Nhiều doanh nghiệp còn mù mờ về TPP

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất mơ hồ về những nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như chưa nhận thức rõ được những tác động tiềm tàng của Hiệp định đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Đó là ý kiến của bà Phùng Thị Lan Phương – Thư ký Trung tâm WTO, Phó trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – VCCI.

Thời gian gần đây, một trong những sự kiện được thế giới quan tâm là việc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Cũng như các nước, việc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hiện nay là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Xin bà cho biết những nội dung cơ bản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương?

Bà Phùng Thị Lan Phương: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt Hiệp định TPP) có 29 Chương bao gồm cả các vấn đề thương mại truyền thống và các vấn đề phi thương mại.

Trong đó, có những vấn đề lần đầu tiên được đưa vào khuôn khổ một FTA, có nhiều lĩnh vực, những vấn đề mà Việt Nam chưa từng cam kết bao giờ trong các FTA đã ký.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề đáng chú ý nhất trong Hiệp định TPP có lẽ là vấn đề mở cửa thị trường các nước đối tác cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp của chúng ta cũng cần phải lưu ý đến các vấn đề như: Quy tắc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại... bởi đây là những hàng rào phi thuế quan mà chúng ta phải đáp ứng được thì mới thâm nhập được thị trường các nước.

Bà có thể cho biết quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như thế nào về việc Việt Nam tham gia Hiệp định TPP?

Trước khi Chính phủ có quyết định chính thức tham gia đàm phán TPP vào tháng 11/2010, thì tháng 10/2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khuyến nghị lên Chính phủ sớm tham gia đàm phán TPP. Điều đó chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP.

Tuy nhiên, trong Khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam không tham gia TPP bằng mọi giá, tức là tham gia TPP nhưng vẫn phải đảm bảo được quyền và lợi ích của các nhóm đối tượng, của các ngành nghề dễ bị tổn thương nhất trong xã hội...

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất hi vọng cơ quan đàm phán TPP của Chính phủ sẽ có những phương án đàm phán hợp lý, hiệu quả để bảo vệ tối đa các quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, của nền kinh tế cũng như xã hội Việt Nam nói chung.

Để cung cấp thông tin cũng như các khuyến nghị đàm phán cho Đoàn đàm phán của Chính phủ, VCCI cũng đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động và lấy ý kiến của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về một số vấn đề đàm phán quan trọng trong TPP.

Cho đến nay, VCCI đã nhân danh cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Đoàn đàm phán của Chính phủ 5 Khuyến nghị phương án đàm phán TPP cụ thể.

Theo lộ trình, Hiệp định TPP sẽ được ký kết trong năm 2014, tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, hầu như các doanh nghiệp vẫn còn mù mờ về những nội dung của Hiệp định. Vậy theo bà các doanh nghiệp cũng như đoàn đàm phán và cơ quan chức năng cần phải làm gì?

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn rất mơ hồ về những nội dung của TPP cũng như chưa nhận thức rõ được những tác động tiềm tàng của Hiệp định đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, có thể thấy một điểm tích cực đó là TPP là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam mà Chính phủ có tham vấn chính thức doanh nghiệp thông qua Quyết định số 06/2012 về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều hội thảo mà qua đó cơ quan đàm phán đã trực tiếp cung cấp thông tin và tình hình đàm phán TPP cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Riêng VCCI đã nhân danh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gửi 5 khuyến nghị lớn về TPP lên đoàn đàm phán của Chính phủ và nhận được những phản hồi tích cực từ đoàn đàm phán.

Bên cạnh đó, rất nhiều Hiệp hội cũng đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành đã gặp mặt trực tiếp hoặc gửi khuyến nghị đàm phán TPP lên cơ quan đàm phán để bảo vệ lợi ích cho ngành mình.

Tuy nhiên, để việc tham vấn từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp được hiệu quả và thiết thực hơn, bản thân các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin thực tế và chính xác hơn về ngành mình cho cơ quan đàm phán, để phương án đàm phán cuối cùng phù hợp và phản ánh đúng nhất quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Nội dung trên thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tư pháp chủ trì, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của Tổng công ty khí Việt Nam - PVGas.

Chi tiết nội dung trên được phát sóng trong chuyên mục Tọa đàm “Kinh doanh & Pháp luật” vào 17h30 Thứ bảy, ngày 19/4/2014, phát lại vào 9h Chủ nhật ngày 20/4/2014 trên Kênh VTV2- Đài Truyền hình Việt Nam.

Đồng thời, định kỳ hàng tuần vào khung giờ trên, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng các chuyên đề liên quan lĩnh vực pháp luật về lao động, đầu tư, tài chính - ngân hàng, bất động sản...

MỚI - NÓNG