốn ngày xưa là đất bỏ hoang, hai vợ chồng ông đứng ra xin và tần tảo cải tạo lại toàn bộ. Khởi nghiệp từ một hộ nghèo vay vốn ngân hàng vài chục triệu để nuôi gà, nuôi lợn, đến hết 2003 trả xong nợ, ông Hứa lại vay tiếp. Cứ thế nhân rộng mô hình cộng với biết tính toán làm ăn, tới nay cơ ngơi của ông Hứa đã có một “gia tài” khá đầy đặn với đàn lợn mới sinh gần 50 con; chưa kể một ao cá đầy đàn, và hơn 4.000 con gà thịt. Ông Hứa nói: “Cả nhà tôi rất biết ơn đồng vốn khởi nghiệp đã vay từ NHCS, bởi nhờ đó mới có ngày hôm nay”.

NHCSXH Thừa Thiên Huế: Hết lòng lo vốn cho người nghèo! ảnh 3 Hộ gia đình ông Phan Văn Hứa bên ao cá nhà nuôi từ đồng vốn vay NHCSXH.

Hết lòng vì nghiệp vay vốn

Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế là người khá vui tính. Ngạc nhiên, khi ngày đi huyện miền núi Nam Đông, đích thân ông cầm vô lăng, vượt 60km đường đèo uốn lượn chở cánh báo chí xuống tận huyện nghèo (chúng tôi sẽ trở lại trong một bài báo khác). Ông Thọ kể, cả NHCS tỉnh có 3 xe để phục vụ công tác giải ngân nhưng chỉ có 2 tài xế và luôn hoạt động hết công suất bởi có rất nhiều điểm giao dịch cần, cho nên, tháng nào cũng tự lái xe vượt cả trăm cây số đi xuống các huyện.

Trao đổi về tình hình hoạt động của NHCS Huế, ông Thọ cho hay: Theo thống kê cả tỉnh hiện có dư nợ khoảng 2.250 tỷ đồng. Năm nay theo kế hoạch chúng tôi được NHCS Trung ương phân bổ về 230 tỷ; chỉ 1 tháng khi tiền về, các đơn vị đã lập tức giải ngân hết ngay theo kế hoạch ( rất nhiều chương trình vay và bà con nông dân luôn chờ vốn).  Về chất lượng tín dụng, theo ông Thọ, cả tỉnh chỉ có 0,27% tỷ lệ nợ xấu- tương đương khoảng 6 tỷ đồng.

Theo ông, điểm nổi bật nhất của các chương trình tín dụng chính sách mà ngân hàng đang triển khai chính là một dải sản phẩm được thiết kế theo chuỗi. Chuỗi này đi từ việc hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo để giúp các hộ thoát được nghèo. Thoát được rồi nếu có nhu cầu được vay tiếp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, từ đó có thu nhập để tích lũy góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, thậm chí trở thành các hộ kinh doanh nhỏ tại  vùng sâu, vùng xa.

Cập nhật số liệu của NHCSXH chi nhánh Thừa Thiên Huế, tính đến 31/3/2017, tổng dư nợ cho vay đạt 2.219.712 triệu đồng, tăng so với đầu năm là 107.084 triệu đồng, tương ứng tăng 5,07%. Doanh số cho vay trong tháng 3/2017 là 86.900 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm đạt 299.467 triệu đồng. Nợ xấu đến 31/3/2017 là 6.098 triệu đồng, tương ứng 0,27%/ tổng dư nợ, trong đó: Nợ quá hạn: 2.761 triệu đồng, tỷ lệ 0,12%/ tổng dư nợ; nợ khoanh là 3.337 triệu  đồng, tỷ lệ 0,15%/tổng dư nợ.

MỚI - NÓNG